An Giang: Long trọng tổ chức lễ Kỷ niệm chào mừng 190 năm thành lập tỉnh (1832 - 2022)
Tối ngày 22/11, tại Quảng trường Trưng Nữ Vương, TP Long Xuyên. Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh An Giang long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm chào mừng 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832 - 2022).
Tham dự lễ kỷ niệm có: ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ; bà Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; cùng các vị lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và TP.HCM…
Quyết tâm xây dựng quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng văn minh, giàu đẹp
Đọc diễn văn lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, An Giang nằm ở vị trí địa đầu biên giới Tây Nam Tổ quốc, với biên giới dài gần 100km giáp vương quốc Campuchia, có địa chính trị, địa kinh tế, văn hoá - xã hội và quốc phòng - an ninh quan trọng. Diện tích tự nhiên 3.536 km2, dân số trên 2 triệu người, đông nhất khu vực ĐBSCL và thứ 8 trong cả nước. Toàn tỉnh có 11 đơn vị hành chính bao gồm 2 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện, với 156 xã, phường, thị trấn. Là tỉnh ĐBSCL có đặc trưng riêng biệt, vừa có đồng bằng, vừa có rừng núi với nhiều di tích lịch sử mang dấu ấn nền văn hóa lúa nước cổ xưa; có nhiều cảnh quan thiên nhiên về sông nước, đồng lúa, núi non kỳ vĩ… tạo bức tranh sơn thủy, hội tụ trong không gian văn hóa độc đáo. An Giang còn là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo, nơi khởi nguồn của đạo Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer cùng chung sống hòa thuận lâu đời, hình thành những giá trị văn hóa phong phú cùng các công trình kiến trúc độc đáo.
Quán triệt phương châm “Lấy dân làm gốc”, “Dân giàu nước mạnh” và trên cơ sở bám sát thực tiễn, tôn trọng quy luật khách quan, Đảng bộ, chính quyền tỉnh An Giang xác định nông nghiệp là nền tảng, là mặt trận hàng đầu; nông dân là chủ thể của quá trình đổi mới, nông thôn là địa bàn chiến lược. Thực tiễn chứng minh chính sách Tam nông đã giải quyết đồng bộ, hiệu quả các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nhất là nông dân. Chính những chủ trương, chính sách linh hoạt, đúng đắn, sáng tạo, mang tính đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Tỉnh đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Từ tỉnh đứng trước ngưỡng thiếu lương thực, đến năm 1988, sản lượng lúa của An Giang vượt qua mức 1 triệu tấn; đến năm 1994 vượt mức 2 triệu tấn và hiện nay đạt trên 4 triệu tấn. An Giang trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng lương thực, trung bình mỗi năm xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn gạo, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Với sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Giang đã đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện; hệ thống y tế, giáo dục không ngừng được củng cố phát triển; chính sách an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ mức 7,84% (năm 2011) còn 1,93% (năm 2020); quốc phòng - an ninh được tăng cường, hoạt động đối ngoại được mở rộng. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực; phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục có nhiều đổi mới, góp phần phát huy dân chủ, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Nhìn lại chặng đường 190 hình thành và phát triển. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang, trong nhiều năm qua được Đảng và Nhà nước trao tặng cho tỉnh nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Sao Vàng; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là niềm vinh dự, niềm tự hào, là nguồn cổ vũ to lớn đối với các thế hệ lãnh đạo, đồng bào và Nhân dân trong Tỉnh, sẽ là điểm tựa, niềm tin vững chắc để An Giang tiếp tục vững bước đi lên, giành nhiều thắng lợi hơn nữa trong thời gian tới
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh, phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang 190 năm, với những thành tựu đạt được trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, An Giang đang bước vào một chặng đường phát triển mới. Đảng bộ tỉnh xác định đến năm 2030 phấn đấu đưa An Giang trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL; kinh tế phát triển năng động, hài hòa, bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng phát triển, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế... Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững và mang bản sắc văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long; có trình độ phát triển khá so với cả nước; chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao...
Bên cạnh đó, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân An Giang sẽ tiếp tục phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước; đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm xây dựng quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng văn minh, giàu đẹp; xứng đáng với công sức khai mở, vun bồi của những bậc tiền nhân.
Khơi dậy và phát huy truyền thống văn hóa của con người An Giang “năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” vì lợi ích chung
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự và phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Nhân dân An Giang không chỉ anh dũng, kiên cường trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược mà còn rất cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, luôn thể hiện ý khí và khát vọng mạnh mẽ vươn lên trước mọi khó khăn, thử thách. Bước vào thời kỳ Đổi mới, với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, lãnh đạo tỉnh An Giang qua các thời kỳ đã tìm tòi, thể nghiệm, chủ động, sáng tạo, phát huy ý chí tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, là một trong những địa phương quyết liệt đi đầu, có nhiều đổi mới táo bạo từ rất sớm. An Giang nổi lên như là một điển hình của việc vận dụng sáng tạo những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào điều kiện thực tế của địa phương. Ngoài ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang cũng đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, được Trung ương ghi nhận và đánh giá cao. Từ một tỉnh thiếu lương thực, An Giang đã có nhiều đột phá trong sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa gạo, rau màu và thủy sản, từng bước vươn lên dẫn đầu cả nước về sản xuất lương thực, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Đây cũng là một trong những dấu ấn nổi bật, thành tựu to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, An Giang là địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, có nhiều di tích lịch sử văn hóa quan trọng, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, tiếp giáp với Campuchia, có nhiều cửa khẩu quốc tế, quốc gia, là cửa ngõ của trục Đông Tây thông thương giữa ĐBSCL và các nước Đông Nam Á. An Giang cần đánh giá đúng tiềm năng, vị trí, vai trò của tỉnh trong tổng thể phát triển chung của Vùng ĐBSCL và của cả nước; xác định đúng các tiềm năng, thế mạnh, cũng như những cơ hội và thách thức của tỉnh; khai thác, huy động những dư địa mới, nguồn lực mới để tạo bước phát triển đột phá mới trong phát triển ở thời kỳ mới. Từ đó, xây dựng các kịch bản, lựa chọn phương án phát triển và các định hướng phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng; bố trí, sắp xếp các không gian phát triển mới của tỉnh; cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động KT-XH, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; xác định các nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp đột phá để tỉnh có thể đạt được các mục tiêu, khát vọng, hướng đến phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và thịnh vượng.
Cùng với đó, cần khẩn trương hơn nữa để hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở để triển khai thực hiện các giải pháp phát triển KT-XH trong thời gian tới. Nắm bắt cơ hội và chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Từng bước hiện thực hóa mục tiêu An Giang trở thành tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững và mang bản sắc văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Mê Kông.
Thứ hai, xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta rút ra bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá: Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn luôn là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ ta. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu học tập, quán triệt, xây dựng kế hoạch cụ thể của địa phương, đơn vị mình để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Người con ưu tú của quê hương An Giang, nhà lãnh đạo mẫu mực, người cộng sản kiên trung, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Bên cạnh đó, ông Trần Tuấn Anh lưu ý, An Giang là tỉnh có dân số đông, với đồng bào nhiều dân tộc, tôn giáo khác nhau cùng sinh sống, có nhiều lễ hội, di tích lịch sử, văn hoá, đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Do đó, cùng với phát triển kinh tế, tỉnh phải chú trọng lĩnh vực văn hóa - xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị các cấp uỷ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương phát huy tốt các giá trị truyền thống, văn hóa, con người mang “đặc sắc” An Giang để bảo đảm phát triển bao trùm, bền vững và hướng tới thịnh vượng; chăm lo bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong Đảng, hệ thống chính trị và xã hội; chú trọng nâng cao hình ảnh quê hương và con người An Giang; có kế hoạch thật tốt để phát triển văn hóa, xã hội hài hoà với phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của Nhân dân; tiếp tục khơi dậy và phát huy tinh thần tương thân ương ái trong cộng đồng để chung tay thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; khơi dậy và phát huy truyền thống văn hóa của con người An Giang “năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” vì lợi ích chung; đặc biệt coi trọng phát triển giáo dục - đào tạo, nhất là chăm lo cho con người theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Song song đó, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, An Giang là tỉnh có đường biên giới thủy, bộ tiếp giáp với Campuchia, nên tỉnh có vai trò đảm bảo quốc phòng, an ninh biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển KT - XH cho vùng ĐBSCL và cả nước. Do đó, yêu cầu “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại” phải được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên, liên tục. Cần tăng cường lãnh đạo củng cố quốc phòng, an ninh kết hợp chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận lòng dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân vững mạnh về mọi mặt; kiên quyết giữ vững ổn định chính trị để phát triển. Đồng thời, tăng cường công tác đối ngoại, thực hiện tốt chương trình hợp tác với các tỉnh biên giới Campuchia.
Thường xuyên phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực cho các đối tượng phù hợp với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.