Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ năm, 29/08/2024 12:03 (GMT+7)

Bí mật bên trong ổ “dùng người Việt lừa người Việt” tại Campuchia

Các ông chủ người Trung Quốc thuê những toà nhà trong khu đô thị thu nhỏ giữa rừng ở Campuchia, sát biên giới Thái Lan làm căn cứ. Dưới trướng có nhiều người Việt quản lý, tiến hành tuyển lao động phổ thông đưa sang Campuchia, lừa gia nhập đường dây lừa đảo công nghệ cao mà thị trường hướng đến là cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài, nhất là các quốc gia có đồng tiền giá trị cao như Mỹ, Úc, Canada….

Rơi vào “địa ngục trần gian”

Vô tình trở thành một nhân sự có “chức vụ” trong đường dây “dùng người Việt lừa người Việt”, chị D.H.P (30 tuổi) đến nay vẫn chưa hết bàng hoàng và ám ảnh sau một thời gian được “thả” về nước an toàn, lành lặn. Nghĩ đến cảnh đồng bào mình cực khổ, bị bóc lột sức lao động, chị quyết định kể lại câu chuyện như một lời cảnh báo.

Thông qua mối quan hệ trong ngành nhân sự việc làm tiếng Trung, chị P. được giới thiệu vị trí phiên dịch tại một công ty có trụ sở ở khu vực Tây Á. Ban đầu khi trao đổi với người đại diện của doanh nghiệp, chưa nắm rõ thông tin và lĩnh vực kinh doanh, cũng như chưa có đủ tín nhiệm nên chị để ngỏ. Sau một thời gian tiếp xúc và trao đổi rõ là phiên dịch cho nhân viên, lĩnh vực sàn giao dịch tiền kỹ thuật số, nhận thấy đây là xu hướng và nhiều kiến thức tài chính hay ho nên chị quyết định nhận việc để trải nghiệm, với mục tiêu là có thêm kiến thức cho bản thân.

Bí mật bên trong ổ “dùng người Việt lừa người Việt” tại Campuchia ảnh 1
Căn cứ của nhóm dùng người Việt lừa người Việt đặt tại khu O' Smach, Campuchia.

Chị P. được sắp xếp chuyển sang Campuchia làm việc. “Tôi nghĩ trong đầu, từ Campuchia di chuyển về Việt Nam sẽ thuận tiện hơn, tiết kiệm được nhiều chi phí hơn nên đồng ý”, chị thuật lại, từ sân bay Phnôm Pênh, xe đưa đón di chuyển khoảng 8 tiếng đồ hồ thì đến một khu nhà cao tầng giữa rừng thuộc O’ Smach, tỉnh Oddar Meanchey, sát biên giới Thái Lan, xung quanh được xây dựng tường gạch cao và kiên cố, có dây thép gai sắc nhọn phía trên, bảo vệ nghiêm ngặt nhiều lớp, cứ khoảng 50-100m là có một người Campuchia canh giữ.

Theo lời chị, khu vực này nằm trong một khu tự trị, được xây dựng khép kín với đầy đủ hệ sinh thái như một khu đô thị thu nhỏ. Ngoài những toà nhà là nơi làm việc của các nhóm lừa đảo thì có đầy đủ các dịch vụ khác. Siêu thị tiện lợi, nhà hàng, karaoke, thậm chí khách sạn bất cứ ai có tiền đều có thể tiếp cận. Duy chỉ có các khu vực đẳng cấp hơn là phòng gym, phòng hội nghị, phòng giải trí, bida là chuyên phục vụ cho các lãnh đạo cao cấp và nằm trên tầng cao của một toà nhà chuyên biệt.

Vị trí phiên dịch của chị P. được “ưu ái” nên nhận thêm một số đặc quyền như ở phòng riêng, tự do đi lại vài nơi còn những nhân sự cấp thấp khác gần như bị giam lỏng. Những toà nhà trong khu cao khoảng 5-6 tầng, được chủ đầu tư người địa phương xây dựng, sau đó cho người Trung Quốc thuê làm địa điểm hoạt động. Toà nhà nơi chị P. làm việc có tầng 1 là nhà ăn và phòng làm việc; tầng 2 - 3 là nơi ở dạng ký túc xá; tầng 4 - 5 tiếp tục là nơi làm việc.

Toà nhà do một người Trung Quốc đứng đầu với vốn đầu tư lớn nhất và có quyền lực tối cao, gọi là ông chủ lớn; tiếp đó là các cổ đông (mỗi cổ đông có thể sở hữu nhiều hơn một văn phòng trong toà nhà). Việc điều hành hoạt động do một người quốc tịch Trung Quốc đảm nhiệm, gọi là Trưởng Quản lý (chị P. làm việc trực tiếp với người này). Ngay bên dưới Trưởng Quản lý là các Chủ quản người Trung Quốc - mỗi người chịu trách nhiệm phát triển, quản lý và vận hành một văn phòng. Dưới Chủ quản lần lượt là tổ trưởng, tổ phó và nhân viên kinh doanh (sale) đều là người Việt Nam.

Mỗi văn phòng có từ 25-40 người được giao cho Chủ quản chịu trách nhiệm chính, cùng một phiên dịch để truyền đạt thông tin, yêu cầu xuống cấp dưới và ngược lại. Mỗi văn phòng chia ra thành nhiều tổ do tổ trưởng người Việt đứng đầu, mỗi tổ có từ 10-15 nhân viên, tuỳ theo số lượng mà Chủ quản sẽ sắp xếp. Đa số nhân viên sale bị lừa sang Campuchia là những người có tiền án tiền sự trong nước vừa mãn hạn tù chưa tìm được việc làm, những người trốn án và một số nhỏ là những bạn trẻ ít học thức ở các vùng quê nghèo muốn tìm việc làm để cải thiện cuộc sống.

Nhân sự chịu trách nhiệm tuyển dụng là người Việt làm việc tại Campuchia, sử dụng các tài khoản ảo trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram… đăng tin tuyển lao động với mức lương khoảng 20 triệu đồng cho các vị trí công việc lao động phổ thông như: lái xe, bốc vác… hòng nguỵ trang các đơn vị tuyển dụng chính quy để dễ tiếp cận với tầng lớp lao động bình dân, trí thức kém và qua mắt, giảm sự đề phòng, chú ý từ cộng đồng mạng.

Chỉ cần có ứng cử viên tìm đến, nhân sự liền kéo ra chat riêng để tiện dùng lời lẽ dụ dỗ con mồi sa bẫy. Thậm chí ứng viên không có hộ chiếu họ vẫn lo lót thông đạo riêng, có người địa phương Campuchia dẫn dắt để qua được đến nơi thuận lợi. Những người không biết đánh máy, họ sẽ nói chấp nhận đào tạo một hai tháng, chỉ cần quyết tâm học việc và muốn làm việc thì công ty sẽ cho cơ hội.

Các nhân viên được sắp xếp ở trong ký túc xá, mỗi phòng rộng khoảng 20-25m2 có từ 6-10 người. Họ được cung cấp đầy đủ từ mềm, gối cho đến dụng cụ vệ sinh, móc phơi quần áo. Mỗi ngày, nhân viên được ăn 5 bữa lúc 7h - 11h - 16h - 21h30 và 1h30 sáng hôm sau với đầy đủ thịt, cá, rau, canh, trái cây tráng miệng… tại căn tin. “Tiện nghi có thể xem là không quá tệ nhưng bù lại nhân viên phải sống và làm việc như một cái máy được lập trình sẵn…”, theo lời người phiên dịch.

Lừa tình lừa tiền

Theo lời kể, dù hoạt động rất chuyên nghiệp nhưng công ty không có tên. Trong môi trường này, thông tin cá nhân là điều vô cùng nhạy cảm và tối kỵ nên tất cả nhân viên người Việt không sử dụng tên thật khi giao tiếp mà tự đặt và gọi nhau bằng biệt danh. Họ hoàn toàn không được phép biết tên, thậm chí không có cơ hội nhìn mặt của những quản lý cấp cao người Trung Quốc.

Bí mật bên trong ổ “dùng người Việt lừa người Việt” tại Campuchia ảnh 2
Khu O' Smach nổi tiếng về tình trạng buôn người, lừa đảo trên các nền tảng mạng xã hội.

Tất cả người Việt từ giây phút đặt chân qua khỏi cánh cổng khu tự trị, mọi giấy tờ tuỳ thân không còn ý nghĩa. Dù họ không phạm tội nhưng khu này tính chất như nhà giam, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Họ giống như một đồ vật bị kiểm soát bởi người khác, hoàn toàn mất tự do, từ việc nói năng đến đi đứng, ăn ngủ. Họ phải tuân thủ những luật lệ do người cai quản đặt ra, nếu trái lại sẽ bị xử phạt, bị đánh, thậm chí bị bán đi nơi khác.

Các nhân viên được đào tạo để tự xây dựng một nhân vật nữ trên không gian mạng như người ở đời sống thật, có tiểu sử, có ngoại hình, có kiến thức, có sự nghiệp, độc lập tài chính và đặc biệt là một đời sống tình cảm nhiều truân chuyên, trắc trở. Yêu cầu mà giới chủ đặt ra là nhân vật từ nữ trong độ tuổi 28-35 và chi tiết đến từng nhóm máu, từng sở thích cá nhân hằng ngày. Ngoài ra, nhân vật phải hiểu rõ các địa điểm ăn uống, vui chơi nổi tiếng xung quanh khu vực sinh sống…

Sau khi vẽ nên một nhân vật lý tưởng, nhân viên sẽ được giao (hoặc tạo) tài khoản Facebook, Zalo… ảo, tìm kiếm hình ảnh các cô gái xinh đẹp, sang chảnh, độc lập tài chính đăng lên trang cá nhân, xây dựng nội dung để xuất hiện trong mắt cộng động mạng là một người phụ nữ hiện đại, hoàn hảo. Câu chuyện càng thật, cuộc tình càng trắc trở bao nhiêu thì khả năng lừa tình, kéo con mồi sập bẫy lừa tiền tăng lên bấy nhiêu.

Đường dây hướng đến cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài, nhất là các quốc gia có đồng tiền giá trị cao như Mỹ, Úc, Canada… và đương nhiên không loại trừ Việt Nam. Nhân vật nữ sẽ kết bạn và trò chuyện với nam giới thông qua các mạng xã hội và sau đó rủ rê tham gia đầu tư tiền kỹ thuật số trên một website do chính nhóm này xây dựng.

Quy trình diễn ra theo 3 bước: thứ nhất là trở thành một người bạn thật sự và chia sẻ mọi điều trong cuộc sống, tạo cảm giác vui vẻ, dễ chịu, hứng thú và quen thuộc với sự hiện diện của nhân vật trong đời sống tinh thần; thứ hai, chia sẻ sâu hơn về công việc, sự nghiệp và quan điểm sống cho nhau, trong giai đoạn này tìm lúc thích hợp để chèn những tin tức, câu chuyện, tình hình đầu tư để thăm dò; thứ ba, khi đã xác định được khách là người thích đầu tư hoặc hứng thú với việc đầu tư, thậm chí đã từng đầu tư tiền ảo thì đưa vào website tiền ảo.

Website này được thiết kế khá đơn giản và luật chơi chỉ cần chọn giá trị đồng tiền số tăng hay giảm tại một thời điểm nhất định trong ngày. Nếu khách hàng tạo tài khoản và nạp tiền lần đầu tối thiểu là 300USD thì nhân viên được thưởng nóng 10USD. Sau đó, khách hàng phải nạp ít nhất 5.000USD/lần nạp thì hoa hồng cho nhân viên là 4%, nạp đến 100.000 USD/lần nạp được 8%, trên 100.000USD/lần nạp được 10% và hưởng 15% nếu khách hàng nạp 1 triệu USD/lần nạp.

Hệ thống cho phép “con mồi” được rút tiền về một lần đầu giới hạn 50USD để tạo lòng tin. Website được lập trình để người chơi gần như toàn thắng, kích thích lòng tham để tiếp tục nạp những số tiền lớn hơn. Khi người chơi thực hiện lệnh rút tiếp theo, hệ thống yêu cầu phải đóng tiền thủ tục, đóng thuế… để lừa nạp thêm tiền vào cho đến lúc hết tiền, từ bỏ ý định - thuật ngữ trong giới gọi là “chết khách”. Thời gian từ lúc tiếp cận đến khi “giết chết” một khách hàng thường diễn ra trong một hai tháng.

Hằng tháng, Chủ quản văn phòng sẽ giao chỉ tiêu doanh số cho từng tổ. Tổ trưởng sẽ hưởng 2% tổng số tiền của tổ nếu hoàn thành đủ chỉ tiêu, kèm theo khoảng lương từ 1.200USD - 1.500USD/tháng tuỳ theo năng lực. Có những Chủ quản đề ra quy định không được đánh nhân viên, nhưng bởi vì nhân viên của tổ không làm ra hiệu suất nên tổ trưởng sẽ bị cấp trên la. Tổ trưởng sau đó sẽ tìm cách ép nhân viên, thậm chí tìm đến ký túc xá để đánh.

Bí mật bên trong ổ “dùng người Việt lừa người Việt” tại Campuchia ảnh 3
Website của nhóm lừa đảo khá đơn giản, luật chơi chỉ chọn tăng hay giảm.

Bịbốc lột vàkiểm soát như một đồ vật

Chị P. chia sẻ: “Hằng ngày, họ phải lao động trên máy tính và làm những công việc trái với lương tâm,tần suất ít nhất là 13 tiếng mỗi ngày. Vănphòng nàokhông làm đủ chỉ tiêu mà cấp trên giao thì tất cả con người trong đó phải làm việc xuyên suốt. Họ đi tìm khách, chat với khách đến khi có người nạp tiền mới thôi.

Họ làm việc liên tục, lúc nào cũng nói chuyện với 15-16 người cùng lúc, chỉ khi chuông báo thời gian ăn uống thì nghỉ trong 30 phút rồi quay trở về cắm mặt làm. Sau tan ca, họ chỉ ngủ được vài tiếng rồi lại thức dậy bắt đầu guồng quay mới, không có thời gian cho bản thân hay làm bất cứ hoạt động nào khác. Tóm lại, những người bị lừa sang đây chỉ có ăn và làm việc.

Khi trở lại ký túc xá,nhân viên vẫn được sử dụng điện cá nhân nhưng tự trang bị sim địa phương. Quytắc ngầm mà kẻ đi trước truyền tai lại cho người vào sau là không được truyền ra thông tin trong này, không thì tự chuốc hoạ vào thân, đừng trách.

Nhân viên chỉ được phép đi lại bên trong toà nhà, mỗi lần có ai đó muốn ra ngoài phải chụp hình đôi chân ngay vạch cửa gửi lên nhóm chat trên Telegram, có người quản lý xem xétrồi quyết định. Thông thường, nhân viên mới sẽ không được xét duyệt. Ở đây, ra ngoài chỉ là ra khuôn viên bên trong khu đô thị, còn để ra bên ngoài khu thì chỉ có giới chủ người Trung Quốc, người Campuchia hoặc nhân viên cấp cao.

Một nhân viên sale có mức lương cơ bản 200USD/tháng (tương đương 5 triệu đồng) nhưng trung bình phải làm việc 15-16 tiếng một ngày. Số tiền lương cơ bản như thế trong khi giá đồ ăn phổ thông là 8-10USD cho một tô phở hay bún Việt Nam thì để trang trải đủ nhu cầu sinh sống, nhân viên bắt buộc phải “làm ra hiệu quả”đểthêm tiền hoa hồng.

Tiếp xúc với họ trong lúc ăn cơm, bất kỳ ai khi nghe nói đến việc trở về nhà thì trong mắt đều ánh lên niềm hy vọng, khát khao, mong chờ đến giây phút về lại quê hương. Nhưng ở trong hoàn cảnh hiện nay, điều ước đó là xa xỉ bởi theo tôi biết, tình hình lừa người sang Campuchia càng ngày càng khó nên những ai đã được đào tạo, biết việc để làm rồi thì giới chủ không muốn thả về, lúc nào cũng tìm cách để ép, giữ chân ở lại.

Những người vào đây đều là nạn nhân của tuyển dụng nhân sự.Họ bị nhốt, không có cách nào để chống lại, buộc phải làm việc trong cái thế phải làm theo nếu không nghe lời sẽ nguy hiểm đến tính mạng,và họđi lừa đảo chính người Việt của mình.

Tuy ở đây không phải là nhà tù khổ sai nhưng cuộc sống của những nhân viên còn bi kịchkhông kém. Một phạm nhân, chí ít họ có một bản án rõ ràng dựa theo pháp luật, còn khi đã vào khu này, họ lúc nào cũng phải cẩn thận lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ hành động phải nhìn trước ngó sau,không có thông tin bên ngoài và những người bên ngoài cũng không biết chuyện gì diễn ra bên trong.

Họ không có quyền quyết định số phận, không biết được ngày nào tháng nào năm nào sẽ được thoát ra khỏi đây. Nếu không làm được việc hay chống chọi, phản ứng thì có thể mất mạng ở đất viễn xứ và mãi mãi không được trở về nhà”.

Bí mật bên trong ổ “dùng người Việt lừa người Việt” tại Campuchia ảnh 4
Mới đây, Công an hai nước Việt - Lào phối hợp triệt phá tổ chức tội phạm lừa đảo quốc tế, bắt giữ 155 đối tượng tại Đặc khu Tam Giác Vàng. Ảnh: Website Bộ Công an.

Sau vài tháng sống trong địa ngục trần gian, chị P. trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, lương tâm giằng xéo và bị những đả kích mạnh, tổn thương tâm lý khi nhìn thấy cảnh các anh chị em đồng bào bị vắt kiệt sức lao động như nô dịch, bị phân biệt đối xử, coi khinh, thậm chí là bạc đãi, đánh đập nếu không tuân thủ hay chống cự.

Chị P. bị stress trầm trọng, sẵn đang cơn sốt và ho kéo dài, nhân cơ hội xin sếp cho thôi việc để trở về. Nhờ trong suốt quá trình làm việc đều làm tròn chức trách và được tín nhiệm nên chị được về an toàn. Chị nói: “Không phải tất cả những lãnh đạo và ông chủ trong khu này đều xấu và bạc đãi nhân viên. Dẫu biết rằng việc lừa đảo vốn đã sai nhưng ít ra trong cảnh sống đó vẫn có nhiều người chủ và quảncó nhân tính, tôn trọng và chăm lo đời sống cho nhân viên.

Và tất cả nhân viên sale - những người trực tiếp làm công việc dùng nick Facebook, Zalo ảo để đi lừa khách nạp tiền, ban đầu họ đều là nạn nhân của HR tuyển dụng lừa từ Việt Nam sang. Một bộ phận nhỏ sau khi thích nghi với công việc và kiếm được nhiều tiền từ công việc này đã trở nên sa ngã và dần tham lam, sau khi có cơ hội trở về nước vẫn tự nguyện quay lại để tiếp tục kiếm tiền. Họ cho rằng đây là con đường làm giàu dễ dàng và nhanh chóng khi mà đã rành rẽ và nắm hết quy trình lừa đảo cốt lõi”.

Cùng chuyên mục

Ngày mai, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết hầu tòa
Sáng mai (22/7), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) và 49 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Tin mới

Làm giả giấy tờ, chủ tịch và cán bộ địa chính xã bị bắt
Nguyên chủ tịch UBND và cán bộ địa chính xã Đức Trạch (Bố Trạch - Quảng Bình) đã "bắt tay" làm các thủ tục và làm giả một số giấy tờ để xin cấp đất đã bị cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Bố Trạch (Quảng Bình) ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam để tiếp tục điều tra vụ án...