Có nên khoe điểm của con trên mạng xã hội?
Sau mùa thi là mùa... khoe điểm. Việc phụ huynh khoe điểm số, giấy khen của con lên mạng xã hội năm nào cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Đến hẹn lại lên, những ngày qua, bảng điểm của con cái lại được nhiều phụ huynh khoe lên mạng xã hội. Dù chuyện điểm 9, 10 đã như là "phổ cập toàn dân" nhưng những bảng điểm vẫn có sức thu hút lạ kỳ. Nhà nhà khoe điểm, người người khoe giấy khen. Tranh cãi cũng từ đây nổ ra.
Nhiều người cho rằng, việc đưa kết quả học tập của học sinh lên mạng có 2 mặt. Về mặt tích cực, trẻ tự hào vì được người lớn khen. Việc chia sẻ thành công của con là tạo động lực cho con, đồng thời cũng là niềm hãnh diện chính đáng của bố mẹ. Thích khen và thích động viên cũng là tâm lý chung của mọi người.
Nhiều phụ huynh khi làm những điều đó, trong suy nghĩ của họ đơn giản chỉ là muốn san sẻ niềm vui của gia đình cho nhiều người được biết.
Ở khía cạnh tiêu cực, họ nhận định, việc đưa kết quả của con lên mạng vô hình trung tạo áp lực học tập, năm sau phải cố gắng. Nếu không đạt, trẻ thường tìm mọi lý do để che giấu, nói dối, hậu quả khôn lường.
Điểm số của con trẻ có thể là niềm tự hào của cha mẹ này nhưng cũng có thể là nỗi tủi hổ của bố mẹ khác. Nhìn cảnh ấy, không ít phụ huynh ngậm ngùi, buồn bã khi con mình không được như thế. Rồi cuối cùng là đem tất cả mọi bực bội trút lên đầu những đứa trẻ.
Vậy tóm lại, khoe điểm con trên mạng xã hội, nên hay không?
"Không phải cứ khoe con là bệnh thành tích"
Nói về chuyện khoe điểm, chị Phạm Trần Kim Chi - Nhà thực hành Tâm lý học tích cực cho rằng: Đây là thời gian của họp phụ huynh, của những trao đổi giữa nhà trường và phụ huynh về kết quả học tập một năm qua của con. Có cha mẹ vui mừng, cũng có cha mẹ lo lắng, có người muốn khoe rằng tôi tự hào vì con tôi, cũng có người muốn tâm sự rằng tôi buồn lo vì con tôi học chưa tốt.
Nhưng rồi, dù tự hào, hay lo lắng, nhiều người sẽ chọn cách im lặng vì những tiêu chuẩn mới của làm cha mẹ tốt.
"Làm cha mẹ tốt là yêu thương con cái vô điều kiện, là hiểu rằng mỗi đứa trẻ có một nhịp điệu phát triển riêng. Vì vậy, dù trẻ học chưa tốt, thì làm cha mẹ tốt là yêu thương, đặt lòng tin và dõi theo trẻ. Làm cha mẹ tốt là không tạo áp lực, không kỳ vọng điểm số với con cái. Vì vậy, điểm số đạt được của con, không phải là trang sức để cha mẹ khoe với người này, người khác.
Những điều này là đúng, là nhân văn, là tiến bộ. Nhưng tôi vẫn muốn nói với bạn rằng bạn muốn khoe con à, cứ khoe đi, buồn vì con à, cứ buồn đi", chị Chi chia sẻ.
"Con tôi được điểm 10 rồi, con tôi đạt học sinh xuất sắc rồi" và "Con tôi biết nấu ăn rồi, con tôi tự lập đi chơi xa một mình được rồi". Cùng là khoe một trạng thái nào đó của con, bản chất hai câu này có gì khác nhau? Tại sao khoe con tự lập, thì là tiêu chuẩn của cha mẹ tốt, mà khoe con đạt học sinh giỏi, thì lại là bệnh thành tích?
Bệnh thành tích là một khái niệm dùng để chỉ những người chỉ quan trọng đích đến, mà bất chấp quá trình phát triển. Để con được học sinh xuất sắc, tôi bất chấp việc con nên tự ôn bài của con, tôi là người đã sửa ngay cho con mỗi nét chính tả, mỗi bài toán sai, để đảm bảo phiếu bài tập của con luôn là hoàn hảo. Để con tự lập đi chơi xa một mình, tôi bất chấp phát triển độ tuổi và tâm lý của con, tôi là người tự quyết những chuyến đi của con và tự nghĩ rằng con sẽ thích nghi.
"Con gái tôi đáng yêu lắm, tôi cũng khoe. Con trai tôi học tốt lắm, sống độc lập lắm, tôi cũng khoe. Rồi có sao không? Tất cả những điều đó, tôi khoe vì tôi tự hào cái hành trình phát triển của nó, không chỉ là cái đích đến. Tôi đã tiến lên lúc cần thiết, lùi lại lúc nên dừng, để có một chàng trai như đứa con của tôi. Tại sao không được khoe hay tự hào?
Khoe con hay buồn lo vì con, tự nó, không có gì để phê phán. Để dừng bệnh thành tích, không phải là không khoe con nữa. Cố gắng sống kiểu mẫu, là một loại bệnh thành tích mới. Sống bình thường, dám yêu, dám ghét là được rồi", chị Chi nói.
Tuy nhiên, bố mẹ muốn "khoe con" cũng nên hỏi qua ý kiến của con, xem con có cảm thấy ổn khi thông tin cá nhân của mình được chia sẻ trên mạng xã hội hay không, đồng thời suy xét thật kỹ lưỡng và che bớt thông tin nếu cần. Điều này không chỉ bảo vệ thông tin cá nhân mà còn nhằm đảm bảo an toàn cho các con.
Bên cạnh đó, nên cho con hiểu, thành tích con đạt được sẽ "nhân thêm niềm vui" cho cha mẹ chứ không phải vì không đạt thành tích sẽ làm cho cha mẹ buồn. Phụ huynh cũng giúp trẻ không rơi vào tâm lý tự mãn, trong suy nghĩ phải luôn có sự nỗ lực phấn đấu.
Tự hào về con nhưng cha mẹ cũng đừng quên, những đứa trẻ đạt điểm số cao khi đang đi học chưa chắc là những em thành công trong cuộc đời. Điều này đòi hỏi phụ huynh phải biết cân bằng giữa việc học kiến thức với trau dồi các giá trị sống, kỹ năng sống.