Chủ doanh nghiệp gây tai nạn chết người rồi cho tài xế ‘thế thân’ sẽ bị xử lý thế nào?
Được biết, Cơ quan CSĐT Công an H.Trần Đề (Sóc Trăng) đã tạm giữ hình sự ông Phạm Văn Són.
Theo điều tra ban đầu, công an xác định khoảng 21 giờ ngày 14/5, anh Lý Sà Rích (38 tuổi, ở ấp An Hòa 1, xã Thạnh Thới An, H. Trần Đề) chạy xe trên tuyến tỉnh lộ 935, theo hướng từ TP. Sóc Trăng đi TX. Vĩnh Châu.
Khi đến đoạn thuộc ấp Chắc Tưng, xã Tài Văn (H.Trần Đề), anh Rích dừng xe bên đường thì bất ngờ bị xe ô tô chạy cùng chiều đâm từ phía sau.
Cú tông mạnh khiến anh Rích văng xuống lề đường tử vong tại chỗ. Sau khi gây tai nạn, người điều khiển xe ô tô bỏ mặc nạn nhân, tiếp tục bỏ chạy về hướng TX.Vĩnh Châu. Tại hiện trường, xe anh Rích bị đẩy xa khoảng 15m, hư hỏng nặng. Người dân địa phương phát hiện vụ việc liền trình báo công an.
Một cán bộ Phòng Tham mưu Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, sáng ngày 15/5, tài xế của ông Phạm Văn Són đến cơ quan điều tra nhận đã gây ra vụ tai nạn chết người. Tuy nhiên, cơ quan điều tra vẫn đặt dấu hỏi và đấu tranh với ông này. Đến chiều 15/5, ông Són thừa nhận chính ông mới là người đã lái xe gây tai nạn nhưng cho tài xế nhận tội thay mình.
Khai nhận gây ra vụ tai nạn chết người, theo ông Són, cho biết chiều 14/5, ông lái xe BS 83L – 1837, chạy từ TX.Vĩnh Châu đến TP. Sóc Trăng để ăn uống với vài người bạn. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, ông chạy xe về TX.Vĩnh Châu được khoảng 30 phút sau thì gây ra tai nạn.
Ông Lý Cô (67 tuổi, cha ruột anh Rích) cho biết, Rích là lao động chính trong gia đình, là người con rất hiếu thảo với cha mẹ. Hàng ngày anh đi vác lúa gạo thuê cho một nhà máy ở Sóc Trăng, cách nhà gần 20km, chiều tối xong việc anh mới về nhà. Lúc nào về cũng mua cho cha mẹ món ăn tối. Tối hôm Rích bị tai nạn, mọi người rất đau xót khi thấy ổ bánh mì và bọc cháo anh mua về cho cha mẹ vẫn còn treo trên xe.
“Sau khi con tôi mất, bên nhà ông Són cũng tổ chức sang thăm viếng, chia buồn, xin lỗi gia đình và hỗ trợ chi phí đám tang cho con tôi 100 triệu đồng. Khi biết Rích là lao động chính nuôi cha mẹ già, phía ông Són cam kết sẽ cấp dưỡng cho chúng tôi đến suốt đời. Thấy họ cũng thiệt tình, biết chia sẻ nên gia đình tôi cũng bớt giận, không làm khó gì họ cả”, ông Cô nói.
Ông Lý Cô chia sẻ thêm: “Con tôi cũng đã mất rồi, có làm gì đi nữa thì cháu cũng không thể sống lại được. Chúng tôi cũng nghĩ ông Són không cố ý đụng chết con mình, chỉ là xui rủi thôi. Chúng tôi rất hiểu và thông cảm với ông, còn xử lý như thế nào là do cơ quan chức năng”.
Luật sư Trương Xuân Tám – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhận định, đối với hành vi cho tài xế lái xe nhận tội thay mình là không chấp nhận được, việc này là hành vi trái pháp luật và cả tài xế lẫn ông Són đều phải chịu trách nhiệm trước quy định của pháp luật bởi hành vi này.
Theo Luật sư, từ trước tới nay đã từng có rất nhiều vụ việc xảy ra tình trạng nhận tội thay đi kèm đó là lời hứa sẽ trả công bằng vật chất, tiền bạc hoặc bên ngoài sẽ chạy án cho. Thế nhưng khi điều tra ra thì bản thân những người gây án vẫn phải chịu trách nhiệm và vẫn phải tội.
Còn người nhận tội thay, sẽ phải chịu nhiệm trước các hành vi, thứ nhất là hành vi khai báo gian dối, được biết hành vi này cũng có thể là tội hình sự.
Và thứ hai là hành vi đặc biệt nghiêm trọng đó là che giấu tội phạm, pháp luật quy định tội nghiêm trọng là tội che giấu tội phạm. Vì vậy, người che giấu tội phạm cũng sẽ bị xử lý hình sự, bởi người nhận tội thay đã biết rõ mọi chuyện nhưng vẫn che giấu, không những không tố giác mà còn chấp nhận tội thay cho người gây án.
Tuy nhiên, người nhận tội thay sẽ không bị truy tố về tội danh gây tai nạn chết người mà sẽ bị truy tố theo tội danh đúng với bản chất sự việc, đó là cố tình khai báo gian dối trong hoạt động tư pháp và che giấu tội phạm .
Pháp luật hiện nay đều nghiêm cấm, không thể cho phép ai vì động cơ cá nhân, nể nang tình cảm hay là vì tiền bạc mà nhận thay tội, điều này được xem là không đúng với bản chất sự việc và cần phải được xử lý. Mặc dù, trước đây những vụ việc như này cũng đã từng xảy ra. Tuy nhiên, khi phát hiện ra thì vẫn phải xử lý cả 2 bên đúng theo quy định của pháp luật.
Đối với bản thân người gây ra tai nạn
Có thể tùy thuộc vào tỉ lệ thương tật của nạn nhân, các yếu tố lỗi cố ý hay vô ý và các mặt chủ quan, khách quan mà người gây tai nạn bị áp dụng các hình thức xử lý khác nhau.
Nếu có căn cứ chứng minh người gây tai nạn với lỗi cố ý nhằm tước đoạt tính mạng, sức khỏe của người bị nạn thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh về nhóm xâm phạm tính mạng, sức khỏe người khác, như tội Giết người, Cố ý gây thương tích.
Theo Bộ luật hình sự 2015, khung hình phạt cao nhất đối với tội Giết người là tử hình, với tội Cố ý gây thương tích là chung thân.
Nếu người gây tai nạn dẫn đến tỉ lệ thương tật cho người bị nạn từ 61% trở lên chỉ do yếu tố lỗi vi phạm về an toàn giao thông, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Trường hợp người gây ra tai nạn sau đó bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm, hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn thì được xem là tình tiết định khung tăng nặng, quy định tại khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự. Mức án cao nhất đối với tội này lên đến 15 năm tù.
Ngoài ra, người gây ra tai nạn còn có thể bị xử lý hành chính theo Nghị định 46/2016 và có thể phải bồi thường thiệt hại cho người bị nạn theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Đối với người nhận tội thay
Theo Điều 382 Bộ luật hình sự 2015, tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối được quy định như sau:
1. Người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Cũng theo Bộ luật hình sự 2015, người che giấu tội phạm sẽ được xử lý như sau:
Nếu người gây tai nạn bị xử lý hình sự về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe thì người nhận tội thay cũng sẽ bị xử lý hình sự với tội danh Không tố giác tội phạm, quy định tại Điều 390 Bộ luật hình sự.
Theo điều luật này, người nào biết rõ một trong các tội phạm đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Tuy nhiên, trường hợp người gây tai nạn bị xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thì sẽ không có căn cứ để xử lý hình sự đối với người nhận tội thay theo các Điều 389, 390 Bộ luật hình sự.
Khi đó, người nhận tội thay chỉ bị xử phạt hành chính hoặc biện pháp dân sự khác.