Bản án phúc thẩm 'buôn lậu' gỗ trắc 'trái luật thành thật'
Bài viết “Thất vọng với bản án phúc thẩm ‘buôn lậu’ gỗ trắc” được đông đảo bạn đọc chia sẻ, phân tích thêm các khía cạnh trái luật.
Đề nghị giám đốc thẩm
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi: “Luật sư phải nói là thất vọng tràn trề chứ. Riêng việc bán, tẩu tán vật chứng đã không còn gì bàn. Vật chứng không có thì xử cái gì?”.
Luật sư Ngô Thị Hoàng Anh (Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh) bình luận: “Tuy là không đúng luật, bản án như vậy trái luật một cách thành thật nhỉ????”.
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị-Hoàng Đức Thắng (ngồi bên phải, đeo huy hiệu Quốc hội) theo dõi tuyên án phúc thẩm. |
Luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn luật sư TP. Cần Thơ) đang đi công tác ở Liên bang Nga cũng cho biết: “Tôi có hỏi các luật sư đồng nghiệp Nga họ nói vụ này ở Nga tuyên vô tội vì không còn vật chứng. Đồng thời khởi tố bắt tạm giam những ai xâm phạm vật chứng. Các bạn Việt Nam tại sao có những phán quyết lạ đời, một biên bản làm việc vô hiệu hoá cả một đạo luật về giám định tư pháp”.
Các ý kiến trên bình luận về việc HĐXX phúc thẩm sử dụng Kết luận giám định số 783/STTNSV ngày 26/11/2012 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật để buộc tội các bị cáo. Trong lúc, HĐXX cũng thừa nhận, Kết luận giám định số 783 thiếu giá trị pháp lý bởi những người làm ra nó không có tư cách giám định tư pháp theo luật định. Chủ tọa HĐXX Phạm Việt Cường đọc bản án giải thích việc sử dụng Kết luận giám định số 783: “Trước khi tiến hành giám định, các cơ quan tiến hành giám định đã họp phân công nhiệm vụ cụ thể, có sự chứng kiến của các cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, Kết luận giám định số 783 ngày 26/11/2012 của Viện ST&TNSV được đảm bảo về mặt pháp lý”.
Bị cáo Lê Xuân Thành là cựu công chức hải quan bị xử 09 tháng tù treo, ngày 27/7/2019 đã gửi đơn kêu cứu khẩn cấp tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, cho biết thêm: “Kết luận giám định số 783 đã sử dụng Thông tư 01/2012 có hiệu lực từ ngày 19/02/2012. Trong khi đó doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa và tôi thực hiện công việc kiểm hóa ngày 20/12/2011, lúc thông tư 01/2012 chưa ra đời thì làm sao tôi thực hiện được. Như vậy là sử dụng hồi tố trong tố tụng hình sự, pháp quyền ở đâu, pháp chế xã hội chủ nghĩa ở đâu?”.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng có mặt khi tòa tuyên án, phân tích: “Có một vấn đề mấu chốt bản chất nhất đó là Kết luận giám định số 783 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã được HĐXX sử dụng làm căn cứ để buộc tội. Do đó, cần phải xem xét lại tính chính xác, tính pháp lý của văn bản này một cách đầy đủ. Theo chúng tôi nó có hai yếu tố cần xem xét, đó là tính chính xác trong phân loại, kiểm đếm lô gỗ và tính pháp lý của kết luận giám định này. Với trách nhiệm của mình chúng tôi sẽ nghiên cứu lại tất cả tình tiết vụ việc tại bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng, những vấn đề nào chưa có cơ sở pháp lý thuyết phục, chúng tôi sẽ kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm xem xét và đề nghị giám đốc thẩm vụ án này”.