12 sự kiện nổi bật của ngành giáo dục đào tạo năm 2022
Quyết tâm mở cửa lại trường học trong bối cảnh dịch COVID-19, thiếu giáo viên trầm trọng, điều chỉnh Lịch sử thành môn bắt buộc...là những sự kiện tiêu biểu của ngành giáo dục năm 2022.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố 12 sự kiện được bộ đánh giá là nổi bật của ngành trong năm 2022.
1. Mở cửa trường học, đưa học động giáo dục trở lại bình thường
Năm 2022 là năm ngành giáo dục tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19. Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, ngành vừa chống dịch vừa kiên quyết mở trường học và thực hiện các biện pháp an toàn để mở cửa trường học trên toàn bộ 63 tỉnh/thành phố. Đến thời điểm tháng 4/2022, việc mở cửa trường học và các hoạt động trong nhà trường đã được trở lại bình thường. Mở cừa trường học và đưa học sinh quay trở lại trường học là quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của ngành Giáo dục.
2. Tích cực triển khai các gói hỗ trợ cho giáo viên, học sinh
Để chia sẻ khó khăn và hỗ trợ kịp thời đối với các cơ sở giáo dục, người dạy, người học, nhiều gói hỗ trợ đã được Chính phủ và ngành giáo dục triển khai như gói hỗ trợ tín dụng cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ tín dụng cho vay lãi suất ưu đãi đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; hỗ trợ với mức từ 2,2 triệu hoặc 3,7 triệu đồng đối với giáo viên mầm non, tiểu học trường ngoài công lập khó khăn do COVID-19; gói hỗ trợ đầu tư triển khai chuyển đổi số...
3. Nhiều quyết sách và giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc
Năm học 2022-2023, tình trạng thiếu giáo viên của ngành giáo dục càng trở nên trầm trọng khi vừa xuất hiện thêm các môn học mới vừa gia tăng số lượng giáo viên nghỉ việc, đặc biệt là giáo viên mầm non. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Chính trị đã duyệt giao cho ngành giáo dục hơn 65.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên từ nay đến năm 2026, riêng năm 2022 chỉ tiêu biên chế là hơn 27.000 giáo viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đề xuất Chính phủ tăng lương, phụ cấp cho giáo viên.
4. Tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới
Năm học 2022-2023 chương trình mới được triển khai mở rộng đến các khối lớp 3, 7 và 10. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sửa đổi quy định, qua đó cải thiện chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa. Với một số môn học mới, môn học bắt buộc được triển khai trong năm học, bộ đã có những hướng dẫn, chỉ đạo địa phương để chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện. Năm 2022, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, bộ đã tham vấn chuyên gia và điều chỉnh Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với sự bố trí phù hợp về thời lượng và tính chất đối với môn Lịch sử.
5. Học sinh Việt Nam đạt nhiều thành tích quốc tế
Năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo cử 7 đoàn học sinh giỏi Việt Nam với 38 lượt học sinh tham gia Olympic quốc tế. Kết quả, 100% học sinh Việt Nam dự thi đều đoạt giải với 13 huy chương vàng, 12 huy chương bạc, 8 huy chương đồng và 5 bằng khen. Các đoàn Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất với nhiều học sinh đạt điểm số cao.
6. Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022 được triển khai an toàn, chất lượng
Năm 2022, Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông được tổ chức trong cả nước gần 990.000 thí sinh dự thi. Đây là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đăng ký dự thi bằng hình thức trực tuyến. Kỳ thi được đánh giá là an toàn, nghiêm túc trong tất cả các khâu, từ ra đề đến tổ chức thi, chấm thi. Tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 là 98,57%.
7. Tích cực chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo
Năm 2022 ghi nhận nhiều thành tựu trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành và kết nối thành công cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Qua đó đã kết nối, đồng bộ, xác thực mã căn cước công dân và chia sẻ dữ liệu của hơn 1,5 triệu giáo viên và gần 21 triệu hồ sơ học sinh.
Năm 2022, việc ứng dụng triệt để công nghệ thông tin phục vụ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và công tác tuyển sinh đại học được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là “tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng cho người dân”.
8. Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam
Năm 2022, hoạt động Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022) đã được tổ chức trên cả nước với tinh thần giản dị, tiết kiệm, qua đó cổ vũ, động viên, tôn vinh và khơi dậy niềm tự hào của các thế hệ nhà giáo Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như gặp gỡ, tôn vinh 400 nhà giáo tiêu biểu trong cả nước; tri ân các nhà giáo lão thành có đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục; tôn tạo, nâng cấp các công trình di tích quan trọng của ngành…
9. Tự chủ đại học đi vào chiều sâu
Triển khai Nghị quyết Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017, hệ thống giáo dục đại học đã có bước tiến dài, các nguồn lực được khơi thông và năng lực của cơ sở đào tạo được phát huy nhưng vẫn còn những hạn chế. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành điều chỉnh chính sách, để làm cho tự chủ đại học trong thời gian tới đi vào chiều sâu, đầy đủ hơn và tạo thêm điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
10. Chỉ thị của Chính phủ về văn hóa học đường
Ngày 01/6/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hoá học đường. Việc triển khai văn hoá học đường và an toàn trường học thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên trên thực tế vẫn cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn nữa. Hiện bộ đang hoàn thiện để ban hành Kế hoạch Triển khai Chỉ thị số 08 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó sẽ triển khai sâu rộng, hiệu quả văn hoá học đường và an toàn trường học trong năm tới và các năm tiếp theo.
11.Tăng cường vai trò quốc tế của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Năm 2022, với vai trò là Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã tổ chức thành công chuỗi Hội nghị Bộ trưởng, quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN tại Hà Nội từ ngày 11-14/10. Tại hội nghị, các bộ trưởng tập trung trao đổi về tình hình giáo dục và đào tạo của mỗi nước, chia sẻ các bài học kinh nghiệm dạy học trong và hậu dịch COVID-19 đồng thời thông qua các tuyên bố chung.
Tháng 9/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về chuyển đổi giáo dục tại Hoa Kỳ. Trong khuôn khổ hội nghị và đã chia sẻ một số quan điểm và những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về phát triển bền vững trong giáo dục.
12. Giáo dục Việt Nam gia tăng chỉ số xếp hạng quốc tế
Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được thế giới ghi nhận và đánh giá cao với nhiều thành tích xuất sắc của học sinh Việt Nam trên trường quốc tế. Giáo dục mũi nhọn của Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia trên toàn thế giới.
Chỉ số xếp hạng các đại học của Việt Nam không ngừng gia tăng. Theo Tạp chí U.S News & World Report của Hoa Kỳ, kết quả Bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đào tạo đại học tốt nhất toàn cầu cho thấy trong kỳ xếp hạng năm 2023, số trường được xếp hạng là 2.165 trường, thuộc 95 quốc gia. Trong đó, Việt Nam có 5 trường đại học nằm trong bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đào tạo đại học tốt nhất toàn cầu.