Cán bộ liên tục bị bắt vì đánh bạc, một hiện tượng đáng báo động
Cán bộ phải là những người gương mẫu trong mọi mặt của đời sống xã hội, tuy nhiên thời gian qua việc cơ quan điều tra liên tục bắt giữ cán bộ đánh bạc ở Thanh Hóa để xem xét xử lý hình sự là chuyện rất đáng buồn nhưng đó cũng là sự thật đang diễn ra ở một số nơi.
Không riêng gì Thanh Hóa, thời gian qua nhiều địa phương cơ quan điều tra cũng đã khởi tố hình sự và xử lý đối với nhiều cán bộ do có thực hiện hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc và gá bạc, nhiều người đã bị phạt tù. Tuy nhiên, hiện tượng này có vẻ không thuyên giảm. Đặc biệt là những dịp đầu năm hoặc những khi nội bộ mất đoàn kết lại có những đơn thư tố cáo về hành vi đánh bạc của một số cán bộ ở địa phương…
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, pháp luật Việt Nam xác định “cờ bạc”, “mại dâm”, “ma tuý” là các tệ nạn xã hội. Người tham gia, thực hiện các hoạt động, hành vi vi phạm pháp luật trong các tệ nạn xã hội này có thể bị suy thoái về đạo đức, lối sống, là nguồn cơn để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác. Những hành vi này thể hiện sự lười nhác, sa đọa, hưởng thụ, làm xấu đi hình ảnh, nhân cách của bản thân, mất niềm tin đối với quần chúng, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Tệ nạn này len lỏi trong khắp các bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có những giáo viên ngày đứng trên bục giảng, tối về lại ngồi chiếu bạc…
Có thể số ít người dân không hiểu tính chất nguy hiểm của các loại tệ nạn xã hội hoặc do cuộc sống đưa đẩy khiến họ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, với cán bộ, công chức, viên chức, những người có trình độ học thức, có địa vị trong xã hội thì chắc chắn họ hiểu rõ đây là những hành vi mà pháp luật cấm; với cán bộ, đảng viên thì đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Đảng, vi phạm về đạo đức cán bộ. Bởi vậy, những hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc của cán bộ sẽ phải chịu những chế tài nghiêm khắc, Luật sư Cường nêu quan điểm.
Biết là hành vi vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi chỉ có thể là biểu hiện của việc coi thường pháp luật, biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật này, có thể là “nhàn cư vi bất thiện”, thiếu cống hiến, đóng góp nên tìm cách tiêu khiển dẫn đến việc thực hiện hành vi phạm tội; cũng có người có thể bị người khác rủ rê, lôi kéo, vì nể nang mà tham gia; có người vì thói quen xấu của khu vực, địa phương trong mỗi dịp lễ, tết, tụ họp… Dù là lý do gì thì hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc cũng là hành vi vi phạm pháp luật, sự việc được bắt quả tang nên rất khó có thể biện minh cho hành vi của mình.
Luật sư Cường cho biết, với số tiền đánh bạc từ 5.000.000 đồng trở lên thì tất cả những người tham gia , những người tổ chức đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đánh bạc”, “Tổ chức đánh bạc” và “Gá bạc” theo quy định của bộ luật hình sự hiện hành.
Tội danh và hình phạt liên quan đến hành vi đánh bạc được Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:
Điều 321. Tội đánh bạc
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 322. Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc
1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
b) Sử dụng địa điểm thuộc quyền Sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
c) Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên;
d) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương, tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự thì hành vi đánh bạc với số tiền từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì người phạm tội sẽ phải đối mặt với mức hình phạt là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trong trường hợp tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá từ 50.000.000 đồng trở lên thì hình phạt là phạt tù từ 03 năm đến 07 năm tù.
Với những vụ việc đánh bạc, tổ chức đánh bạc thường là bắt quả tang, có người làm chứng, thu được tiền, hiện vật trên chiếu bạc bởi vậy những người có mặt rất khó có thể chối cãi được hành vi của mình. Với số tiền đánh bạc trị giá từ 50.000.000 đồng trở lên thì những người trong vụ việc nêu trên sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 03 năm đến 07 năm tù.
Ngoài ra, theo quy định của Điều lệ Đảng, Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức thì những cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên tham gia đánh bạc xử lý hình sự thì có thể sẽ bị cách chức, buộc thôi việc và kỉ luật với mức cao nhất là khai trừ ra khỏi đảng.
Với những người tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc hoặc sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình cho 10 người khác đánh bạc trở lên trong cùng một lúc với số tiền từ 5.000.000 đồng trở lên thì những người này được xác định là hành vi tổ chức đánh bạc và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 322 Bộ luật Hình sự. Với hành vi tổ chức đánh bạc và gá bạc thì mức hình phạt nghiêm khắc hơn là hành vi đánh bạc, người vi phạm có thể đối mặt với mức hình phạt lên đến 10 năm tù theo quy định tại Điều 322 Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật sư Cường nói.
Thật đáng tiếc cho những cán bộ được đánh giá là có năng lực, có triển vọng, có hi vọng được bầu cử, bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng mà lại bị phát hiện, xử lý về hành vi đánh bạc, hủy hoại tất cả tương lai, sự nghiệp, bản thân dính vào vòng lao lý. Với những cán bộ thoái hóa, biến chất, sống sa đọa, sa đà vào những tệ nạn xã hội mà bị phát hiện sớm trước khi chuẩn bị nhân sự trong các kỳ đại hội thì việc phát hiện xử lý là cần thiết để loại khỏi bộ máy công quyền những người không đủ phẩm chất, làm trong sạch đội ngũ cán bộ.