Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 19/09/2022 14:00 (GMT+7)

Ca sĩ Duy Mạnh: 'Việt Nam hay kiểu giả nghèo giả khổ, nhất là nghệ sĩ đi dép tổ ong, ăn mì tôm, cá khô'

Tại buổi phỏng vấn với SAOstar, Duy Mạnh vô cùng thẳng thắn chia sẻ quan điểm của anh về việc làm từ thiện của một số nghệ sĩ trong làng giải trí.

Duy Mạnh sinh năm 1975, anh từng là ca sĩ được nhiều khán giả yêu mến bởi những bản hit đình đám như Kiếp đỏ đen, Hãy về đây bên anh, Tình em là đại dương.... Trên mạng xã hội không ít lần anh vô tình gây tranh cãi bởi những phát ngôn gây "sốc". Sau nhiều năm lựa chọn cuộc sống ở ẩn, cho đến thời điểm hiện tại Duy Mạnh mới quyết định nhận lời phỏng vấn của truyền thông, báo chí.

Lần đầu tiên SAOstar đã có cơ hội được lắng nghe những chia sẻ của Duy Mạnh về việc con gái theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật, những góc khuất trong làng giải trí và chuyện làm từ thiện của một số nghệ sĩ trong những năm vừa qua.

Ca sĩ Duy Mạnh: 'Việt Nam hay kiểu giả nghèo giả khổ, nhất là nghệ sĩ đi dép tổ ong, ăn mì tôm, cá khô' Ảnh 1

Cách đây không lâu con gái của anh vừa mới ra mắt với MV đầu tay, Duy Mạnh có thể chia sẻ thêm về sản phẩm này không?

- Tôi cũng rất bất ngờ vì không hề biết con gái đã thực hiện MV. Vì khoảng chừng 1, 2 tháng thấy con bất ngờ nhuộm tóc đỏ nên tôi thấy lạ, bản thân con nhuộm tóc màu hồng và vẫn đi học. Mấy lần con có nói muốn có một bài hát, có đi diễn này kia nhưng tôi chỉ nghe loáng thoáng và không nghĩ con có ý định như vậy. Vì tính cách của con rất nhút nhát, nên tôi nghĩ khả năng con có thể đứng trên sân khấu hát chưa thể là chính mình lắm. Tôi muốn con phải đi hát phòng trà, hoặc đi hát nhiều nơi rồi mới ra MV. Thật ra khái niệm của tôi lại khác với giới trẻ.

Tôi từng đi hát ở bar và nhiều nơi, sau đó trải nghiệm nhiều sự khó khăn mới làm MV. Còn nghệ sĩ trẻ bây giờ họ lại làm kiểu khác, họ học xong ra sẽ bắt đầu đi hát và học từ ê-kíp, các anh chị, hoặc họ chơi cùng nhiều nghệ sĩ sau đó lên ý tưởng xây dựng hình ảnh để tạo ra những hiệu ứng trước. Ngày xưa thì không hề có YouTube, nhưng bây giờ họ làm MV để phản ánh hình ảnh của bản thân họ, sau mới có cơ hội để giao tiếp luôn. Trước khi MV đầu tay của con được phát hành, tôi có tranh cãi với bà xã. Sau một thời gian, vợ luôn động viên con gái và bảo tôi: "Anh, anh đừng chê con".

Được biết Thu Cầm đã dốc hết tiền tiết kiệm để làm MV, không biết ngoài khoản chi phí đó anh có hậu thuẫn con về tâm lý hoặc chuyên môn ở phía sau không?

- Khi tôi có hỏi con mới biết con đã để dành tiền, sau đó mới hỏi đến mẹ để được hỗ trợ thêm. Còn con có xin tài trợ của ai không thì tôi cũng không biết. Trong khoảng thời gian ấy tôi không biết con làm MV đâu, thậm chí tôi còn cản trở. Vì con đã rất đầu tư để làm bốn MV, đặc biệt là MV đầu tiên để tạo bất ngờ trước khán giả.

Dường như con gái của Duy Mạnh khá kín tiếng trên mạng xã hội. Với tư cách là một nghệ sĩ anh có cảm thấy bất ngờ không?

- Thật ra tôi thấy con dạo gần đây đang đi giao tiếp, trò chuyện với các bạn để tiếp cận những ý tưởng mới để làm sản phẩm. Tôi khá bất ngờ khi biết con từng gặp áp lực, trong thời gian đó bà xã luôn động viên và ủng hộ con. Đôi khi tôi muốn con được va chạm, va vấp để con không bị sốc trong cuộc sống.

Tuy nhiên showbiz không thể tránh những thị phi rắc rối, khi con gái bước chân vào làng giải trí bản thân Duy Mạnh là một người cha, một người đàn anh đi trước có cảm thấy lo sợ cho con không?

- Tất nhiên, khi bước vào showbiz tôi đã lường trước điều này. Nếu mà mình là một nghệ sĩ đơn thuần để đi hát, bình thường đúng như nghệ sĩ trước thì hát xong đi về, làm nghề cũng có phức tạp đâu. Kể cả trước đây đi hát phòng trà các nghệ sĩ không hề có sự cạnh tranh với nhau. Ví dụ như người hát trước, hát sau mà ban nhạc không cẩn thận đánh sai tông nhạc chúng tôi vẫn đối xử tử tế lắm. Còn showbiz bây giờ bị ảnh hưởng bởi có mạng xã hội, truyền thông báo chí. Có những người họ ghét mình đấy, đó là chuyện bình thường. Nếu đã bước chân vào rồi thì phải dám chơi, dám nhận, dám chịu.

Còn quan trọng nhất là tôi muốn con gái phải sống theo đam mê và đối xử với mọi người thật tốt. Thế hệ trước chúng tôi đối xử với nhau rất tốt, nhưng tôi có cái tính là bức xúc nên quan điểm của tôi là nói thẳng dù đúng hay sai có thể người ta sẽ khó chịu. Nhưng con là con gái, trải nghiệm có thể chưa có nên không thể như vậy, con không được nói về ai. Tôi có thể bày tỏ quan điểm về vấn đề xã hội, còn về nghề rất ít khi tôi nói về chuyên môn của mỗi người. Khi tôi nhắc đến cá nhân nào đó chắc chắn đã liên quan đến một sự việc nhất định của xã hội. Quan trọng phải tôn trọng mọi người, kể cả những người ghét tôi. Khi con ra ngoài có gặp họ, con chủ động chào trước và nở nụ cười, chào lễ phép. Trên mạng xã hội tôi là một người gai góc nhưng thực tế tôi rất dễ gần.

Ca sĩ Duy Mạnh: 'Việt Nam hay kiểu giả nghèo giả khổ, nhất là nghệ sĩ đi dép tổ ong, ăn mì tôm, cá khô' Ảnh 2

Thời gian gần đây khá nhiều khán giả quan tâm đến câu chuyện của Duy Mạnh và Tuấn Hưng. Anh có thể hé lộ mối quan hệ hiện tại với Tuấn Hưng được không?

- Câu chuyện đó đã xảy ra cách đây rất lâu, thực ra Tuấn Hưng không phải là người tôi ghét. Sau chuyện đấy tôi có bực dọc vì khi đó Tuấn Hưng đã đưa ra quan điểm không đúng và tôi đã phản bác lại, sau đó thì thôi. Cách đây khoảng năm ngoái, năm kia tôi vô tình gặp Tuấn Hưng ở trên một chuyến bay. Tuấn Hưng đã chủ động chào hỏi và ngồi gần ghế tôi. Thật ra trong showbiz này người khiến tôi hứng thú để trêu đùa vui chính là Tuấn Hưng, đó chính là sự thật, dĩ nhiên quý mới trêu. Rất nhiều bạn thân với Tuấn Hưng thì lại chơi thân với tôi. Trước hôm tôi vui đùa, tôi mới nói đừng mời tôi ra hát. Tuấn Hưng từng mời tôi đến hát ở Góc Ban Công để xóa tan tin đồn cả hai ghét nhau. Nhưng tôi đã trả lời: "Anh thật sự ít đi hát, đặc biệt ở chỗ đông người. Đối với anh khi làm nghề anh tự gọi bản thân là thợ hát".

Từ "nghệ sĩ" là từ trân trọng cho tất cả những người làm nghề và do khán giả yêu mến gọi. Về sau này có nhiều người lạm dụng từ "nghệ sĩ" quá. Do tôi bị trêu nhiều quá nên tôi mới quyết định thành một người "thợ". Đến bây giờ bao nhiêu năm nay, tôi làm nghề phải có sự vững chắc và trau dồi yêu thương nghề nghiệp và phải làm luôn tay thường xuyên thì mới đánh đàn viết nhạc được, chứ còn "thầy" chỉ dạy lý thuyết thôi. Đôi khi đó là câu nói "nửa đùa nửa thật" lại làm được thật. Còn nghệ sĩ bây giờ để mà nói bây giờ công chúng đón nhận 1, 2 năm hoặc chục năm nữa người ta vẫn giữ hình tượng, người ta vẫn tôn trọng mình đấy là nghệ sĩ thủ tục. Còn bây giờ ai cũng được phong "nghệ sĩ" thì chuyện đấy nó cũng hơi bị phù phiếm. Nên tôi thấy cứ làm người "thợ" là tốt nhất, tuy là nói đùa nhưng mà thật.

Mới đây Duy Mạnh từng chia sẻ Tuấn Hưng bị hai người thân viết đơn tố cáo, câu chuyện này anh có thể nói thêm chi tiết hơn được không?

- Tôi chỉ trêu thôi, chứ không có ai tố cáo cả chẳng ai viết đơn. Thật ra có hai người thân với Tuấn Hưng, một người có xích mích nào đó cũng khá thân với tôi. Nên tôi cố tình trêu hai người đó chứ thực tế cả hai quý tôi và Tuấn Hưng lắm. Câu chuyện xích mích cũng giống như chuyện trước đây của tôi và Hưng. Đúng là trên mạng xã hội tôi khá gai góc và thường xuyên trêu đùa, nhưng không hề kích động bạo lực. Quan điểm sử dụng Facebook của tôi là có thể nói thoải mái, nhưng không hề lôi nghề nghiệp để móc mỉa nhau. Facebook chỉ là một khoảng nhỏ để tôi chơi vui thôi.

Có bao giờ do tính cách thích trêu đùa của Duy Mạnh vô tình ảnh hưởng đến người khác và những mối quan hệ?

- Thật ra nếu hai người đó thân nhau thì không đến mức tôi trêu, vì ai là người thông minh sẽ hiểu còn những người không hiểu thì tôi không đùa đâu. Một show diễn mà cả Việt Nam ai cũng biết, thậm chí thế giới còn biết nữa thì chuyện công quan, quản lý phường chẳng lẽ lại không biết. Nhưng một số người hâm mộ cuồng nhiệt họ không biết rằng tôi càng đùa thì càng khoái chí. Đã gọi là trêu người khác sẽ có người vui và người bực.

Tức là anh không để ý đến anti-fan?

- Tôi không hề để ý đến anti-fan. Trước đây không hề thích sử dụng Facebook và mạng xã hội. Hồi đó tôi chỉ viết nhạc rồi đưa lên báo chí, đôi khi tôi muốn nói quan điểm thật nhưng bị báo cắt xén bớt đi, vô tình bài báo trở thành một câu chuyện khác. Nhiều người nhìn nhận tôi phải viết những bài hát về kiếp đỏ đen, đề tài xã hội. Thậm chí một số khán giả còn nghĩ: "Có khi ông này chả biết cái gì đâu".

Ca sĩ Duy Mạnh: 'Việt Nam hay kiểu giả nghèo giả khổ, nhất là nghệ sĩ đi dép tổ ong, ăn mì tôm, cá khô' Ảnh 3

Từ khi tôi bắt đầu dùng Facebook một cách tri thức vào khoảng năm 2016, 2017. Khi tôi biết đến phần livestream tôi bắt đầu lên đàn hát nhưng lại có nhiều người vào chê khiến tôi bực, tính tôi thì khá nóng nhưng phải đối đáp làm sao để khán giả cảm thấy vui và phù hợp với trang. Ai thì cũng có người ghét nhưng tôi sử dụng Facebook bao năm chưa bao giờ thấy có nhóm nào thành lập để "Anti" Duy Mạnh. Thế mà tôi thấy có nhiều nghệ sĩ làm nhiều điều tốt đấy, họ làm từ thiện này mà vẫn có nhóm fan lẫn anti-fan lên đến mấy trăm nghìn người. Thật ra nghệ sĩ ngày xưa chỉ có báo chí, không có mạng xã hội nên đôi khi họ diễn và làm được sản phẩm âm nhạc khiến khán giả có cảm giác ca sĩ làm một điều gì đó rất cao quý, hiểu biết. Nhưng khi dùng Facebook, các nghệ sĩ vô tình để lộ những kiến thức họ chưa biết. Vì mỗi người chỉ giỏi một nghề thôi.

Duy Mạnh nghĩ như thế nào khi một người nghệ sĩ như anh lại không có anti-fan, trong khi những người nghệ sĩ khác lại sở hữu rất rất nhiều anti-fan. Nó có phải xuất phát từ bản chất con người hay không?

- Bây giờ khán giả thông minh lắm, đặc biệt là giới trẻ. Đâu có phải như ngày xưa khi nghệ sĩ diễn sẽ được khán giả khen: "Hay quá", "Diễn hay quá".. Vì trước không có mạng xã hội, chỉ có báo nên một số khán giả thấy hay thì chỉ nghĩ là hay thôi. Nếu mình nói dối nhiều quá sẽ bị lòi ra, khán giả sẽ đúc kết lại và hiểu: "À con người này chắc chắn có tật". Bắt đầu khán giả từ đang thần tượng, sẽ có cảm xúc sụp đổ và chuyển sang làm anti-fan. Tại thời điểm khi tôi bắt đầu dùng Facebook cũng từng bị ghét, nhưng sau một thời gian người ta tự dưng hiểu được: "Ơ ông này nói rất đúng". Vì có những điều tôi nói cách đây 3 năm nhưng giờ nó lại đúng, vì tôi là người trải nghiệm trước.

Một số khán giả trẻ thần tượng nghệ sĩ thái quá vì cuộc sống của họ rất đẹp, đơn giản ví dụ như vì thấy nghệ sĩ bảo: "Ôi, tôi khổ lắm. Tôi là những người cống hiến, hội bọn tôi có thể chạy Tết. Bọn tôi không được ăn Tết gia đình phải chạy show, tôi chạy 3 4 show này kia...". Nhưng về sau tôi hiểu không phải, đấy là cách họ diễn hết. Vì Tết có ai bắt họ phải đi làm đâu, nhưng chạy show Tết thì chạy 3, 4 show để kiếm tiền về xây nhà và sau đó Tết lại to hơn. Mà nếu chạy 3, 4 show thì cũng cống hiến cho nghệ thuật thật, nhưng đó là nghề ứng tiền. Vì nghệ thuật đúng nghĩa là phải có sự chỉn chu, chuẩn bị. Giờ mạng xã hội được tự do, mọi người sẽ nhìn nhận đa chiều nghệ sĩ như thế nào là đúng, sai.

Theo anh nghệ sĩ trẻ nào đúng như tiêu chuẩn anh đưa ra?

- Bây giờ các nghệ sĩ trẻ đều rất chuyên nghiệp. Những nghệ sĩ trước như thời của tôi đôi khi dựa vào một bài hát. Bản thân tôi dựng một bài hát hay và rất độc đáo, MV quay rất hời hợt buồn cười vì đầu tư rất rẻ tiền. Nhưng giờ cách tiếp cận của các bạn trẻ ưu tiên nghệ thuật và yếu tố giải trí, trong giải trí đó được đầu tư rất lớn. Các bạn rất chỉn chu về mặt hình ảnh, thậm chí đi hát hay diễn show đều có stylist riêng. Rồi có những người có ê-kíp và truyền thông riêng.

Ngày xưa có nhiều ca khúc hay, cảm xúc nhiều vì hồi đó còn khó khăn, vô tình có thể khiến nghệ sĩ sáng tác có chiều sâu hơn bây giờ. Còn giờ các bạn trẻ tập trung vào kiến thức về kỹ thuật số, âm nhạc điện tử. Ngoài ra, các bạn trẻ khi đến với nhau có thể là vì tình yêu, nhưng khi chia tay sẽ rất lịch sự, nhẹ nhàng và tôn trọng. Còn trước đây yêu tha thiết xong bỏ nhau sẽ không thích, thậm chí quay sang ghét nhau.

Hiện nay dường như nhiều nghệ sĩ trẻ mắc chứng bệnh "ngôi sao". Anh nghĩ sao về điều này?

- Bệnh "ngôi sao" thời nào cũng có, chẳng qua là ít hay nhiều. Tôi chỉ khuyên các bạn trẻ hãy "ngôi sao" với khán giả, có thể mặt gần gũi hoặc mặt khoảng cách nhất định. Nhưng tốt nhất đừng "ngôi sao" với đồng nghiệp, những người xung quanh làm việc. Phải tôn trọng mọi người xung quanh mới có thể thành công được. Từ xưa đến giờ, với góc nhìn của tôi khi làm việc tôi rất hòa nhã, vui vẻ. Vì khi vui vẻ sẽ tạo ra sự thoải mái, tự nhiên cho mọi người xung quanh để có thể làm việc tự nhiên hơn. Ngày xưa có một số nghệ sĩ cho rằng khi đi tiệc đến trễ mới là người quan trọng, nhưng đó là cách sai lầm. Đối với tôi đó là văn hóa kém, tôi nghĩ làm việc ở bất cứ đâu quan trọng nhất là đúng giờ.

Đã bao giờ Duy Mạnh gặp phải một nghệ sĩ trẻ gặp không chào hoặc tỏ thái độ không thiện chí chưa?

- Chưa, tuy nhiên khi một số bạn nhìn thấy tôi ở sân bay ngay lập tức muốn chụp ảnh cùng. Có lẽ do các bạn thấy tôi trên Facebook rất hòa nhã, bình dân và các bạn rất quý tôi dù tôi không hề biết. Có vài nghệ sĩ trẻ chơi với con gái tôi, con nói với tôi các bạn ấy cũng hơi ngang tài, ngang bướng nhưng không hiểu sao rất thích bố, tôi cũng cảm thấy rất vui. Về sau tôi hiểu rằng, nghệ sĩ ai cũng có cái tôi nhưng mình tôn trọng họ, họ cũng sẽ tôn trọng lại. Còn nếu không tôn trọng họ cũng chẳng cần đâu.

Ca sĩ Duy Mạnh: 'Việt Nam hay kiểu giả nghèo giả khổ, nhất là nghệ sĩ đi dép tổ ong, ăn mì tôm, cá khô' Ảnh 4

Có vẻ trong showbiz anh khá cô độc?

- Để mà nói cô độc thì cũng không đúng. Trong giới nghệ sĩ này có nhiều nhóm kết hợp với nhau để làm những điều không đúng. Có thể họ không thích tôi vì quan điểm tôi đưa ra khiến đơn vị của họ bị ảnh hưởng, nhưng ngược lại sau khi tôi nói ra có một số nghệ sĩ ngày xưa có tiếng nhưng họ vẫn âm thầm ấy. Họ nhắn tin cho tôi và kể: "Thật sự là anh rất khoái, tất cả mọi thứ anh đều biết hết nhưng anh không dám nói ra. Bởi vì sau khi anh nói ra những cái nhóm đấy chúng nó fan nhiều quá, anh sẽ bị ném đá không thương tiếc. Không ai dám nói thì mình của mình em mới dám nói".

Duy Mạnh có nghĩ những bè phái đang thao túng showbiz không?

- Nếu nói trong showbiz có bè phái sẽ đơn giản là như thế này. Ví dụ trước đây ở một số sân khấu lớn, có những nghệ sĩ này chỉ thích vài người nhất định mà không phải ca sĩ kia chẳng hạn. Họ có thể yêu cầu sân khấu này không cho ca sĩ kia hát, nếu người này hát họ sẽ không hát nữa. Vì họ là những ngôi sao kiếm tiền cho sân khấu đấy, nếu không có họ sân khấu sẽ bị thất thu. Ba sân khấu lớn cạnh tranh nhau, nếu họ chỉ hát hai sân khấu mà không diễn ở sân khấu còn lại sẽ vắng khách. Hiện tại với sự tự do của mạng xã hội, bây giờ ca sĩ không cần phải vào Sài Gòn lập nghiệp nữa. Ở bất cứ vùng nào họ cũng có thể phát triển nghề nghiệp.

Nhiều nghệ sĩ thường muốn kéo bạn bè cùng nổi tiếng, ví dụ như: "Nếu muốn tôi tham gia gameshow này, phải mời bạn của tôi, chú của tôi, anh của tôi". Dường như giống một nhóm vậy?

- Cái đấy rất nhiều, thậm chí là như thế này. Có một số ca sĩ đang nổi tiếng họ muốn lăng xê đệ tử hoặc người thân của họ, đi hát là bắt buộc hoặc yêu cầu bầu show phải có người này kể cả trả giá rẻ cho họ. Hoặc trong ban giám khảo yêu cầu có người này, người kia thì tôi mới đến. Các nhóm cạnh tranh rất gay gắt với nhau.

Vô tình điều đó làm mất đi tính chất vốn có nghệ thuật đúng không anh?

- Vấn đề nghệ thuật thì không phức tạp quá, có thể một mình chơi âm nhạc nhưng đã khi bước chân vào làng giải trí thì lại liên quan đến kinh tế, khi có sự cạnh tranh bắt buộc phải chấp nhận thôi. Nghệ thuật đôi khi chỉ là cái đơn thuần trong cuộc sống, nhưng đã là giải trí sẽ có nghệ thuật và thương mại. Mà diễn thương mại kinh tế thì bắt buộc phải có sự cạnh tranh, sự chèn ép lẫn nhau, sự chơi xấu nhau. Ngày xưa các nghệ sĩ chỉ ghét nhau bởi việc cấm bị đi hát, hoặc vị trí ở trên banner. Còn nghệ sĩ trẻ hiện tại đấu nhau lành mạnh bằng những sản phẩm tốt hơn.

Một số nghệ sĩ ngày nay khi có nhiều tiền quá sẽ dễ sa ngã vào những thú vui khác nhau. Từ "nghệ sĩ" dần dần mất đi và bị biến tướng. Quan điểm của Duy Mạnh ra sao về hiện trạng này?

- Là một người nghệ sĩ, đa số họ đến và sống bằng cảm xúc thăng hoa. Nhưng nếu biết kiểm soát sự thăng hoa thì sẽ dễ tồn tại hơn. Trước đây nghệ sĩ cũng sa đà nhưng không có mạng xã hội nên rất khó phát hiện. Thời nào cũng có nhưng chỉ là cách này hay cách khác mà thôi.

Ca sĩ Duy Mạnh: 'Việt Nam hay kiểu giả nghèo giả khổ, nhất là nghệ sĩ đi dép tổ ong, ăn mì tôm, cá khô' Ảnh 5

Hiện nay, nhiều nghệ sĩ trẻ khi mà vướng vào scandal hay ồn ào nào đó người ta chọn cách ở ẩn. Nhưng sau sáu tháng là một năm, họ đã quay trở lại với nghệ thuật. Có phải chăng là khán giả Việt Nam đang quá dễ dàng hay không?

- Tôi nghĩ bây giờ rất khó, trước nghệ sĩ hát ở sân khấu khán giả thích thì xem thôi, còn giờ nghệ sĩ phải xây dựng hình tượng. Vì khi họ theo đuổi hình tượng trong sạch, trong veo để nhận được nhiều sự đầu tư từ nhãn hàng quảng cáo nên họ phải giữ. Nhưng như tôi không sống bằng tiền quảng cáo nên trên Facebook tôi thoải mái thể hiện quan điểm. Chắc chắn hình tượng của tôi sẽ không nhãn hàng nào chọn để quảng cáo hết, nhưng hình tượng của tôi đã thế rồi.

Các bạn đã xác định mình là một người nghệ sĩ đẹp phải giữ hình ảnh. Còn khi làm sai, làm mất thì phải chịu thôi. Chuyện quay trở lại đứng trên sân khấu hát, tôi nghĩ đó chỉ là hình thức tìm phản ứng của khán giả như thế nào chắc chắn các bạn đã rất rõ. Khán giả phản ứng nhiều quá thì các bạn sẽ cảm thấy áp lực tâm lý và không thể tiếp tục được. Tuy nhiên cũng có người ai cũng có lúc sai, sai thì phải sửa sai. Nếu họ sửa được cái sai đó và trở nên tốt hơn, thì cũng nên thán phục. Scandal thì có nhiều loại, có những nghệ sĩ bị vô tình vướng vào nhưng tôi nói thật, nhưng có những điều rất khó để sửa sai.

Trong năm 2021 một số nghệ sĩ đã vướng vào ồn ào từ thiện, nhưng cho đến nay họ vẫn tiếp tục đi từ thiện. Anh có nghĩ đó là một sự cố chấp không?

- Ở trên thế giới tôi nói thẳng luôn, không ai đi làm cái gì mà không có lợi. Ngày nay có một số nghệ sĩ làm từ thiện bằng khách hàng, cùng nhau hùn tiền mua một ít quà đến thăm những viện dưỡng lão, người nghèo thế là xong. Tờ báo của tổ chức ra xong chụp ảnh và đưa lên hình ảnh nghệ sĩ làm từ thiện các thứ. Tiếp theo một số bầu show bắt đầu tổ chức một số show ca nhạc lấy danh là show từ thiện. Khi họ đứng ra tổ chức như thế này sẽ có rất nhiều nghệ sĩ đến hát mỗi người khoảng 2, 3 bài hầu như không lấy tiền trong show đấy. Nhưng thực tế họ chỉ giả vờ để làm show đấy kiếm tiền, sau đó họ trích ra khoảng 50 triệu để tổ chức đi kêu gọi từ thiện.

Khi mạng xã hội phát triển, đặc biệt là Facebook tôi thấy một số nghệ sĩ thu hút khán giả bằng nhiều cách khác nhau. Sau khi đạt được mục đích sẽ đưa số tài khoản lên và kêu gọi: "Tôi sẽ làm triệt để", "Chúng ta sẽ cùng nhau làm", "Hãy cùng nhau gửi tiền về cho tôi".. Trong khi đó tôi biết thừa họ đang mua nhà, mua xe hàng tháng trả góp thì lấy tiền ở đâu ra. Thời gian đó đáng lẽ nên dành để đi làm trả góp, chứ làm gì còn lúc nào để đi từ thiện.

Ca sĩ Duy Mạnh: 'Việt Nam hay kiểu giả nghèo giả khổ, nhất là nghệ sĩ đi dép tổ ong, ăn mì tôm, cá khô' Ảnh 6

Tôi rất biết rõ về vấn đề từ thiện này luôn, ở nước ngoài nghệ sĩ không bao giờ chỉ dẫn đến tên tuổi của bản thân. Họ kêu gọi từ thiện vào quỹ vì sẽ có nhiều người quản lý, kiểm toán số tiền đấy. Còn ở Việt Nam hay có kiểu giả nghèo giả khổ, nhất là nghệ sĩ đi dép tổ ong. Ở xã hội rất buồn cười một chỗ là khi một người nghèo người ta ăn một củ khoai, ăn những thứ bình dân thì: "Nhìn anh trông khổ sở thế", nhưng mà một nghệ sĩ đi xe đẹp, ngồi vỉa hè thì được khen: "Ôi anh bình dân thế, anh tử tế thế, anh hòa bình thế" thật sự rất bất công. Chuyện đấy chính là nhiều nghệ sĩ đi dép tổ ong rồi giả vờ ăn mì, ăn cá khô. Dĩ nhiên việc xây dựng hình ảnh không thể can thiệp, họ bỏ tiền túi làm từ thiện là chuyện riêng. Khi làm từ thiện bằng tiền của mình là từ tâm, nhưng khi cầm tiền của người khác là trách nhiệm.

Nhiều nghệ sĩ sau khi vướng vào ồn ào từ thiện bỗng dưng có nhà, có xe. Đông đảo khán giả biết nhưng không thể nói được, theo anh là vì không có bằng chứng hay do nguyên nhân nào khác?

- Nhiều người bị cuồng hóa bởi thần tượng, bị dẫn dắt mà không biết. Cách đây 4 năm trước tôi từng nói về vấn đề này và bị ném đá "tả tơi". Có người muốn nói nhưng vì không đủ tiếng nói. Hiện tại Việt Nam chưa có quy chế về việc cá nhân này gửi cho cá nhân kia để làm từ thiện.

Đúc kết lại những điều Duy Mạnh vừa chia sẻ, anh muốn gửi gắm gì tới con gái vào hành trình sắp tới của con khi chuẩn bị bước vào con đường nghệ thuật đầy thị phi và chông gai?

- Tôi bảo với con trong cuộc sống con đừng ganh đua với ai. Theo tôi thú chơi lành mạnh, khẩn cấp và không mất nhiều tiền đôi khi là nghệ thuật. Trong cuộc sống này, thứ quý giá nhất chính là sức khỏe, điều thứ hai chính là thời gian, thứ ba chính là kinh tế. Quan trọng nhất là khi làm nghệ thuật, bớt sự đố kỵ tinh thần mới thoải mái đặc biệt là con gái.

- Cảm ơn Duy Mạnh rất nhiều về những chia sẻ với SAOstar. Chúc anh và Thu Cầm sẽ gặt hái nhiều thành công trên con đường nghệ thuật!

Cùng chuyên mục

Tin mới

Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.