Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 04/05/2021 09:48 (GMT+7)

Anh Hai Thượng tướng Võ Văn Tuấn: Tôi và ba tôi, em tôi có thể phải gặp nhau ở hai đầu họng súng

Phải có ngày chấm dứt chiến tranh, chấm dứt sự chia ly, đứt đoạn như vậy gia đình tôi mới có đường tìm được về với nhau.

tm-img-alt
tm-img-alt

Hồi đó, tôi đóng quân ở Ninh Thuận, quê hương của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Làm chỉ huy quèn trong một đơn vị Địa phương quân thôi, nhưng do lính phần lớn là anh em, cháu chắt nhà ông Thiệu nên tôi được bố trí phương tiện di chuyển gấp về Sài Gòn. Đến nơi, bạn bè cùng khóa quân sự ở trường Trừ bị Thủ Đức trực tiếp đưa tôi ra bến Bạch Đằng chờ tàu.

Tàu đó lịch trình sẽ ra Thái Bình Dương gặp Hạm đội 7 của Mỹ đang chờ ngoài khơi xa. Mọi người chỉ biết tàu sẽ đưa người ra khỏi vùng lửa đạn, còn cập bến nơi đâu thì không ai hay. Người ta không thể tự quyết được điểm đến của mình khi lên tàu của nước khác bỏ chạy khỏi Tổ quốc.

Khi vừa đến cảng, đầu tôi chợt lóe lên một ý nghĩ khác.

- "Không! Mày đi thì cứ đi chứ tao còn con, còn vợ, còn mẹ, còn nội... Hoàn cảnh tao khác!"

Tôi nói vội với bạn mình như vậy rồi quay gót chân, chen vào dòng người đang ùn ùn lao tới hướng cầu tàu. Tại lúc lửa đạn bùng bùng đó, người ta nhao xuống tàu, tràn ra đường tháo chạy cứ như có sự kích động, sợ hãi hay rối trí. Trong làn sóng chạy loạn buổi sáng hôm ấy, tìm cách quay ngược đường lên bờ như tôi có lẽ hiếm.

tm-img-alt

Bây giờ tôi xin phép nói thẳng, cái gì cũng có giá của nó.

Ở lại, chưa biết tương lai sẽ như thế nào, vì tôi là người của phía đối lập. Nhưng dù có chuyện gì xảy ra, kể cả có phải chịu trừng phạt để ở lại thì cũng xứng đáng vì mình chọn người thân, chọn đất nước mình. Chứ bỏ xứ rồi ra nước ngoài sống làm sao? Đất nước mình không sống sao phải bỏ chạy? Đến đất nước nào chăng nữa mình cũng chỉ là con ghẻ, con rơi, là người đi xin, ở nhờ. Người ta lo cho dân của họ chưa hết thì coi dân mình ra gì? Coi người dân bỏ đất nước ra gì? Mình cũng phải có sĩ diện dân tộc chứ!

Từ chiều ngày 28/4/1975, tôi trở về ở nhờ nhà bố mẹ vợ tại Sài Gòn, rồi dần dần bắt liên lạc với những người từ Nha Trang - Khánh Hòa quê tôi chạy vào đây.

May quá! Gia đình tôi vẫn ở tại chỗ không đi đâu hết, thành ra nhà cửa còn nguyên để mình quay về. Xóm làng trong quê nói chuyện, hình như má và bà nội tôi chờ đợi một điều gì. Các em tôi dù lúc đó đã lớn, học hết tú tài rồi nhưng vẫn chưa hiểu chuyện người lớn. Chúng chỉ biết má như đang chờ đang đợi gì đó.

tm-img-alt

Tháng 6/1975, cả đất nước bắt đầu bước vào giai đoạn cải tạo tập trung cho những người từng làm việc dưới chế độ cũ. Bản thân tôi từ Sài Gòn phải di chuyển về quê ngoại ở Long An để hoàn thiện căn cước, giấy tờ. Mọi chuyện xong xuôi tôi mới về nhà và ra trình diện chính quyền mới ở Nha Trang. Sau một tháng ổn định chuyện gia đình, tôi nhận được giấy thông báo đi cải tạo tập trung. Nơi tôi học tập vốn là một quân trường chế độ cũ để lại, may mắn cách nhà khoảng 40km tiện đường nên má, vợ và các em thường lên thăm nuôi.

Giữa tháng 11/1975, tôi nhận được thông báo có người thân tới. Lúc ra gặp không thấy má, vợ hay em gái đâu, chỉ thấy một người đàn ông mặc đồ sĩ quan cách mạng đang ngồi chờ. Ông ấy gọi: "Phú! Con ơi..."

Bất ngờ quá! Trên đời này chỉ có má, nội, tôi và một người nữa biết về cái tên này, người mà chỉ những lúc riêng tư nhất má và nội mới nhắc đến: Ba tôi.

Anh Hai của Thượng tướng Võ Văn Tuấn: Nếu chiến tranh không kết thúc, tôi và ba tôi, em tôi có thể phải gặp nhau ở hai đầu họng súng - Ảnh 4.
Ba má của ông Phụ thời còn ở cùng nhau trước năm 1954. Ảnh: NVCC.

Lúc mới sinh, tôi được ba lấy họ ghép với quê nội Phú Yên để đặt thành tên là Lưu Bình Phú. Ba mong cả đời này con trai đầu lòng của ông được bình yên, phú quý.

Sau Hiệp định Genève, hai bên nội ngoại đều tập kết ra Bắc chỉ riêng má ở lại, vì lúc đó đang mang bầu em út tôi. Lại thêm bà nội đã cao tuổi, bố và các chú ra Bắc hết không có ai ở cạnh chăm nom. Má chọn về quê chồng sống cùng nội mà xóm làng người ta cứ tưởng con gái góa chồng về với mẹ đẻ.

Vì có chồng và người thân là "dân tập kết", nên để sống yên ổn ở địa phương, má phải làm giả giấy tờ, thay tên đổi họ cho 3 đứa con. Từ năm lên 4 tuổi, khi mang tên là Nguyễn Văn Phụ coi như tôi mất luôn họ tên thật của mình.

tm-img-alt

Một vài lần xa lắm là xa, nội bí mật dặn: "Lưu Bình Xiêm là tên ba, Lưu Bình Phú là tên con. Phú nhớ nghe con. Đừng quên lời nội dặn!"

Tôi đã từng không hiểu vì sao phải nhớ cái tên lạ lùng đó cho đến ngày hôm nay, khi Lưu Bình Phú/Nguyễn Văn Phụ đang là đối tượng bị cải tạo và cha ruột Lưu Bình Xiêm - sĩ quan Hải quân cách mạng ngồi đối diện và gọi tên nhau.

tm-img-alt
Chân dung cụ Lưu Bình Xiêm ba ruột ông Nguyễn Văn Phụ. Ảnh: NVCC.

Suốt buổi hôm đó, ba con tôi ngồi cạnh nhau và cùng nhìn về phía trước mặt. Mãi lâu ông mới mở lời: "Giải phóng xong ba tìm đường về quê. Các chú của con cũng lần lượt tìm về với nội, với chị dâu và các cháu. Phú có khuôn mặt giống chú Út, còn hai em gái lại mang nhiều nét giống ba..."

Tôi chỉ biết: "Dạ!"

Cuối cuộc trò chuyện sau 21 năm cách biệt, ba khuyên tôi: "Phú ơi, cố gắng nghe con. Giữ gìn mạnh giỏi!" Nội và má vẫn nhắc ba là người kiệm lời, giống tôi. Hình như có những cảm thông chỉ khi chung huyết thống người ta mới chia sẻ được cùng nhau. Thành ra tôi chỉ nói: "Ba yên tâm! Những điều ba muốn nói, con hiểu!"

Về sau này hễ có cơ hội, tôi ra Bắc hoặc ba vào Nam... những lần đoàn tụ của gia đình ngày một nhiều hơn. Chúng tôi chia sẻ với nhau niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống và rất ít nhắc lại câu chuyện về những ngày chia cắt. Cả nhà tôi đều biết đây không phải là sự lựa chọn cho nên có hỏi thăm nhau cũng chỉ hỏi chuyện ngoài đó thế nào? Rồi ba hỏi má trong này sinh sống ra sao? Chúng tôi lớn lên như thế nào? Tại vì máu mủ mà mình hiểu nhau. Chứ nói ra thì nói bao nhiêu cho hết!

Thật ra, sau bao nhiêu vật đổi sao dời điều tôi cảm thấy may mắn nhất là gia đình tôi, từ bố con, người thân đều không bị chiến tranh, súng đạn cướp mất nhau. Phải có ngày chấm dứt chiến tranh, chấm dứt sự chia ly, đứt đoạn như vậy gia đình tôi mới có đường tìm được về với nhau.

tm-img-alt

Ngay từ lúc tôi có giấy gọi cải tạo tập trung, người nhà đã đánh tiếng má nên nhờ em rể, Đại sứ Võ Văn Sung - trong nhà vẫn gọi là dượng Ba khi đó đang công tác ở Pháp tác động để tôi được sớm trở về. Dù mọi người làm như vậy nhưng tôi tự hiểu, sớm hay muộn, sướng hay khổ đều do ở mình thôi.

Sau 18 tháng học tập, tôi được về sống tại nhà và làm lao động phổ thông ở địa phương. Nói chung để có được tiêu chuẩn tem phiếu lo cho gia đình, chúng tôi cũng phải chịu cực thời gian đầu. Thật ra lúc đó tất cả mọi người đều khó khăn chứ riêng gì mình đâu.

Mãi sau này khi con trai của dì dượng là chú Tuấn (Thượng tướng Võ Văn Tuấn - PV) làm phi công đi công tác vào sân bay Phan Rang chủ động tìm gặp, nói chuyện tôi mới biết: "Bố em biết hết nhưng ông cụ nói quy định thế rồi cứ để anh Hai đi học. Không nên bảo lãnh làm gì. Kể cả chuyện công việc của em, ông cũng chưa từng bảo lãnh. Ông muốn anh và em tự tin chứng tỏ mình".

Gia đình chú Tuấn đại diện cho những điển hình được gọi là thành đạt sau khi đất nước thống nhất. Còn gia đình tôi, không phải duy tâm nhưng... mỗi người có một số phận riêng. Nếu ngày đấy mẹ con tôi ra Bắc cùng cả nhà, rất có thể mình cũng làm được điều gì đó vẻ vang nhưng rõ ràng không có chuyện đó.

Và vì không làm được ông cán bộ này hay ông tướng nọ cho nên khi xã hội cần một người công dân tốt thì mình cố gắng sống tốt trước đã. Chế độ nào, đất nước nào cũng vậy không cần những thành phần bất hảo hay chạnh lòng, mặc cảm. Thành ra chạnh lòng hay mặc cảm ở tôi là không có.

Như chú Tuấn, đã làm đến Thượng tướng rồi nhưng biết ngày xưa tôi đóng quân bảo vệ phi trường Bửu Sơn, Phan Rang, Ninh Thuận, chú đưa tôi về thăm lại chiến trường xưa. Vô đó, chú chọc liền: "Anh Hai hồi xưa ở trong này chỉ huy đơn vị đúng không? Bây giờ anh chỉ huy em coi..."

Anh em trong nhà như vậy là đủ hiểu nhau rồi. Như tôi với bố tôi vậy đó, tự nhiên hiểu nhau, thông cảm nhau. Lắm lúc nhờ tiếng cười thoải mái chú mang đến mà bao nhiêu nỗi cực trong lòng tôi được vơi dần. Chú nhìn quá khứ bằng sự bao dung và tin tưởng thực ra là cách tốt vô cùng, giúp những người từng là hàng binh như tôi thấy tự tin rằng ai rồi cũng sẽ có một tương lai ở đất nước mình.

tm-img-alt

Ngày dượng Ba mất, tôi vội ra chịu tang. Tuấn còn mẹ ngoài đó, có dịp tôi cũng chạy ra thăm hỏi dì Ba. Còn chú ấy, hễ công tác qua nhà là ghé vô để anh em gặp nhau hàn huyên tâm sự. Mỗi lần tiếp xúc chú Tuấn luôn cho tôi một thứ năng lượng đặc biệt của sự lạc quan và chân tình.

Tôi có người em tên là Yên vì hoàn cảnh chiến tranh đói khổ mà mất từ nhỏ. Nhà Tuấn có người anh tên Khánh, vắn số. Hai anh em yên nghỉ cạnh nhau cũng chừng 70 năm. Những lần cùng Tuấn ra nghĩa trang thắp hương chúng tôi đều tự nhủ, nhà anh mất một người, nhà em mất một người là đủ đau khổ rồi, từ giờ mình đừng để mất nhau!

Lắm lúc trong câu chuyện, anh em tôi sợ hãi nếu chiến tranh không kết thúc, tôi và Tuấn có thể sẽ gặp nhau nơi chiến trường. Và nếu chiến tranh kéo dài, qua cả thế hệ con tôi, con chú Tuấn hay các em sau này của tôi... Nghĩ tới chuyện vẫn phải đối đầu nhau mà tôi muốn xỉu. Sự chia cắt của đất nước mình vì ngoại bang thật là kinh khủng. May quá đất nước được thống nhất. Với chúng tôi và con trẻ sau này ngày thống nhất là ngày tươi sáng, hạnh phúc nhưng thế hệ ba má lại có những tổn thương không nói được ra lời. Có những nỗi đau chiến tranh để lại mãi mãi trong tim.

Anh Hai của Thượng tướng Võ Văn Tuấn: Nếu chiến tranh không kết thúc, tôi và ba tôi, em tôi có thể phải gặp nhau ở hai đầu họng súng - Ảnh 9.

tm-img-alt

Hoàn cảnh chia cắt hai miền bặt vô âm tín như vậy đưa đến rất nhiều kết cục cho mỗi gia đình. Chuyện nhà tôi trở nên tế nhị khi chỉ còn 2 năm nữa là hết chiến tranh. Năm 1973, sau nhiều năm đằng đẵng mất liên lạc, không biết người thân sống chết ra sao, ba tôi lập gia đình mới ở ngoài Bắc. Không ngờ, chỉ một thời gian ngắn sau đó, đơn vị của ba có lệnh thần tốc tiến về Nam.

Thật lòng ba chờ đợi ngày đoàn tụ lâu lắm rồi. Thành ra mấy đứa em con dì mới nhỏ tuổi như vậy. Gọi là em mà còn nhỏ tuổi hơn con tôi trong này. Tụi tôi đều hiểu hoàn cảnh nào gây ra cơ sự như vậy nên những tâm tư của ba, mình có sự thông cảm. Nhưng má... trong mọi cảnh chia li má đã luôn chờ đợi... Là phụ nữ mà, má phải buồn chớ.

Anh Hai của Thượng tướng Võ Văn Tuấn: Nếu chiến tranh không kết thúc, tôi và ba tôi, em tôi có thể phải gặp nhau ở hai đầu họng súng - Ảnh 11.
Ông Phụ chụp cùng mẹ và hai em gái. Ảnh: NVCC.

Dì ngoài đó sau khi đất nước thống nhất một thời gian cũng được đưa vào đây để hai người phụ nữ gặp nhau. Từ chỗ chia sẻ tâm tư, hai người mẹ lại trở nên thực sự thương quý nhau.

Có thời gian ba bị bệnh phổi nặng, cơ quan cho vào Nha Trang an dưỡng. Má hàng ngày chăm sóc từng chút một. Lúc đó, ba má cũng hơn 60 tuổi rồi. Tình cảm trong lòng các cụ không nói ra lời đâu nhưng ánh mắt, hành động và sự chăm sóc trọn vẹn ba má dành cho nhau..., nhìn là mình hiểu. Lần đầu tiên trong đời, anh em tôi mới biết được cảm giác hạnh phúc dưới mái ấm ngôi nhà có cha có mẹ.

Sau này dì qua đời trước. Tôi ra ngoài đó chịu tang, làm mọi việc đúng lễ nghĩa. Rồi các em ngoài đó cũng rất ngoan. Tụi nhỏ gặp chuyện gì trong cuộc sống hay con cái thành đạt... tất cả đều vào chung vui với anh chị trong này. Ngày ba còn sống, anh chị em chúc rượu ba và hứa: "Ba yên tâm, tụi con không còn cùng họ nhưng vẫn cùng dòng máu ruột thịt của ba cho nên anh em con trên dưới sẽ bảo bọc thương nhau trọn đời!" Ông già hôm đó uống khỏe quá trời vì vui! (Sở dĩ anh em tôi không cùng họ vì chúng tôi ở lại miền Nam phải đổi họ tên để giấu danh tính, còn các em con dì vẫn mang họ gốc của ba).

Cái gì đó như là giai thoại vậy, nhưng phải đi qua chiến tranh thì mỗi thành viên trong gia đình tôi mới có được sự bao dung với nhau như thế. Đôi lúc xóm làng người này người kia lời ra tiếng vào, nhưng má tôi đều gạt đi: "Mình sống cho mình, cho gia đình mình. Rốt cuộc người ta thấy nhà mình sống tốt, sống vui thì người ta lại cười vui lây. Do mình thôi".

Nha Trang, ngày 30/4/2021

Hàng binh Nguyễn Văn Phụ

(Thanh An ghi)

tm-img-alt
Thanh An
Hải Long, Tô Anh Minh (QĐND)
Bạch Quả

Cùng chuyên mục

Sài Gòn sốt ho mấy ngày thôi, rồi lại khỏe nghen!
Giữa những ngày dịch bệnh căng thẳng, đâu đó trong Sài Gòn vẫn có những câu chuyện thật dễ thương, đủ để làm dịu mát tâm hồn mỗi người. Nó khiến chúng ta tin rằng Sài Gòn cũng chỉ đang “sốt ho” mấy ngày thôi, rồi lại khỏe ngay ấy mà!

Tin mới

Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.
Luật Đất đai 2024: Bỏ khung giá đất - lành mạnh hóa thị trường đất đai
Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.