Bệnh viện Anh Quất ngang nhiên đốt rác thải y tế gần cổng cơ quan công quyền huyện Tân Yên
Bệnh viện Anh Quất (Thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, Bắc Giang) đã bất chấp pháp luật, hàng ngày mang rác thải y tế ra Quảng trường Lương Văn Nắm đốt công khai. Điều đáng lưu ý khu vực đốt này nằm ngay trước cổng cơ quan công quyền của huyện Tân Yên.
Bông, băng, gạc dùng băng bó vết thương có thấm máu, hoặc chất dịch từ cơ thể bệnh nhân; dây truyền dịch, khẩu trang,que test nhanh xét nghiệm PCR, bơm kim tiêm đã qua sử dụng, hóa chất dùng trong y tế... là những loại chất thải y tế đặc biệt nguy hại, đòi hỏi phải được xử lý theo đúng quy trình và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Thế nhưng, cơ sở y tế tư nhân Bệnh viện Anh Quất (Thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) lại xử lý những loại chất thải này bằng cách mang ra Quảng trường Lương Văn Nắm đốt công khai đều đặn 2 lần /ngày.
Điều đáng lưu ý khu vực đốt ở quảng trường này lại nằm trước cổng cơ quan công quyền là Huyện ủy, HĐND, UBND và các cơ quan thuộc huyện Tân Yên, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cán bộ và sức khỏe của người dân sống xung quanh...
Theo Luật sư Trương Xuân Hải, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội:
Căn cứ vào Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Trong đó Khoản 8 và 9, Điều 22 quy định về vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động vận chuyển chất thải nguy hại:
"...8. Hành vi chôn, lấp, đổ, thải chất thải nguy hại trái quy định về bảo vệ môi trường, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải dưới 100 kg chất thải nguy hại;
b) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải từ 100 kg đến dưới 250 kg chất thải nguy hại;
c) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải từ 250 kg đến dưới 500 kg chất thải nguy hại;
d) Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải từ 500 kg đến dưới 1.000 kg chất thải nguy hại;
đ) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải từ 1.000 kg đến dưới 1.500 kg chất thải nguy hại;
e) Phạt tiền từ 350.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải từ 1.500 kg đến dưới 2.000 kg chất thải nguy hại;
g) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 450.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải từ 2.000 kg đến dưới 2.500 kg chất thải nguy hại;
h) Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải từ 2.500 kg đến dưới 3.000 kg chất thải nguy hại.
9. Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường:
a) Chuyển giao, cho, mua, bán chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật;
b) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật dưới 3.000 kg.
10. Hình thức xử phạt bổ sung: ...... c) Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các khoản 7, 8 và 9 Điều này;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 8 và khoản 9 Điều này.
11. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu do hành vi vi phạm quy định tại khoản 8 và khoản 9 Điều này gây ra;
b) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này;
c) Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra.
Theo Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó bổ sung Khoản 10a vào trước khoản 10 Điều 22 như sau:
“10a. Đối với các hành vi đốt chất thải nguy hại, chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định về bảo vệ môi trường, trừ trường hợp hành vi tội phạm về môi trường thì bị xử lý như hành vi chôn lấp, đổ, thải chất thải nguy hại, chất hữu cơ khó phân hủy được quy định tại khoản 8 và khoản 9 Điều 22.”..