Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ năm, 05/01/2023 10:40 (GMT+7)

Bộ GD-ĐT kiến nghị hàng loạt giải pháp để triển khai chương trình mới

Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Quốc hội có thêm các cơ chế, chính sách và các địa phương cần ưu tiên đầu tư cho giáo dục để ngành triển khai tốt hơn nữa chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đưa ra hàng loạt giải pháp, kiến nghị với Chính phủ, các địa phương và các ban ngành để có thể thực hiện tốt hơn nữa việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong thời gian tới.

tm-img-alt
Sách giáo khoa đã được xã hội hóa thành công nhưng vẫn còn nhiều sạn. - Ảnh minh họa.

Vẫn nhiều bất cập

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại buổi giao ban tuyên giáo ngày 3/1, ngành giáo dục đã bước đầu đạt những kết quả tích cực trong việc thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng và Nghị quyết 88 của Quốc hội.

Cụ thể như thực hiện thành công xã hội hóa sách giáo khoa, đã triển khai chương trình mới ở cả ba cấp học với 6 khối lớp gồm lớp 1, 2, 3 ở bậc tiểu học, lớp 6 và 7 ở bậc trung học cơ sở, lớp 10 ở bậc trung học phổ thông. Các nhà trường đã phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc dạy và học, kiểm tra đánh giá, đáp ứng được cơ bản yêu cầu của chương trình mới.

Tuy nhiên, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là trong các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, sách giáo khoa được biên soạn còn một số nội dung chưa phù hợp như dùng từ địa phương, ngữ liệu chưa hay, thông tin chưa phù hợp với học sinh. Do Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 122 về việc không tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa (do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện) nên việc biên soạn và thử nghiệm sách giáo khoa điện tử, dịch sách giáo khoa sang sách chữ nổi Braille theo bộ sách này chưa thực hiện được.

Việc ban hành chương trình các môn học tự chọn tiếng dân tộc thiểu số, môn ngoại ngữ 2 và các chương trình môn ngoại ngữ 1 ngoài Tiếng Anh còn chậm so với các môn học khác. Việc biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương còn chậm, muộn, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình mới.

Đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ về cơ cấu, thừa thiếu cục bộ, đặc biệt là thiếu giáo viên tiểu học, thiếu giáo viên các môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp trung học phổ thông. Chất lượng đội ngũ không đều, nhất là ở các vùng kinh tế-xã hội khó khăn.

Còn tình trạng thiếu trường lớp, đặc biệt ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Một số địa phương thực hiện dồn ghép cơ sở giáo dục một cách cơ học hoặc xây dựng trường chưa đủ tiêu chuẩn, mua sắm thiết bị dạy học chưa đảm bảo tiến độ.

Trong đó, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các vấn đề về việc tổ chức biên soạn chương trình giáo dục địa phương, việc lựa chọn sách giáo khoa, việc đảm bảo các điều kiện triển khai chương trình (cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, thiết bị dạy học) thuộc trách nhiệm của các địa phương.

Cần ưu tiên đầu tư, thêm cơ chế cho giáo dục

Để tháo gỡ các tồn tại trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay bên cạnh những nỗ lực từ ngành còn cần sự vào cuộc của các địa phương, sự hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ thông qua các chính sách.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị cần ban hành chính sách đặc thù cho giáo dục về kinh phí chi thường xuyên bảo đảm điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục; thực hiện các chính sách trong học tập cho học sinh, sinh viên; chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; kinh phí hỗ trợ học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập, chính sách giáo dục đối với học sinh khuyết tật.

Các địa phương rà soát, xác định nhu cầu đầu tư, xây dựng kế hoạch và nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 của Đề án Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Địa phương nghiên cứu đề xuất các hạng mục, địa bàn ưu tiên đầu tư xây dựng, ban hành cơ chế chế chính sách khi triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và đề án trên.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu với Trung ương Đảng, Quốc hội và ban hành theo thẩm quyền chính sách nhằm quan tâm tới tính đặc thù của công chức; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức và tinh giản biên chế đối với công chức, viên chức ngành giáo dục nói chung, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nói riêng; bảo đảm đủ biên chế cho các địa phương đang thiếu giáo viên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Quốc hội thẩm định phương án phân bổ dự toán ngân sách hằng năm bảo đảm tiêu chí phân bổ chi ngân sách chi thường xuyên cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo quy định; chi đầu tư phát triển tách riêng ngành giáo dục để đảm bảo tối thiểu tổng chi theo quy định.

Đối với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, bộ đề nghị Quốc hội cho phép Chính phủ tiếp tục bố trí nguồn vốn để thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2021-2025 (ưu tiên miền núi, biên giới, hải đảo, các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, các khu vực khó khăn); xem xét, ban hành chế độ đặc thù phụ cấp cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Bộ cũng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, định hướng cơ quan báo chí, truyền thông cung cấp thông tin về quá trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa của ngành giáo dục chính xác, khách quan, mang tính xây dựng, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...