Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 02/08/2022 07:42 (GMT+7)

Chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.

Công điện nêu rõ: Bệnh đậu mùa khỉ ghi nhận đầu tiên trên người vào năm 1970, sau đó trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi, hầu như không ghi nhận dịch tại khu vực khác. Tuy nhiên, từ tháng 5 năm 2022 đến nay dịch có diễn biến bất thường, đã ghi nhận dịch tại 12 quốc gia khu vực châu Âu, đây là lần đầu tiên ghi nhận các ổ dịch tại khu vực này, trong khi chưa xác định được mối liên hệ với khu vực dịch lưu hành trước đó. Tiếp đó, dịch bệnh đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh. Ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Đến ngày 28/7/2022, WHO tiếp tục thông báo đã có trên 18 nghìn ca mắc tại 78 quốc gia, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Một số quốc gia gần với nước ta như Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã ghi nhận ca bệnh xâm nhập.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. 

Trong bối cảnh nước ta đang phải đối mặt với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Covid-19, sốt xuất huyết… để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ với tinh thần và giải pháp là "sớm một bước, cao hơn một mức", không để xảy ra dịch chồng dịch, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, chỉ đạo thông suốt, quyết liệt, huy động các cấp, ngành, đoàn thể tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; giám sát chặt chẽ dịch ngay tại các cửa khẩu (đối với địa phương có cửa khẩu) trong cộng đồng, phát hiện sớm, điều trị kịp thời người mắc, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, tiếp nhận và điều trị các trường hợp mắc bệnh; chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản đáp ứng, tổ chức diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra...

Bộ Y tế theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh,  khuyến cáo của WHO để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, điều trị hiệu quả, kịp thời; thực hiện quyết liệt các biện pháp giám sát, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập; xử lý kịp thời ổ dịch, chăm sóc điều trị người mắc bệnh, hạn chế thấp nhất tử vong. Đặc biệt lưu ý ưu tiên bảo vệ lực lượng y tế, đối tượng có nguy cơ cao, đối tượng dễ bị tổn thương; xây dựng kế hoạch đáp ứng về y tế với bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam; tiếp tục hoàn thiện các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, tăng cường năng lực xét nghiệm, chẩn đoán xác định, tập huấn cho cán bộ y tế; chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và điều trị bệnh đậu mùa khỉ; phương tiện, vật tư, trang thiết bị, thuốc phù hợp cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân và các cơ quan báo chí phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch để người dân chủ động, tích cực thực hiện phòng, chống dịch bệnh; khám và điều trị khi có dấu hiệu mắc bệnh...

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Phát hiện virus H5N1 trong sữa
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.

Tin mới