Chính sách mới về giáo dục có hiệu lực từ tháng 12
Từ tháng 12/2024, các chính sách liên quan đến thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên và giá dịch vụ giáo dục, đào tạo sẽ có hiệu lực.
Quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên
Ngày 30/10/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học. Thông tư này thay thế Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT ngày 30/11/2021 của Bộ GDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Thông tư có một số điểm quy định mới và điều chỉnh so với Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT. Cụ thể, Thông mới không quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi thăng hạng do Chính phủ đã bỏ hình thức thi thăng hạng; không quy định nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng do Chính phủ đã quy định chi tiết tại Nghị định số 85/2023/NĐ-CP.
Thông tư mới quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng lên hạng II và hạng I đối với giáo viên mầm non, phổ thông, giáo viên dự bị đại học.
Theo yêu cầu của Chính phủ, để bảo đảm yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ, ngoài tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP, Bộ GDĐT quy định bổ sung một số tiêu chuẩn, điều kiện.
Về tiêu chuẩn xếp loại chất lượng trong thời gian công tác, trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III và tương đương, có 2 năm (đối với mầm non) và 3 năm (đối với phổ thông, dự bị đại học) công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được xếp loại chất lượng ở mức “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên.
Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II và tương đương, có 5 năm trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được xếp loại chất lượng ở mức “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên, trong đó có ít nhất 2 năm được xếp loại chất lượng ở mức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Thông tư mới cũng quy định cụ thể việc xác định thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp tương đương tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc tính thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề khi giáo viên đăng ký dự thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/12/2024.
Quy trình xây dựng, thẩm định, phương pháp định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo
Ngày 31/10/2024, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 14/2024/TT-BGDĐT hướng dẫn quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 16/12/2024.
Theo Thông tư, giá dịch vụ giáo dục, đào tạo là toàn bộ các khoản chi phí thực tế hợp lý phát sinh để hoàn thành việc giáo dục, đào tạo cho người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành, bao gồm chi phí tiền lương, chi phí vật tư, chi phí quản lý, chi phí khấu hao/hao mòn tài sản cố định, các chi phí khác và tích lũy (nếu có) hoặc lợi nhuận (nếu có). Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo được phân biệt theo cấp học, trình độ, lĩnh vực, ngành, nhóm ngành, chương trình đào tạo và hình thức giáo dục, đào tạo; được điều chỉnh hằng năm khi các yếu tố hình thành giá dịch vụ giáo dục, đào tạo thay đổi.
Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo xác định theo công thức sau:
Trong đó, chi phí tiền lương gồm các khoản tiền phải trả cho giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý và người lao động trực tiếp tham gia thực hiện dịch vụ giáo dục, đào tạo gồm tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và các chi phí khác phải chi trả theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chi phí vật tư là chi phí phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập, thực hành, thực nghiệm và nghiên cứu khoa học; hoạt động cung cấp dịch vụ gồm: chi phí văn phòng phẩm, công cụ, dụng cụ, điện nước... và các chi phí khác được xác định trên cơ sở mức tiêu hao vật tư và đơn giá vật tư. Chi phí quản lý là chi phí phục vụ các phòng, ban của bộ phận quản lý trong cơ sở giáo dục, bao gồm chi phí tuyển sinh; các khoản chi mua và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế...
Chi phí khấu hao hoặc hao mòn tài sản cố định là chi phí khấu hao hoặc hao mòn nhà cửa, máy móc thiết bị và các tài sản cố định khác sử dụng trong hoạt động cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo được tính theo quy định của Bộ Tài chính và lộ trình kết cấu chi phí khấu hao hoặc hao mòn tài sản cố định vào giá dịch vụ giáo dục, đào tạo do cơ quan có thẩm quyền quy định.
Chi phí khác gồm các loại thuế khác theo quy định, tiền thuê đất và các khoản phí, lệ phí khác.