Cấp phép cho DN gây ô nhiễm sông Cầu - Có hay không lợi ích nhóm?
Ô nhiễm môi trường nước sông Cầu thời gian gần đây đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.
Sự việc cá chết hàng loạt, dạt trắng hai bờ sông Cầu tái diễn hàng năm mặc dù đã xác định được nguồn gây ô nhiễm môi trường nhưng không được xử lý thỏa đáng, điều này không tránh khỏi sự nghi vấn, khó hiểu về trách nhiệm quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng thuộc các tỉnh trong lưu vực sông Cầu.
Trong số báo trước, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có bài "Ô nhiễm sông Cầu - sự yếu kém của Uỷ ban Bảo vệ Môi trường lưu vực sông Cầu" có đề cập đến trách nhiệm bảo vệ dòng sông này gồm: Bộ Tài Nguyên và Môi trường; Uỷ Ban Bảo vệ Môi trường lưu vực sông Cầu; UBND các địa phương thuộc lưu vực sông. Trong đó, có câu hỏi lớn là tại sao doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Phú Lâm sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất xả thải gây ô nhiễm môi trường nhiều lần, song vẫn được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép nhập khẩu phế liệu để sản xuất?
Nguyên nhân gây ra sự cố cá chết hàng loạt dọc hai bờ sông tại huyện Việt Yên, Yên Dũng của tỉnh Bắc Giang cũng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường mà trực tiếp là Tổng cục Môi trường, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu và chính quyền địa phương các tỉnh thuộc lưu vực sông xác định nguồn gây ô nhiễm môi trường nước sông Cầu khu vực giáp ranh giữa tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang là từ sông Ngũ Huyện Khê - một chi lưu của sông Đuống, đổ vào sông Cầu tại xã Hòa Long thuộc thành phố Bắc Ninh - nơi tiếp nhận nước thải sản xuất từ hoạt động làng nghề Phong Khê và Cụm công nghiệp Phú Lâm thuộc tỉnh Bắc Ninh với lưu lượng khoảng 10.000 m3/ngày đêm, trong khi đó, nhà máy xử lý nước thải chỉ có công suất 5.000 m3/ngày đêm và chưa có hệ thống đấu nối thu gom đồng bộ.
Khó hiểu hơn bởi đã xác định được nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước sông Cầu, đã xác định được các cơ sở xả thải không đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường mà vấn đề nước sông Cầu bị ô nhiễm vẫn không được giải quyết. Đến hẹn lại lên, nước sông cứ đen, cá cứ chết và doanh nghiệp cứ sản xuất, hiên ngang xả thải. Một số doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Phú Lâm, tỉnh Bắc Ninh sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, ngày đêm xả thải hàng nghìn m3 nước thải gây ô nhiễm môi trường nhiều lần, song ngày 08/6/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn ký giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu để sản xuất đối với Công ty Giấy và Bao bì Phú Giang.
Theo Báo cáo kết quả thanh tra số 16/BC-ĐTTrLN2 ngày 17/5/2018 của Đoàn Thanh tra liên ngành tỉnh Bắc Ninh thành lập theo Quyết định số 809/QĐ-UBND ngày 26/6/2017 về việc thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Cụm công nghiệp Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh và Quyết định số 1095/QĐ-UBND ngày 11/8/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh thì Đoàn Thanh tra liên ngành tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức thực hiện việc thanh tra, ngày 17/5/2018, Đoàn Thanh tra có báo cáo kết quả thanh tra.
Ngay trước khi Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất gần một tháng (Số 72/GXN-BTNMT ngày 08/6/2018), rồi sau đó, UBND tỉnh Bắc Ninh ra tiếp văn bản số 2234/KL-UBND ngày 25/6/2018 Kết luận thanh tra về việc thanh tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Cụm công nghiệp Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh; trong đó nêu rõ tại Phụ lục 05A rất nhiều cơ sở, doanh nghiệp không xây lắp công trình bảo vệ môi trường và hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất trong Cụm công nghiệp Phú Lâm có hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải… trong đó có Công ty giấy và bao bì Phú Giang, vậy mà ngày 08/6/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn “làm ngơ” ký cấp giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cho doanh nghiệp này với công suất rất lớn.
Đặc biệt là trước khi Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cho Công ty giấy và bao bì Phú Giang mặc dù trong khi Đoàn Thanh tra liên ngành tỉnh Bắc Ninh thanh tra rồi có Kết luận trên thì Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh vẫn ký xác nhận vào báo cáo của doanh nghiệp “Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tạo điều kiện, giúp đỡ doanh nghiệp” dù trong Báo cáo số 36 ngày 22/3/2018 của Công ty giấy và bao bì Phú Giang nêu rõ là doanh nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải bảo đảm và báo cáo không đúng về các hoạt động xử lý chất thải của doanh nghiệp, nhất là về xử lý nước thải.
Ở đây người dân và dư luận đặt ra câu hỏi rất lớn về công tác quản lý môi trường, xem xét thực tế trước khi cấp phép cho doanh nghiệp sản xuất, tái chế phế liệu gây ô nhiễm môi trường, xả nước thải trực tiếp ra sông Ngũ Huyện Khê làm ô nhiễm môi trường sông Cầu suốt nhiều năm qua. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, Bộ Tài nguyên và Môi trường như thế nào khi cho phép các doanh nghiệp như vậy? Có hay không việc “lợi ích nhóm” “tiếp tay” cho doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường sông Cầu thời gian qua không? Và hơn hết, việc giải quyết hậu quả của việc ô nhiễm môi trường nước sông Cầu là việc cần thiết, cần phải triển khai sớm, thực hiện việc xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại do việc ô nhiễm môi trường gây ra./.