Có gian khó mới hiểu hết sự hi sinh thầm lặng
Không hề than oán, không hề kêu ca, bất kể thời tiết nắng- mưa,… trái lại ở họ luôn lan tỏa ra một niềm vui, nụ cười. Những chiếc áo xanh nay trở thành hình ảnh quen thuộc đối với người dân sống ở khu vực phong tỏa, trong thời gian giãn cách xã hội.
Phòng chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ hàng đầu
Những màu áo xanh thường ngày xuất hiện ở khu dân cư, trên phố,… tại các khu vực phong tỏa, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trở nên thân quen với người dân địa phương. Đó là màu áo xanh lá cây (sắc phục ngành công an), màu xanh áo lính (bộ đội, dân quân), màu xanh dương (thanh niên, đoàn viên), màu xanh da trời (đội ngũ lấy mẫu xét nghiệm nhanh Covid-19),… Trong phạm vi bài viết, phóng viên (PV) ghi nhận sự hi sinh thầm lặng của màu áo xanh, rồi lực lượng cảnh sát giao thông- cơ động ở một số địa bàn mà PV được đến thuộc tỉnh Tiền Giang.
Buổi trưa nắng gay gắt, ngày cuối tuần các loại xe chạy về hướng Gò Công, chủ yếu là xe tải chuyên chở hàng hóa các loại. Đến chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh Covid-19, sát bên cổng chào thị xã Gò Công thuộc xã Long Chánh (thị xã Gò Công), mồ hôi nhễ nhại, áo quần xuất hiện nhiều nếp nhăn, nhưng lực lượng trực ở chốt kiểm soát gồm cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, đoàn viên,… vẫn miệt mài với công việc quét mã QR luồng xanh, khai báo y tế,… và hướng dẫn các thủ tục cho lái xe, người dân trước khi vào thị xã Gò Công, do thị xã Gò Công áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 16/9/2021. Người dân, lái xe lưu thông đều tuân thủ, chấp hành nghiêm cách quy định của thị xã Gò Công trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Là “điểm nóng” của tỉnh Tiền Giang về dịch bệnh Covid-19, thành phố Mỹ Tho đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, thực hiện nhiều biện pháp như: Thành lập các tổ cấp cứu - phòng, chống dịch, đồng thời chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, hóa chất, thuốc... để phòng, chống dịch bệnh. Đối với công tác điều trị, thành phố cũng bố trí khu tiếp nhận và cách ly khi có phát hiện ca nghi nhiễm Covid-19; lập danh mục dự trù thuốc, vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 với việc phối hợp với các ngành tuyên truyền, cấp phát trên tờ bướm, tranh, ảnh tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh...; tập huấn phòng, chống dịch Covid-19 cho cán bộ, nhân viên y tế các khoa, phòng thuộc Trung tâm Y tế và Trạm Y tế các phường, xã...
Thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông được xem là ổ dịch mới với 241, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp,… Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 huyện Gò Công Đông kịp thời triển khai thực hiện chiến dịch xét nghiệm cộng đồng cho người dân thị trấn Vàm Láng. Trung tâm y tế huyện Gò Công Đông đã huy động 14 đội lấy mẫu xét nghiệm đến thị trấn Vàm Láng, để đảm bảo công tác lấy mẫu và xét nghiệm Covid-19 đạt kết quả và thời gian nhanh nhất. Bên cạnh việc tổ chức lấy mẫu tầm soát người nhiễm Covid-19, địa phương đã hỗ trợ hậu cần cho khu phong tỏa; nông dân chăm sóc cây màu nơi an toàn.
Những sự hy sinh thầm lặng…
Nhằm hiểu rõ tình hình dịch bệnh Covid-19 xảy ra ở thị xã Gò Công, liên hệ với ông Nguyễn Hữu Lợi- Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy kiêm Chủ tịch HĐND, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thị xã Gò Công, PV được biết: “Công việc tuy cực mà vui, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp ở thị xã luôn đề cao trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch Covid-19, anh em dầm mưa dãi nắng túc trực ở Chốt trạm kiểm soát vì nhiệm vụ chỉ là một, điều quan trọng hơn mà anh cảm nhận được ở anh em, lực lượng tham gia phòng chống dịch Covid-19 ở toàn tỉnh Tiền Giang, với cương vị Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thị xã Gò Công, đó chính là bảo vệ sự bình yên cho người dân. Cũng nhờ sự đồng lòng, tiếp sức của người dân mà thị xã Gò Công hiện nay đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận trong công tác phòng chống dịch Covid-19…”.
Có mặt ở thị xã Gò Công, dù cơn mưa lớn vừa ập đến, nhưng PV ghi nhận cách làm việc nhiệt tình, đảm bảo quy định 5K của Bộ Y tế từ lực lượng y bác sĩ, tình nguyện viên thực hiện xét nghiệm nhanh ở rất nhiều điểm tổ chức tầm soát trong cộng đồng cho người dân như: trụ sở UBND phường 2, một góc khu dân cư Trương Định (thị xã Gò Công), UBND xã Long Thuận,… và một số điểm lưu động trên địa bàn thị xã Gò Công. Qua tầm soát diện rộng, thời gian không phát hiện ca mắc mới trong vòng 14 ngày, cơ bản xác định khu vực “vùng xanh” thiết lập bảo vệ theo ấp/khu phố cụ thể như sau: xã Bình Xuân (7), xã Bình Đông (6), xã Tân Trung (6), xã Long Chánh (2), xã Long Hòa (4), xã Long thuận (3), xã Long Hưng (2), phường 5 (3), tổng số: 33 ấp/khu phố.
Trở lại với thành phố Mỹ Tho, có việc đi ngang trên đường Ngô Quyền, phường 1, vừa qua khỏi cổng trường THCS Lê Ngọc Hân, gần với Phòng Giáo dục- Đào tạo thành phố Mỹ Tho, PV đã thấy 5 người mặc sắc phục công an (có lẽ công an phường 1) đang ngồi sắp xếp lại các bó rau, củ, quả,… Tìm hiểu, PV được biết đó là rau, củ, quả, lương thực thực phẩm,… phân phát cho những hộ dân ở khu vực bị phong tỏa, theo chủ trương của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Mỹ Tho. Và người giao trực tiếp cho người dân chính là cảnh sát khu vực và Tổ trưởng dân phố.
Tạm kết
Với những gì PV ghi nhận được, có thể thấy được tinh thần tương thân tương ái, sự hi sinh thầm lặng của những người công tác tuyến đầu, là lãnh đạo, lực lượng tham gia phòng chống dịch Covid-19, dù bất kỳ ở cương vị nào, điều mà họ mong muốn chính là mang lại sự bình yên cho nhân dân, cho quê hương. Từ trong gian khó chúng ta đã cảm nhận được hai chữ “tình thương” và tình thương chính là hạnh phúc của mọi người.