Bộ Tài chính đề xuất giao toàn diện việc quản lý xăng dầu cho Bộ Công thương
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định, giao toàn bộ phần quản lý xăng dầu hiện nay, bao gồm cả việc quyết định về giá và chi phí định mức, về Bộ Công thương.
Ngày 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình trước Quốc hội một số vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngày 21/10 vừa qua, Bộ Tài chính đã có văn bản lấy ý kiến Bộ Công thương và các doanh nghiệp đầu mối về việc nâng chi phí định mức.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đến nay mới chỉ nhận được văn bản trả lời của 06 doanh nghiệp đầu mối, văn bản phản hồi cũng Bộ Công thương cũng chưa có.
Theo đó, Bộ trưởng đề nghị Chính phủ sửa đổi quy định, giao toàn diện phần xăng dầu về cho Bộ Công thương, kể cả phần quyết định giá và chi phí định mức để chủ động trong việc đảm bảo nguồn cung.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đánh giá, 2022 là năm kinh tế - xã hội được điều hành quản lý thành công. Tăng trưởng GDP dự báo đạt 7,5 - 8%; CPI tăng 2,74% (dưới mức 04% theo kế hoạch để ra); nợ công bằng khoảng 45% GDP; cả nước đã xuất siêu 08 tỉ USD ...
Về chính sách tài khoá, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thu ngân sách Nhà nước ước đạt khoảng 1,614 triệu tỉ đồng (vượt 202.400 tỉ so với dự toán). Trong đó, thu nội địa được ghi nhận tăng trưởng 9,8%.
Theo Bộ trưởng, ngành thuế cũng thực hiện biện pháp thu ngân sách như phát hành hóa đơn điện tử, xây dựng cổng thông tin điện tử xuyên biên giới. Trong 09 tháng, đã có 3.167 tỉ đồng được thu từ 37 tập đoàn công nghệ lớn như Google, YouTube, Microsoft, Tiktok…
Với dự toán ngân sách năm 2023, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá có nhiều khó khăn do giá nguyên vật liệu, lãi suất, tỉ giá tăng, room tín dụng thắt chặt, tình hình lạm phát thế giới phức tạp trong khi đó nhu cầu trên thị trường giảm. Để đảm bảo thận trọng, Bộ trưởng cho biết dự toán thu ngân sách đặt ra là khoảng 1,62 triệu tỉ đồng.
Cũng liên quan tới cấp vốn tín dụng cho doanh nghiệp xăng dầu, tại phiên thảo luận Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, ở Việt Nam, vấn đề quản lý, cung ứng, kinh doanh xăng dầu được giao cho 07 bộ ngành, cơ quan chức năng, chính quyền 63 tỉnh, thành phố thực hiện. Do vậy, rất cần các cơ quan phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn và hiệu quả, nhất là trong bối cảnh thị trường thế giới và trong nước dị biệt như vừa qua.
Để làm được điều đó, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, rất cần sự ủng hộ của Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại trong việc cho vay, bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xăng dầu tồn tại và cưu mang hệ thống bán lẻ của mình.
Về vấn đề này, tham gia giải trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã đề nghị Bộ Công thương đánh giá chi tiết, cụ thể, phân tích nguyên nhân, giải pháp và khẳng định điều hành của ngành ngân hàng rất quan tâm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong đó có xăng dầu.
Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, tháng 03/2020, trước sự biến động phức tạp của xăng dầu, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng phải đáp ứng. Tổng hạn mức cấp cho 16 doanh nghiệp xăng dầu là 103.000 tỉ đồng và mới sử dụng đến khoảng 58.000 tỉ, hạn mức chưa sử dụng còn 44.000 tỉ đồng, chứ chưa phải là đã hết.
Với việc cung ứng ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước cũng đảm bảo ổn định sản xuất trong nước, can thiệp ngoại tệ. Riêng, 09 tháng đầu năm đối với một số doanh nghiệp xăng dầu như Nghi Sơn, Bình Sơn hay Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, lượng ngoại tệ bán ra khoảng 10 tỉ USD cho các doanh nghiệp này.