3 việc cha mẹ cần làm khi con tới tuổi nổi loạn, cãi tay đôi với cha mẹ
Cha mẹ cần làm ngay 3 điều sau khi con đến tuổi nổi loạn, tuyệt đối không đánh mắng vì như vậy chỉ làm mọi việc tồi tệ hơn mà thôi.
Trẻ đến tuổi nổi loạn dường như luôn là một vấn đề khá đau đầu đối với nhiều bậc cha mẹ. Giai đoạn nhạy cảm này, cha mẹ tuyệt đối không nên đánh mắng, căng thẳng và tranh cãi với con vì chỉ làm cho con trở nên kích động, hiếu chiến. Như vậy, trước sự ngỗ ngược và không nghe lời của trẻ, cha mẹ nên làm gì?
Cha mẹ nên biết, thời kỳ nổi loạn của trẻ thường rơi vào hai giai đoạn.
Giai đoạn đầu tiên lúc trẻ khoảng 2 tuổi. Trong giai đoạn này, ý thức về bản thân bắt đầu "nảy nở", ví dụ như con nói "không" nhiều hơn, ít nghe theo lời cha mẹ hơn so với giai đoạn trước. Bởi vì bộ não luôn tò mò và thích khám phá thế giới xung quanh, trẻ rất thích làm những hành động nhằm thỏa mãn tính tò mò của chúng.
Giai đoạn thứ hai khi trẻ bắt đầu bước vào cấp tiểu học đến trung học cơ sở, hay còn gọi là giai đoạn dậy thì. Những biểu hiện trẻ nổi loạn trong thời gian này nhằm để khẳng định và thể hiện bản thân với thế giới xung quanh. Đây là thời kỳ phát triển nhanh chóng về thể chất lẫn tinh thần. Nội tiết tố tăng, cấu trúc não bộ phát triển khiến cho trẻ nhiều lúc không kiểm soát được cảm xúc nên giai đoạn này trẻ dễ cáu gắt, bốc đồng, nổi loạn.
Vậy, đâu là những nguyên nhân khiến con nổi loạn hơn?
Trong quá trình giao tiếp giữa cha mẹ - con cái, có một số phương pháp dạy con không đúng của cha mẹ cũng rất dễ khởi phát hành vi nổi loạn ở trẻ.
1. La hét và đánh đập
Nếu con không làm được những điều cha mẹ mong đợi, cha mẹ rất dễ mất kiểm soát cảm xúc, từ đó quát mắng, thậm chí đánh mắng con mình.
Khi cha mẹ quát mắng một đứa trẻ, thời gian đầu có thể khiến con ngoan hơn, nhưng thực ra nó chỉ là biện pháp tạm thời. Về lâu dài, nó có thể thúc đẩy hành vi nổi loạn và khiêu khích của trẻ tăng lên nhiều lần.
2. Phê bình, chỉ trích
Chỉ trích là biểu hiện cho việc cha mẹ đang cảm thấy tiêu cực và không tin tưởng khả năng của con cái. Một đứa trẻ thường xuyên bị chỉ trích, phê bình sẽ cảm thấy mất niềm tin và không cảm thấy được yêu thương sẽ dễ dàng trở nên nổi loạn.
3. Nói đi nói lại một vấn đề
Khi cha mẹ liên tục nói điều gì đó đã nói nhiều lần, lặp đi lặp lại sẽ khiến trẻ khó chịu, vì chúng cho rằng cha mẹ đang không tin tưởng mình. Về lâu dài, trẻ sẽ không chịu nghe lời, thậm chí có thể chống đối lại cha mẹ.
4. Rao giảng
Nhiều bậc cha mẹ rất thích thuyết giáo, rao giảng, nói đạo lý cho con những lúc xảy ra tranh luận giữa 2 bên. Kiểu dạy con bằng cách thuyết giáo này sẽ chỉ càng kích thích tâm lý nổi loạn của trẻ.
5. Đe doạ
Việc đe dọa con, đặc biệt đối với trẻ trong giai đoạn tuổi nổi loạn hoàn toàn không có tác dụng. Khi con đã tìm ra "điểm yếu" của bố mẹ trong lời đe dọa này, chúng sẽ chỉ cảm thấy mệt mỏi và xem nhẹ lời nói của cha mẹ mà thôi.
3 việc cần làm khi con cãi tay đôi với cha mẹ
Khi trẻ có xu hướng hiếu chiến, kích động, cha mẹ hãy cư xử và đối mặt với vấn đề này như sau:
1. Bình tĩnh
Khi một đứa trẻ trở nên nổi loạn, phản ứng đầu tiên thường thấy nhất của cha mẹ là quát mắng lại. Như đã đề cập, cách xử sự này sẽ chỉ "đổ thêm dầu vào lửa" khiến mọi việc tệ hơn mà thôi, thậm chí, con có thể thực hiện những hành động khó lường trước.
Khi đối mặt với những đứa con đang tuổi nổi loạn, trước tiên, cha mẹ phải thực sự bình tĩnh và kiềm chế cái tôi của mình. Hãy thông cảm, thấu hiểu cảm xúc và suy nghĩ của trẻ, xem những cảm xúc tiêu cực của trẻ là cơ hội để cha mẹ có thể uốn nắn. Đây không phải là lúc cha mẹ thể hiện quyền lực.
2. Kiên quyết
Trong quá trình xảy ra tranh cãi giữa cha mẹ - con cái, cha mẹ phải có thái độ cứng rắn, cho trẻ biết vấn đề có những nguyên tắc không thể thay đổi.
Cha mẹ có thể khuyến khích con nói những gì con muốn trình bày và hãy lắng nghe chúng, nhưng cha mẹ nhất quyết không được buông thả, mà phải cho chúng biết đâu là đúng, đâu là sai. Hãy thể hiện sự tôn trọng đối với ý kiến của con.
3. Đừng cố gắng kiểm soát và ra lệnh con
Cha mẹ thay vì cố gắng kiểm soát và ra lệnh cho con, hãy sử dụng lời nói khéo léo hơn trong những lúc nóng giận khi con phạm sai lầm.
Ví dụ: "Hãy làm ngay đi, đừng ngồi lì đó nữa". Đây là cách nói theo kiểu ra lệnh, dễ làm nảy sinh tâm lý nổi loạn của trẻ.
Cha mẹ hãy dùng cách giao tiếp nhẹ nhàng và khéo léo: "Con có cần mẹ giúp để làm tốt hơn không". Cùng một ý muốn, nhưng cách nói này sẽ khiến con vui vẻ, dễ chịu hơn.
Đối với những đứa trẻ đang trong độ tuổi "khó chiều" này, điều đầu tiên cha mẹ nên làm là phân tích nguyên nhân khiến con nổi loạn, không nghe lời, từ đó cha mẹ hãy áp dụng 3 cách bình tĩnh, kiên quyết và không ra lệnh, không kiểm soát. Có như vậy, con cái và cha mẹ mới có thể gắn kết và hiểu nhau hơn.