Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 29/04/2020 03:24 (GMT+7)

Dựng tượng vua làm biểu tượng công lý: Chưa thật sự hợp lý

Việc TAND tối cao đưa ra việc chọn vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý đang gây ra những ý kiến trái chiều trong dư luận.

Ngày 20/02, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thống nhất tôn vinh vua Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử. Đến ngày 23/4, Phó Chánh án TAND tối cao Lê Hồng Quang đã ký văn bản gửi Thẩm phán TAND tối cao, Chánh án tòa án Quân sự Trung ương, Chánh án TAND cấp cao và Chánh án TAND các địa phương để lấy ý kiến lựa chọn mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông.

Theo đó, sau khi lấy ý kiến đóng góp của các TAND, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã lựa chọn vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý của tòa án nhân dân.

Để chuẩn bị cho việc dựng tượng vua Lý Thái Tông đặt tại trụ sở TAND tối cao và các TAND, tòa án Quân sự các cấp, TAND tối cao tổ chức lấy ý kiến của thẩm phán TAND tối cao, cán bộ, công chức trong hệ thống tòa án đối với các mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông.

Đánh giá về việc này, Thạc sĩ Bùi Xuân Phái, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, ý tưởng, cái tâm về việc này có thể là tốt nhưng nội dung không tốt, căn cứ không tốt.

Tượng thần công lý thì cả thế giới chỉ có một, cũng giống như nghề thầy thuốc cũng chỉ có 1 biểu tượng. Nếu đạt đây là biểu tượng công lý thì “đây là biểu tượng công lý riêng, là công lý của Việt Nam thôi à? Công lý là công lý chung, công lý của nhân loại. Tại sao lại dựng biểu tượng như thế, trước đây không có thì sao? Bây giờ lại phải đưa thần công lý ra để quyết tâm?”, ông Phái nói.

Theo Luật sư Nguyễn Duy Bình, Đoàn Luật sư TP. HCM, đây là một việc hệ trọng, mang tính quốc gia, mang tính ổn định lâu dài. Muốn chọn một hình mẫu tiền nhân để làm biểu tượng công lý không hề đơn giản, đòi hỏi phải lấy ý kiến từ nhân dân và do Quốc hội, Nguyên thủ Quốc gia quyết định. Đây là một vấn đề rất quan trọng, nhưng từ trước tới nay nhân dân và Quốc hội cũng như các vị lãnh đạo có thể nói chưa hề đề cập đến, chưa bàn thảo.

Vì vậy, trước hết muốn tôn vinh, muốn chọn ai làm biểu tượng công lý, TAND tối cao phải có ý kiến đề xuất kèm theo báo cáo khoa học trình lên Quốc hội và bước tiếp theo là Quốc hội tổ chức bàn thảo, lấy ý kiến nhân dân và sau đó quyết định chứ không phải nội bộ ngành toà án tự quyết định.

Ông Ngô Cường – nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, TAND tối cao cho rằng, việc chọn biểu tượng công lý và dựng tượng trên hệ thống tòa án là hoàn toàn không cần thiết và không có nhiều ý nghĩa về mặt nhận thức.

Theo thuyết minh của TAND tối cao, vua Lý Thái Tông là người ban hành bộ “Hình thư” – bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam; vua Lý Thái Tông đã trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ… Việc lựa chọn vua là biểu tượng công lý được TAND tối cao kỳ vọng là công trình có ý nghĩa quan trọng về mặt kiến trúc, nghệ thuật; góp phần thể hiện tầm vóc, sự uy nghiêm của cơ quan tư pháp.

Theo ông Cường, chúng ta không ai biết một chữ nào trong Bộ “Hình thư” do vua Lý Thái Tông ban hành. Bộ luật dưới thời phong kiến dù tiến bộ đến đâu vẫn còn thể hiện sự bất bình đẳng giữa các giai cấp, thủ tục xét xử không thể nào khách quan…

Luật sư Bình cũng đưa ra quan điểm, chế độ phong kiến là chế độ quân chủ, quan hệ xã hội là quan hệ vua – tôi, một người đứng trên triệu người chỉ tay trị vì thiên hạ theo ý mình. Ở chế độ đó, dân chủ, tự do và công lý bị hạn chế, luật là của vua, xử như thế nào là do vua (độc trị).

Có 3 mẫu phác thảo tượng được gửi lấy ý kiến cán bộ ngành tòa án. Mẫu 1: vua cầm cuốn Hình thư trên ngực trái với hàm ý sâu xa việc xử án phải có trái tim nhân hậu; tay phải nâng cao như chỉ dạy, khuyên bảo. Mẫu 2: tay phải vua cầm gươm với hàm ý xét xử theo hình luật, đúng sai nghiêm minh, nghiêm trị. Mẫu 3: tay phải vua cầm cuốn Hình thư, tay trái cầm cán cân công lý. Dự kiến tượng được đúc bằng đồng đỏ mắt cua truyền thống, cao 5,3m.
Nhiều ý kiến cho rằng về tổng thể thì cả ba mẫu phác thảo do TAND tối cao đưa ra rất giống tượng vua Lý Thái Tổ, nếu chọn 1 trong 3 mẫu thì có thể sẽ xảy ra vụ tranh chấp về bản quyền với tác giả tượng vua Lý Thái Tổ.

Theo ông Phái, biểu tượng công lý trên thế giới ai cũng biết đó là tượng nữ thần công lý, cái cân biểu hiện sự công tâm, biện pháp là thanh kiếm, bịt mắt là biểu tượng cho sự không thiên vị, vô tư khách quan.

“Vậy thì giờ mình đưa ra cái này để làm gì, có ý nghĩa gì không? Cần phải giải thích rõ lý do vì sao, giữa việc làm và không làm có khác nhau gì không?”, ông Phái đánh giá.

Theo văn bản của TAND tối cao, để chuẩn bị cho việc dựng tượng vua Lý Thái Tông đặt tại trụ sở TAND tối cao và các TAND, tòa án Quân sự các cấp, TAND tối cao tổ chức lấy ý kiến của thẩm phán TAND Tối cao, cán bộ, công chức trong hệ thống tòa án đối với các mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông.

Luật sư Nguyễn Duy Bình đánh giá, xét về mặt kinh tế nhận thấy khi đất nước còn nghèo, khi chưa chọn và nhất quán được về hình tượng thì hoàn toàn không nên lãng phí. Trong thời điểm hiện nay, nếu toà án nào cũng đặt tượng như quyết định của TAND tối cao thì số tiền ngân sách bỏ ra để tạc tượng không phải là ít, thậm chí lên đến hàng trăm tỉ đồng. Trong lúc đó, nếu đem số tiền này để trích thưởng cho các cán bộ, thẩm phán có năng lực tốt nhằm khích lệ tinh thần, trách nhiệm của hệ thống cán bộ toà án hoặc để xây thêm trường lớp cho trẻ em nghèo ở vùng sâu, vùng xa thì có khi lại có ý nghĩa hơn rất nhiều.

Trong trường hợp sử dụng ngân sách để thực hiện việc đúc tượng, ông Nguyễn Sỹ Cương, Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sử dụng ngân sách để đúc tượng là không phù hợp với thời điểm này. Hiện nay Chính phủ đang vận dụng rất nhiều các biện pháp giúp cho người dân, doanh nghiệp đối phó với dịch bệnh.

Tuy nhiên, ngày 27/4, ông Ngô Tiến Hùng – Chánh Văn phòng TAND tối cao cho biết, sau khi Hội đồng Nghệ thuật lựa chọn mẫu tượng, bức tượng được đặt tại Quảng trường Công lý – thuộc dự án Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao mới (số 43 Hai Bà Trưng, TP Hà Nội). Thiết kế và kinh phí xây dựng tượng nằm trong gói dự án xây dựng trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Hiện nay, một số Tòa án địa phương có đề xuất xây dựng tượng tại trụ sở các Tòa án. Nội dung này Tòa án nhân dân tối cao không có chủ trương.

Cũng theo Thạc sĩ Bùi Xuân Phái, nếu ngành tòa án đặt tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng cho công lý thì sẽ tạo ra tiền lệ không tốt. Theo đó, các ngành, các lĩnh vực khác cũng đua nhau chọn một biểu tượng cho riêng mình sẽ dẫn tới sự “nhiễu loạn” biểu tượng, hình mẫu.

Cùng chuyên mục

Đề xuất phương án giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Dù lựa chọn phương án giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần như thế nào đều phải có giải pháp để giữ người lao động ở lại thị trường lao động, đó mới là giải pháp căn cơ, lâu dài. Nhấn mạnh trên được Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đưa ra trong Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Nhất trí phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông
Hôm nay (27/3/2024), tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, các Đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Trước phiên họp diễn ra, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội đã có báo cáo gửi Hội nghị về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật.

Tin mới

Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.
Luật Đất đai 2024: Bỏ khung giá đất - lành mạnh hóa thị trường đất đai
Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.