Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Chủ nhật, 28/01/2024 07:19 (GMT+7)

Bảo mẹ sang tên mảnh đất như đã hứa, anh cả đưa ra yêu cầu khiến tôi khó xử

Lúc mẹ còn sống, tôi muốn bà sang tên sổ đỏ mảnh đất mà khi trước bố hứa cho tôi. Mẹ không có ý kiến gì.

Nhà tôi có 4 anh chị em, khi bố còn sống thì phân cho anh cả và em út mảnh đất ngay bên cạnh nhà. Chị gái theo nhà chồng không được phân chia đất, còn tôi ở xa sẽ được hưởng ngôi nhà của bố mẹ đang sống.

Hôm Tết dương lịch gia đình về quê nội chơi, lúc đi ngang qua chợ, tôi thấy mẹ ngồi bán vài mớ rau mà đau lòng. Mẹ thật thà nói đợt đi viện đầu năm đã dùng hết tiền tiết kiệm, bây giờ phải làm lại từ đầu.

Vợ chồng tôi tuy sống ở thành phố nhưng cũng đang ở trọ, thu nhập chỉ đủ nuôi 2 con nên còn nhiều khó khăn. Ngay hôm đó, tôi bàn với các anh về chuyện chăm sóc mẹ lúc xế chiều.

Tôi bảo mẹ vất vả nuôi anh em khôn lớn trưởng thành, bây giờ mẹ già, mọi người phải có trách nhiệm nuôi bà. Dù kinh tế còn túng thiếu nhưng tôi đồng ý góp mỗi tháng 700 nghìn chi phí mua đồ ăn cho mẹ, còn người ở nhà lo chăm sóc chuyện ăn uống của mẹ. Mọi người đồng tình ủng hộ ý kiến của tôi.

Lúc mẹ còn sống, tôi muốn bà sang tên sổ đỏ mảnh đất mà khi trước bố hứa cho tôi. Mẹ không có ý kiến gì nhưng anh cả nói nếu không có chữ ký của các anh em thì tôi cũng chẳng thể sở hữu được ngôi nhà của bố mẹ.

Bảo mẹ sang tên mảnh đất như đã hứa, anh cả đưa ra yêu cầu khiến tôi khó xử - 1
Tôi thấy mẹ ngồi bán vài mớ rau mà đau lòng. (Ảnh minh họa).

Anh cả nói:

“Mẹ già yếu nhiều bệnh tật thường phải đi viện. Hiện mẹ không có tiền dưỡng già hay lương hưu, nếu chẳng may phải đi viện lần nữa thì các con không lo nổi. Nếu em muốn đứng ngôi nhà của bố mẹ thì phải bỏ ra 500 triệu để lo cho tương lai của mẹ. Còn không anh sẽ bán nhà lấy tiền phụng dưỡng mẹ”.

Tôi không tán thành ý định của anh trai đưa ra. Khi bố chia đất cho anh cả và em út, 2 người không bỏ ra đồng tiền nào, tại sao bây giờ tôi phải bỏ ra 1 khoản tiền lớn mới được hưởng phần thừa kế vốn thuộc về mình.

Anh cả đuối lý nên bảo bản thân là cả có quyền lớn nhất trong gia đình, mọi người phải nghe theo sự sắp xếp của anh ấy. Những lời anh nói ra làm tôi nóng mặt, không thể nhịn được nữa và anh em tôi có cuộc tranh cãi rất lớn. Anh ấy còn lớn tiếng đuổi gia đình tôi ra khỏi nhà và cấm bước về nữa.

Trước khi quay trở lại thành phố, mẹ cầm tay tôi mà khuyên anh em bình tĩnh tìm cách giải quyết vấn đề, đừng đưa nhau ra pháp luật làm xấu mặt gia đình. Mẹ còn dặn chúng tôi Tết Nguyên Đán này cả gia đình phải về nội bởi mẹ chẳng biết sống được mấy cái Tết nữa.

Bảo mẹ sang tên mảnh đất như đã hứa, anh cả đưa ra yêu cầu khiến tôi khó xử - 2
Anh lớn tiếng đuổi gia đình tôi ra khỏi nhà và cấm cửa bước về nữa. (Ảnh minh họa).

Tết năm nào chúng tôi cũng lên kế hoạch về bên nội và ngoại. Trước Tết thì ăn ở nhà ngoại, sau Tết sẽ về nội. Năm nay vợ nói:

“Mọi năm nhà nội anh em vui vẻ sum vầy, em còn muốn về. Hôm vừa rồi nghe bác cả mắng mỏ chồng và đuổi gia đình mình ra khỏi nhà của bố mẹ là em không muốn về nữa. Tết này mà về nội anh em nhìn nhau cũng chẳng vui vẻ gì. Từ ngày lấy chồng đến nay đã 14 năm, em chưa được ăn 3 ngày Tết ở nhà ngoại, năm nay cả gia đình mình không về nội nữa anh nhá?”.

Tôi bảo:

“Anh em mâu thuẫn nhau thế, anh cũng chẳng muốn gặp mọi người nữa nhưng hình ảnh mẹ khóc và muốn gia đình mình về quê ăn Tết mà day dứt. Năm nay sức khỏe mẹ yếu, anh không biết năm sau còn thấy mẹ nữa không”.

Vợ bật khóc nói:

“Anh có mẹ, em cũng có bố. Năm nào bố tiễn con cháu ra về ông cũng bịn rịn níu kéo ở lại mấy ngày Tết cho có đủ chị em. Nhà có 3 chị em thế mà chưa bao giờ được ăn Tết cùng nhau. Lúc thì được người này lại mất người kia”.

Nhìn nước mắt của vợ và nhớ đến giọt nước mắt của mẹ mà tôi bối rối, không biết nên về quê nội hay ngoại ăn Tết nữa?

Cùng chuyên mục

Tin mới