Cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết do khí hậu ấm lên
Khi môi trường sống truyền thống tiếp tục nóng lên, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sẽ bị đẩy tới những khu vực mới mà trước đây chúng chưa từng sinh sống.
Sốt xuất huyết là bệnh lây truyền do muỗi Aedes aegypti gây ra ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, nơi khí hậu thường không có mùa lạnh rõ rệt để côn trùng ngủ đông. Phát triển từ khi nhiễm virus sốt xuất huyết, bệnh có thể dẫn đến sốt cao, nhức đầu, nôn mửa và xuất huyết dưới da.
Với tên gọi khác là "sốt gãy xương", sốt xuất huyết sẽ gây đau nhức xương khớp và co thắt cơ. Phụ nữ mang thai và những người từng mắc sốt xuất huyết trước đây đặc biệt dễ bị tổn thương bởi căn bệnh này.
Dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy khoảng 5% số người mắc sẽ phát bệnh sốt xuất huyết thể nặng, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chỉ số máu và dẫn đến xuất huyết ồ ạt. Và khoảng 1% bệnh nhân có thể phát bệnh cực nặng với nguy cơ tử vong cao. Căn bệnh này đặc biệt phổ biến ở châu Á và châu Mỹ Latinh, nơi xảy ra khoảng 20.000 ca tử vong mỗi năm.
Khi giới chức y tế các nước bắt đầu dự đoán về số ca nhiễm sốt xuất huyết cao kỷ lục vào cuối năm nay, nhà khoa học trưởng tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng căn bệnh này sẽ bắt đầu lan sang các khu vực phi nhiệt đới khác trên thế giới, bao gồm châu Âu, Bắc Mỹ và các khu vực phía Nam châu Phi.
WHO giải thích điều này là do tác động ngày càng gia tăng của hiện tượng nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu gây ra. Khi môi trường sống truyền thống tiếp tục nóng lên, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sẽ bị đẩy tới những khu vực mới mà trước đây chúng chưa từng sinh sống.
Nhà khoa học trưởng của WHO Jeremy Farrar cho biết: “Chúng ta cần thảo luận chủ động hơn nhiều về bệnh sốt xuất huyết. Chúng ta cần thực sự chuẩn bị cho các quốc gia về cách họ sẽ đối phó với áp lực sẽ xảy ra trong tương lai ở rất nhiều thành phố lớn”.
Dịch sốt xuất huyết thường bùng phát ở các nước Nam Á vào mùa gió mùa từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm - thời điểm mà muỗi Aedes aegypti phát triển mạnh.
Kể từ năm 2000, tỷ lệ sốt xuất huyết trên toàn cầu đã tăng khoảng 8 lần, do biến đổi khí hậu toàn cầu gia tăng và hậu quả là nhiệt độ tăng đột biến. Năm ngoái, có khoảng 4,2 triệu ca mắc. Và dự kiến năm 2023 sẽ chứng kiến con số cao kỷ lục.
Bệnh sốt xuất huyết có thể được phòng ngừa bằng vaccine Qdenga của công ty dược phẩm Takeda. Loại vaccine này hiện chỉ được WHO khuyến nghị cho trẻ em từ 6-16 tuổi ở những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này.
Bangladesh là một trong những quốc gia đang đối mặt với đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Dữ liệu chính thức cho thấy, trong hơn 10 tháng đầu năm nay, nước này ghi nhận gần 292.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết và gần 1.500 ca tử vong. Số ca không qua khỏi từ đầu năm đến nay cao gấp 5 lần so với năm 2022 (281 ca) và là mức cao nhất kể từ khi các dữ liệu bắt đầu được thu thập năm 2000.