Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 30/05/2022 09:40 (GMT+7)

Chìm trong nợ nần, Hải Phát Invest xoay xở thế nào để trả nợ trái phiếu?

Tại thời điểm 31/12/2021, tổng dư nợ trái phiếu của Hải Phát Invest là 3.957 tỷ đồng - tăng gần 132% so với cuối năm 2020. Trong đó, số phải trả trong vòng 12 tháng là 1.788 tỷ đồng.

Nợ gốc trái phiếu đến hạn trong năm 2022 của Hải Phát Invest thậm chí còn lớn hơn doanh thu của cả năm 2021 (1.417 tỷ đồng).

Trong Báo cáo thường niên 2022, ông Đỗ Quý Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, mã chứng khoán: HPX) đã công bố thông điệp: “2022 tăng tốc và bứt phá”. Ông Hải khẳng định, với những tín hiệu lạc quan từ nền kinh tế, cùng chiến lược “tích cốc phòng cơ” trong năm 2021, Hải Phát Invest đặt quyết tâm hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2022, tạo tiền đề bứt phá cho các năm tiếp theo. Đồng thời, Công ty cũng đặt mục tiêu kế hoạch kinh doanh những năm tiếp theo với tỷ lệ tăng trưởng tối thiểu là 15%.

Mặc dù vậy, Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 của Hải Phát Invest lại cho thấy, doanh thu bán hàng chỉ đạt 56 tỷ đồng – giảm gần 78% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Hải Phát Invest lỗ gộp 535 triệu đồng; và nhờ có gần 30 tỷ lợi nhuận từ hoạt động tài chính, doanh nghiệp này mới đạt được mức 21,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - giảm 70% so với đầu năm 2021.

Với kế hoạch đạt 2.700 tỷ đồng doanh thu và 450 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm “2022 tăng tốc và bứt phá” này; như vây, sau 3 tháng đầu năm, Hải Phát Invest hiện chỉ mới hoàn thành được 2% kế hoạch lợi nhuận và 4,6% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

Kết quả kinh doanh “tụt dốc” đã khiến cổ phiếu HPX của Hải Phát Invest cũng liên tục rớt giá “thê thảm”. Thế nhưng, vấn đề khiến giới đầu tư lo ngại hơn cả đó chính là khả năng thanh khoản của Hải Phát Invest.

Những khoản nợ trái phiếu “khổng lồ” sắp đến hạn

Tại thời điểm ngày 31/03/2022, tổng nợ của Hải Phát Invest là 6.743 tỷ đồng – tăng 691 tỷ đồng tương đương 10,2% so với thời điểm cuối năm 2021. Trong đó, nợ ngắn hạn và dài hạn bằng trái phiếu là 4.610 tỷ đồng - chiếm tới gần 70% tổng nợ và tăng 16,5% so với thời điểm cuối năm 2021.

Trước đó, Báo cáo tài chính 2021 hợp nhất đã kiểm toán của Hải Phát Invest cho thấy, tại thời điểm 31/12/2021, tổng dư nợ trái phiếu của Hải Phát Invest là 3.957 tỷ đồng - tăng gần 132% so với cuối năm 2020. Trong đó, số phải trả trong vòng 12 tháng là 1.788 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ gốc trái phiếu đến hạn trong năm 2022 của Công ty này còn lớn hơn doanh thu của cả năm 2021 (1.417 tỷ đồng).

Theo thuyết minh, các khoản vay trái phiếu của Hải Phát Invest chịu lãi suất từ 8,8%-11%/năm. Đây là mức lãi suất thuộc nhóm cao nhất trên thị trường trong năm 2021, mà một trong những lý do khiến mức lãi suất cao “ngất ngưởng” như vậy là vì các khoản vay trái phiếu này của Hải Phát Invest được đảm bảo một phần hoặc đảm bảo toàn bộ bằng cổ phiếu. Thời điểm cuối năm 2021, tổng các khoản vay trái phiếu đảm bảo bằng cổ phiếu của Hải Phát Invest đã lên tới gần 2.416 tỷ đồng.

Chìm trong nợ nần, Hải Phát Invest xoay xở thế nào để trả nợ trái phiếu? ảnh 1
Chủ tịch Đỗ Quý Hải đang rất vất vả chèo lái "con thuyền" Hải Phát Invest đi qua những khó khăn.

Theo các chuyên gia tài chính, điều kiện trả lãi 3 tháng/lần hoặc 6 tháng/lần đối với tùy từng khoản vay gây áp lực trả lãi rất lớn lên Hải Phát Invest trong thời gian tới; trong khi việc dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo đang gặp rủi ro rất lớn, bởi vì giá cổ phiếu HPX đã giảm tới hơn 30% kể từ khi đạt đỉnh (giá đỉnh đạt được trong giai đoạn doanh nghiệp phát hành lượng lớn trái phiếu). Khi giá cổ phiếu giảm, đồng nghĩa với việc giá trị tài sản đảm bảo giảm mạnh, các khoản vay nói trên sẽ phải bổ sung tài sản đảm bảo đồng loạt tại cùng một thời điểm. Đây chính là áp lực cực lớn lên dòng tiền ngắn hạn của Hải Phát Invest.

Và trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản đang bị ‘siết chặt” nhằm chấn chỉnh, thanh lọc và hoàn thiện thị trường, việc phát hành trái phiếu mới để đảo nợ của Hải Phát Invest sẽ rất khó khăn.

Chỉ số khả năng thanh toán giảm mạnh

Có thể nhận thấy rằng, chỉ số về khả năng thanh toán nhanh của Hải Phát Invest đã giảm rất mạnh. Tại thời điểm cuối quý I/2022, chỉ số này chỉ còn 0,75 – tiếp tục giảm so với con số 0,83 ghi nhận cuối năm 2021 và 1,15 ghi nhận cuối năm 2020. Được biết, chỉ số khả năng thanh toán nhanh dưới 1 như của Hải Phát Invest thể hiện trạng thái thanh toán dưới mức an toàn của một công ty.

Trở lại với Báo cáo tài chính năm 2021, với việc tích cực phát hành trái phiếu, tổng nợ của Hải Phát Invest đã “phình to” khi tăng hơn 60%, từ 3.757 tỷ đồng lên mức 6.051 tỷ đồng và kéo theo việc tăng lên của chi phí lãi vay trong năm 2022.

Đáng chú ý, nếu loại trừ khoản lợi nhuận 338 tỷ đồng từ việc bán 27% cổ phần tại Công ty con (Công ty Đầu tư và Kinh doanh BĐS Hải Phát – Hải Phát Land) cho các cá nhân và loại trừ khoản lãi từ việc chuyển nhượng 20% trong Hải Phát Land trong năm 2020 được chuyển từ lợi nhuận chưa phân phối sang doanh thu hoạt động tài chính, thì EBIT (lợi nhuận trước thuế và lãi vay) của Hải Phát Invest chỉ đạt 297 tỷ đồng trong năm 2021 - trong khi chi phí tài chính đã chiếm gần 247 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Hải Phát Invest trong năm 2021 cũng âm gần 3.000 tỷ đồng.

Bộ Tài chính sẽ kiểm tra “kỹ” những đơn vị phát hành trái phiếu với lãi suất cao

Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị về kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu Vụ Tài chính ngân hàng khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2021/NĐ-CP của Chính phủ về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước, chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế trình Chính phủ ban hành trong tháng 4/2022.

UBCKNN được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng và các đơn vị liên quan rà soát quy định tại Luật Chứng khoán và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán để sửa đổi quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đảm bảo phù hợp với thực tế, đồng thời, sớm báo cáo Bộ ban hành các Thông tư hướng dẫn về hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bộ Tài chính giao Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội rà soát tổng thể các doanh nghiệp phát hành còn dư nợ trái phiếu riêng lẻ để đánh giá theo các tiêu chí về khối lượng phát hành, phát hành lãi suất cao, doanh nghiệp có tính hình tài chính kém, mục đích phát hành không rõ ràng, trái phiếu không có TSĐB và không được bảo lãnh thanh toán; trái phiếu có tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường thứ cấp cao, phục vụ công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra. Giao UBCKNN phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai kiểm tra tình hình phát hành, giao dịch, cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp.

Trường hợp qua kiểm tra phát hiện doanh nghiệp không tuân thủ các quy định về công bố thông tin, về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, quy định của pháp luật có liên quan. Nếu phát hiện có hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển ngay cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.

Về giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Bộ Tài chính yêu cầu UBCKNN có văn bản chỉ đạo các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ chấn chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Đối với các tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu, Bộ Tài chính giao UBCKNN chỉ đạo rà soát toàn bộ các trái phiếu doanh nghiệp đang được đăng ký, lưu ký về khối lượng trái phiếu đăng ký, lưu ký, tình hình thanh toán gốc, lãi, số lượng và loại hình nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu tính đến thời điểm 15/4/2022, báo cáo về Bộ Tài chính và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội trước ngày 30/4/2022.

Cùng chuyên mục

14 năm MCC.GROUP kiến tạo giá trị cho ngành dịch vụ
Câu chuyện về MCC.GROUP Việt Nam bắt đầu từ một cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ, nơi lời khuyên của một vị lãnh đạo quốc tế đã thắp lên ngọn lửa đam mê trong một doanh nhân trẻ tuổi. Hơn một thập kỷ qua, MCC.GROUP, dưới sự dẫn dắt của Tổng Giám đốc Mai Quốc Việt, đã trở thành minh chứng cho sự tận tâm, sáng tạo và quyết tâm không ngừng nghỉ trong lĩnh vực dịch vụ công nghiệp.
BOMBIT EHL BIO Việt Nam: “Lừa đảo” mỹ phẩm tế bào gốc để trục lợi?
Những sản phẩm Bombit của viện nghiên cứu Tế bào gốc Y học tái tạo EHL BIO Hàn Quốc đang được công ty Cindel Tox nhập khẩu dưới dạng trang thiết bị y tế loại A. Đáng nói, trong thành phần khai báo với Bộ Y tế Việt Nam không có tế bào gốc nhưng khi bán ra thị trường, sản phẩm đuợc giới thiệu chứa dịch chiết tế bào gốc mô mỡ người.

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...