Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 27/03/2023 07:30 (GMT+7)

Bổ sung 2 dự án cao tốc vào danh mục công trình trọng điểm

Dự án đường bộ cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng và Chơn Thành-Gia Nghĩa được bổ sung vào danh mục công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Bộ Giao thông Vận tải vừa có tờ trình số 2891/TTr-BGTVT trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung danh mục dự án và thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Nội dung tờ trình nêu rõ tại cuộc họp lần thứ 4 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo đã thống nhất bổ sung các dự án đường bộ cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng và Chơn Thành-Gia Nghĩa vào danh mục công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Theo đề xuất, tuyến cao tốc Chơn Thành-Gia Nghĩa được đầu tư với tổng chiều dài gần 130km, trong đó đoạn qua tỉnh Đắk Nông khoảng 27,8km; đoạn qua tỉnh Bình Phước khoảng 101km.

Giai đoạn 1, dự án được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, bề rộng nền đường là 19m.

Giai đoạn 2, dự án sẽ được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch với 6 làn xe cao tốc, 2 làn dừng xe khẩn cấp, bề rộng nền đường là 32,25m. Riêng đoạn qua thành phố Đồng Xoài là 33m.

Đối với cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt xác định, đường cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng có chiều dài khoảng 109km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.

tm-img-alt
Bên cạnh việc bổ sung danh mục dự án, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành có hai dự án đi qua cũng được bổ sung làm Ủy viên Ban Chỉ đạo - Ảnh minh họa.

Theo tờ trình của Bộ Giao thông Vận tải, bổ sung Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố có các dự án nêu trên vào thành viên Ban Chỉ đạo và kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo đã chuyển công tác hoặc nghỉ chế độ.

Theo dự thảo quyết định, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà được bổ sung làm Phó trưởng Ban Chỉ đạo; ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Ủy viên Ban Chỉ đạo thay ông Lê Quang Hùng; ông Cao Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Ủy viên Ban Chỉ đạo thay ông Tạ Anh Tuấn.

Đồng thời, bổ sung ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Bình Phước và Đắk Nông vào danh sách ủy viên Ban Chỉ đạo.

Trước đó, ngày 2/11/2022, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 1316/QĐ-TTg bổ sung các dự án đường bộ cao tốc: Tuyên Quang-Phú Thọ, Hòa Bình-Mộc Châu-Sơn La, Hữu Nghị-Chi Lăng, Đồng Đăng-Trà Lĩnh; Dự án nhà ga hành khách T3-Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và dự án xây dựng đường Trần Quốc Hoàn-đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh (kết nối vào nhà ga T3) vào danh mục các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Tại quyết định này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng được kiện toàn làm Phó trưởng Ban Chỉ đạo thay ông Nguyễn Văn Thể.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh: Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng được bổ sung vào danh sách Ủy viên Ban Chỉ đạo.

Theo quyết định ban đầu (Quyết định số 884 ngày 23/7/2022 về việc thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải), các dự án được đưa vào danh mục gồm: Đường Hồ Chí Minh; các dự án đường bộ cao tốc: Bắc-Nam phía Đông; Bến Lức-Long Thành; Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột; Biên Hòa-Vũng Tàu; Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng với đó là dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; các tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; các dự án đường bộ cao tốc hoặc dự án hạ tầng giao thông khác mà Ban Chỉ đạo thấy cần thiết.

Cùng chuyên mục

Đề xuất bố trí gần 10.650 tỉ đồng xử lý 8 dự án BOT thua lỗ
Bộ Giao thông Vận tải vừa có Tờ trình số 2451/TTr-BGTVT gửi Chính phủ đề xuất các giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT. Theo đó, ước tính nhu cầu nguồn vốn nhà nước cần bố trí để xử lý 8 dự án BOT giao thông thua lỗ vào khoảng 10.650 tỉ đồng.

Tin mới

Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.
Luật Đất đai 2024: Bỏ khung giá đất - lành mạnh hóa thị trường đất đai
Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.