Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 04/08/2023 08:01 (GMT+7)

Cảnh báo cuộc gọi lừa đảo giả mạo các nhà mạng khóa sim điện thoại

Thời gian qua, trên địa bàn TP. Hà Nội đã xuất hiện phương thức lừa đảo bằng thủ đoạn giả danh nhân viên của các nhà mạng, gọi điện thoại tới khách hàng thông báo khóa sim rồi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Cảnh báo cuộc gọi lừa đảo giả mạo các nhà mạng khóa sim điện thoại

Ảnh minh họa.

Mới đây, Công an quận Long Biên, TP. Hà Nội đang xác minh, điều tra vụ giả danh nhân viên nhà mạng, lừa đảo chiếm đoạt 400 triệu đồng của người dân. Theo đó, vào sáng ngày 26/7/2023, anh Đ. (Sinh năm 1980; trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội), nhận được cuộc gọi của một người tự giới thiệu là nhân viên nhà mạng thông báo khóa sim do số điện thoại liên quan đến vi phạm pháp luật.

Sau đó, người này kết nối anh Đ. nói chuyện với một đối tượng khác tự xưng là cán bộ Công an TP. Hà Nội. Các đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng và mã OTP để kiểm tra. Sau đó, anh Đ. phát hiện tài khoản bị mất 400 triệu đồng, nên đã đến Công an phường Thượng Thanh, quận Long Biên trình báo.

Ngay khi tiếp nhận tin báo, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an quận Long Biên đã vào cuộc điều tra, xác minh.

Công an TP. Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Với các vấn đề liên quan đến sim điện thoại hoặc nếu có vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng dịch vụ của nhà mạng, người dân cần liên hệ đường dây nóng của nhà mạng hoặc tới các phòng giao dịch để được tư vấn giải quyết kịp thời. Tuyệt đối không làm theo bất kỳ yêu cầu của các số lạ gọi đến. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

Trước đó, theo Bộ Công an, hiện có 24 hình thức lừa đảo qua mạng mà các đối tượng nhắm vào người dân. Để tránh trở thành nạn nhân, người dân cần nắm bắt, tuyên truyền cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp.

Bộ Công an cho biết, đang có 03 nhóm lừa đảo chính, như: giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác. 24 hình thức lừa đảo ở 3 nhóm này nhắm vào người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, thanh niên, công nhân, người lao động và nhân viên văn phòng.

Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này được xác định đến từ nhận thức của người sử dụng. Các cuộc tấn công mạng có xu hướng tập trung chủ yếu vào con người thay vì máy móc, thiết bị.

Theo Bộ Công an, việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số một cách bền vững. Đây là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách trong thời đại số hóa, bảo vệ an toàn thông tin cho mọi đối tượng tham gia hoạt động trên môi trường mạng.

24 hình thức lừa đảo qua mạng hiện nay gồm:

- Lừa đảo "combo du lịch giá rẻ";

- Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice;

- Lừa đảo "khóa SIM" vì chưa chuẩn hóa thuê bao;

- Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công;

- Giả danh giáo viên, nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu;

- Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí;

- Thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng;

- Cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen…;

- Giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (BHXH, ngân hàng…);

- Lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo;

- Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp;

- Lừa đảo tuyển cộng tác viên online;

- Đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo;

- Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo;

- Rao bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử;

- Đánh cắp thông tin CCCD đi vay nợ tín dụng;

- Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng;

- Lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa;

- Lừa đảo lấy cắp Telegram OTP;

- Lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI;

- Lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook;

- Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng…;

- Rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook;

- Lừa đảo cho số đánh đề.

Cùng chuyên mục

Cẩn trọng với ứng dụng VNeID giả mạo
Thời gian qua, tại tỉnh Bình Dương và nhiều địa phương xuất hiện các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách giả danh cán bộ của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội công an tỉnh và các đơn vị Công an xã, phường, thị trấn trên địa bàn hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo.

Tin mới

Uống hoa đu đủ đực có chữa được bệnh ung thư như ‘truyền miệng’?
Dù chưa có một bằng chứng khoa học nào về việc hoa đu đủ đực có thể chữa khỏi ung thư, thế nhưng trong thời gian qua, trên các trang mạng xã hội liên tục chia sẻ thông tin hoa đu đủ đực ngâm mật ong có thể chữa được rất nhiều bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư. Theo đó, các bác sĩ cảnh báo, uống hoa đu đủ với hi vọng chữa ung thư khiến người bệnh dễ mất cơ hội điều trị ở giai đoạn sớm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Chứng chỉ ngoại ngữ bảo đảm chất lượng vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng
Liên quan đến kết quả thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc IDP cấp trái phép hơn 56.000 chứng chỉ IELTS ở Việt Nam, chiều ngày 09/5, Bộ này khẳng định: Các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp, khi đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng, sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường theo quy định về thi, tuyển sinh và đào tạo, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ.