Chung sức đẩy lùi dịch Covid- 19 qua lời thơ ý nhạc
Dịch Covid-19, rồi nhiều biến chủng khác,… đã hoành hành TP. HCM, các tỉnh phía Nam một thời gian dài, khiến cả nước cũng lao đao theo.
Cũng từ đó, mới thấy sức mạnh đoàn kết, quyết tâm chung sức đồng lòng cùng chính quyền của nhân dân cả nước vượt qua dịch Covid - 19. Bên cạnh đó, đã xuất hiện nhiều nhạc phẩm phản ánh thực tế về dịch bệnh Covid - 19, những gian khó, có cả tiếng khóc tiếc thương,… nhưng rồi tất cả đã vượt qua, cùng nhau chào đón và xây dựng ngày mới.
Có thể thấy viết khá nhiều về đề tài dịch bệnh Covid - 19, trong đó có tác giả Trương Vĩnh Anh Duy (SN: 1978, quê ở Vĩnh Long, hiện công tác ở một cơ quan báo chí do Trung ương quản lý). Những năm cuối thập niên 90, nhiều bạn đọc trẻ, lứa tuổi học sinh sinh viên cũng biết đến anh qua những vần thơ, truyện ngắn đăng tải trên: báo Mực tím, Áo trắng, Nữ sinh, Phượng hồng, Hoa học trò, báo Sinh viên Việt Nam,… và Anh Duy là trưởng Bút nhóm Hoa học trò, Trưởng Gia đình Phượng hồng, Áo trắng ở Vĩnh Long. Khi học Khoa Ngữ văn - Báo chí trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM, Anh Duy là Trưởng Bút nhóm Văn khoa thuộc Đoàn trường ĐH KHXH và NV TP.HCM.
Cảm xúc trước những hình ảnh đẹp, rất đời thường ở mùa dịch, những chiến sĩ công an, ban ngành các địa phương, các mạnh thường quân, nghệ sĩ,… đến từng nhà dân phát gạo, nhu yếu phẩm, vững tin Sài Gòn sẽ vuợt qua cơn đại dịch,… Anh Duy đã viết nên “Sài Gòn mãi tỏa sáng”, “Sài Gòn tôi yêu”, “Tự hào một màu áo” (nghệ sĩ Hồng Yến - Hội Nghệ sĩ TP Cần Thơ, phổ nhạc và trình bày). Hoặc nhạc phẩm “Lời bác đã dạy” (nhà giáo Nguyễn Đăng ở thị xã Bình Minh trình bày) nói về lực lượng thanh niên tình nguyện trên cả nước, luôn có mặt ở các điểm nóng trong mùa dịch Covid-19…
Đến ca khúc “Vĩnh Long quê tôi”, Anh Duy đã gửi gắm tâm tư tình cảm về quê nhà, nơi đó hình bóng người mẹ, khu vườn kiểng của ba,… Lời thơ ý nhạc thật nhẹ nhàng nhưng chứa chan nhiều tình cảm, khiến người nghe có cảm giác như mình là nhân vật trong những ca từ đó.
Khi được hỏi: “Gần 30 năm qua, ai cũng biết anh làm báo, nhưng nay lại viết thơ, viết nhạc, anh có nghĩ mình có lấn sân sang lĩnh vực khác không?”. Anh Duy điềm tĩnh nói: “Tôi viết thơ từ ý tưởng có thật của mình và việc tôi làm thơ thì đã khởi đầu từ những năm còn ngồi ghế trường THPT Bình Minh, nên tôi nghĩ không phải là lấn sân, mà mình muốn thể hiện được cảm xúc đang tuôn ra khi ấy. Sau đó, nghệ sĩ Thiên Long, rồi nghệ sĩ Hồng Yến cũng có cảm xúc nên đã phổ nhạc, đưa lời thơ vào ý nhạc…”.