Cảnh báo người dân không cho thuê thông tin cá nhân, mua bán tài khoản ngân hàng
Đại diện Công an TP. HCM cảnh báo người dân thực hiện hành vi mua bán tài khoản ngân hàng sẽ bị xử lý về hành vi “Mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng”.
Liên quan đến tội phạm lừa đảo công nghệ cao chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, tại họp báo định kỳ cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội của TP. HCM, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP. HCM cho biết có hàng chục thủ đoạn khác nhau của các đối tượng phạm tội.
Đáng chú ý, khi yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào các số tài khoản ngân hàng, các đối tượng lừa đảo không trực triếp đến ATM để rút tiền mà chuyển tiền lòng vòng qua các tài khoản ngân hàng khác nhau bằng dịch vụ “internet banking”.
Hầu như các tài khoản nhận tiền từ hoạt động lừa đảo đều được đối tượng thuê người khác đứng tên đăng ký. Các đối tượng còn yêu cầu nạn nhân trực tiếp mở tài khoản ngân hàng, đăng ký dịch vụ internet banking rồi chuyển tiền vào.
Sau đó, nạn nhân phải cung cấp mã thẻ, số tài khoản điện tử và mã OTP. Khi nạn nhân cung cấp xong, các đối tượng đăng nhập được vào tài khoản nhanh chóng chuyển tiền sang tài khoản khác. Thời gian luân chuyển dòng tiền diễn ra ngay lập tức sau khi nạn nhân chuyển tiền.
Đường đi của dòng tiền lừa đảo được các đối tượng trong băng nhóm chuẩn bị, tính toán kỹ để đối phó cơ quan Công an điều tra, truy vết.
Nhận được tiền do nạn nhân chuyển, các đối tượng sẽ chuyển liên tiếp sang nhiều tài khoản khác, chia nhỏ số tiền vừa chiếm đoạt ra để gửi hoặc sử dụng tiền lừa đảo được để mua hàng hóa điện tử tại các trang thương mại của nước ngoài, chuyển tiền vào ví điện tử, mua thẻ cào điện thoại, thẻ game; hoàn toàn không rút tiền mặt truyền thống như trước.
Đáng chú ý, hiện nay nay lợi dụng tình hình kinh tế có nhiều khó khăn, nhiều người dân thiếu hiểu biết về pháp luật, không nhận diện được thủ đoạn tội phạm nên các đối tượng thường lôi kéo, dẫn dụ thuê mướn để sử dụng thông tin, giấy tờ cá nhân đăng ký mở tài khoản ngân hàng.
Sau đó, các đối tượng thu mua lại với giá từ 500 đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, các đối tượng thuê mướn yêu cầu người bán tài khoản gửi qua đường xe khách, bưu điện đến địa điểm đối tượng cung cấp, hoàn toàn không gặp mặt trực tiếp.
Đa phần những người được thuê mở tài khoản vì hoàn cảnh khó khăn, không biết việc mình mở tài khoản để bán, cho thuê, cho mượn là vi phạm pháp luật.
Phần lớn, các đối tượng chủ mưu các đường dây lừa đảo là người nước ngoài, câu kết với các đối tượng người Việt Nam phân công việc tìm người cung cấp số tài khoản để nhận tiền lừa đảo, mỗi số tài khoản thuê thì đối tượng trả công từ 400.000 đồng đên 700.000 đồng.
Đại diện Công an TP. HCM cảnh báo người dân thực hiện hành vi mua bán tài khoản ngân hàng sẽ bị xử lý về hành vi “Mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng”.
Tùy theo tính chất vi phạm có thể bị xử phạt với mức phạt tiền từ 40 đến 100 triệu đồng theo khoản 5, khoản 6, khoản 10 Điều 26 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án cao nhất lên đến 7 năm tù theo Điều 291, Bộ luật Hình sự.