Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 10/08/2022 16:06 (GMT+7)

Bộ Công an: 'Không có chủ trương thu hồi sổ hộ khẩu giấy'

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc người dân bị thu sổ hộ khẩu, rồi lại đi xin giấy xác nhận đều là phát sinh cá biệt. Bộ Công an không có chủ trương thu sổ hộ khẩu để làm khó người dân và sẽ cho kiểm tra lại.

Sáng ngày 10/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực và trách nhiệm của Bộ Công an. 

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Theo đó, tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đã đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm là trong những ngày gần đây, nhân dân rất quan tâm và lo lắng đối với thông tin về việc xóa bỏ hộ khẩu bằng giấy, bởi sổ hộ khẩu có liên quan đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.

Vậy, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để giải quyết những vấn đề vướng mắc có liên quan, đặc biệt là đối với người dân không có điều kiện tiếp cận các phương tiện hiện đại?

Trả lời đại biểu Huỳnh Thị Phúc, theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, việc bỏ hộ khẩu giấy là vấn đề đã được quy định trong luật. Đến hết ngày 31/12/2022, hộ khẩu giấy không còn tác dụng. Hiện nay, vướng mắc lớn nhất là có rất nhiều quy định khác buộc người dân phải sử dụng hộ khẩu giấy.

"Chúng tôi có phương án là cấp khẩn trương, đầy đủ CCCD để người dân có căn cứ pháp lý thực hiện giao dịch. Khi có CCCD thì không cần phải xin xác nhận bất kể thông tin nào vì CCCD là giấy tờ pháp lý duy nhất để người dân có thể giao dịch, làm các thủ tục", Bộ trưởng Bộ Công an cho hay.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thông tin, ngành Công an sẽ cùng các ngành, các cơ quan ban hành quy định bỏ những cách giải quyết công việc phải có xác nhận về sổ hộ khẩu hay yêu cầu xác nhận về giấy chứng nhận về đăng ký hộ khẩu. Theo đó, sẽ thực hiện quản lý bằng giải pháp công nghệ, cách quản trị mới và cách phục vụ nhân dân mới với những cải cách thuận lợi nhất.

"Tâm lý phải đi xác nhận, phải đi chứng thực giấy tờ đã quá lớn với người dân. Làm gì cũng nghĩ đến việc phải ra chính quyền hay ra chỗ này chỗ kia để làm công chứng. Các cơ quan giải quyết thủ tục, lưu giữ các giấy tờ cũng là gánh nặng. Giải quyết được việc này tôi cho rằng rất tốt.

Sau 31/12 hộ khẩu giấy không còn giá trị sử dụng, vì vậy từ nay đến 31/12 chỉ có việc duy nhất là thay đổi các quy định của các cơ quan buộc người dân phải thực hiện xác nhận, trình báo về sổ hộ khẩu. Chúng tôi đang mở các chiến dịch cấp CCCD sớm nhất, đầy đủ nhất để phục vụ người dân trong quá trình giao dịch và tạo thuận lợi cho các cơ quan làm công tác quản lý, quản trị xã hội theo chức năng", ông Tô Lâm cho hay.

Tiếp đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) tranh luận việc bỏ hộ khẩu giấy là theo quy định của luật. Nhưng, theo phản ánh của cử tri, khi đến cơ quan Công an làm thủ tục thì bị thu hộ khẩu giấy.

Trong khi đó, công dân khi làm thủ tục ở cơ quan Nhà nước như nhập học cho con, nộp hồ sơ xin việc vẫn bị yêu cầu mang sổ hộ khẩu giấy gốc đến đối chiếu. Tuy nhiên, sổ đã bị thu nên phải dùng giải pháp tạm thời là công dân đến Cơ quan Công an xin xác nhận, hiệu lực trong 6 tháng.

Theo đó, đại biểu Nguyễn Trường Giang phân tích, rõ ràng vẫn chưa có sự kết nối liên thông với sổ hộ khẩu trong CCCD với các thủ tục của cơ quan Nhà nước. Sắp tới, đến cuối năm 2022 bỏ hẳn sổ hộ khẩu giấy mà vẫn chưa kết nối liên thông thông tin hộ khẩu như hiện nay thì sẽ rất rối, gây khó khăn cho công dân, chi phí bỏ ra của người dân trong việc hoàn thiện thủ tục liên quan đến hộ khẩu là có vấn đề và cho rằng việc này cần có sự vào cuộc của Chính phủ.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết việc này chắc là cá biệt, Bộ Công an không có chủ trương thu sổ hộ khẩu. Có thể việc thu sổ hộ khẩu ở một điểm, phường hoặc cá nhân nào đấy. Sổ hộ khẩu giấy còn giá trị đến ngày 31/12/2022.

"Việc người dân bị thu sổ hộ khẩu, rồi lại đi xin giấy xác nhận đều là phát sinh cá biệt. Nếu đại biểu có địa chỉ cụ thể, chúng tôi sẽ kiểm tra và chấn chỉnh việc này. Đây không phải chủ trương chung của Bộ", Bộ trưởng Bộ Công an cho biết.

Thời gian tới, Bộ Công an sẽ phối hợp với các bộ ngành rà soát các văn bản pháp luật có liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để sửa đổi cho phù hợp.

Bộ Công an cũng đã nhiều lần đề nghị Bộ GD&ĐT là các cháu đến tuổi phải được đi học, không thể vì sổ hộ khẩu mà không được đến trường, gây rất nhiều khó khăn.

"Không thể bám vào sổ hộ khẩu để gây khó khăn cho các cháu đi học, rồi bố mẹ phải xin vào chỗ này, chỗ kia", Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định.

Theo đó, Bộ Công an sẽ kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu khác để giải quyết thủ tục hành chính. Vừa qua việc này được giải quyết tốt với với các lĩnh vực y tế, giáo dục... Có những nơi coi CCCD là giấy tờ pháp lý, không cần hộ khẩu để làm thủ tục.

Đồng thời, Bộ Công an cũng sẽ khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh cấp CCCD gắn chip.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Quyên góp từ thiện theo quy định pháp luật hiện hành
Theo quy định hiện hành, cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.