Công ty bao bì Vĩnh Khang vẫn dửng dưng, người dân bất lực
Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam đã lên loạt bài phản ánh việc xả thải của Công ty bao bì Vĩnh Khang (Vikhapack). Tuy nhiên, Vikhapack vẫn không có dấu hiệu của sự thay đổi.
Thái độ “coi thường” dư luận
Xâu chuỗi lại sự việc Vikhapack từ khi Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam(MTĐT) nhận được phản ánh của người dân ấp 6, xã Phước Vĩnh An huyện Củ Chi (nơi tọa lạc của Vikhapack) về việc nhiều năm qua phải chịu sự “tra tấn” bởi khói bụi và nước thải của Vikhappack. Để có cái nhìn khách quan nhất về sự việc này MTĐT đã vào cuộc.
Tòa soạn đã cử PV tác nghiệp tìm hiểu phản ánh của bạn đọc. Khi chúng tôi tới hiện trường, người dân bày tỏ sự phẫn nộ với Vikhapack bằng những phát biểu rất cứng rắn. Vì đâu nên nỗi đó? Vì nhiều năm qua Vikhapack đã ngang nhiên xả ra môi trường sống vốn dĩ bình yên trong lành của vùng nông thôn trong sạch những thứ “phế thải” mà không ai chịu nổi. Mùi khét nồng nặc của những “hóa chất lạ” khiến người dân hoang mang bởi không biết nó độc hại đến cỡ nào. Theo cảm nhận của người dân: “cảm giác mắt cay như bị ai đó ném ớt bột, khó thở và tức ngực, người già thì choáng váng đau đầu….”.
Khi PV tới Vikhapack để tìm hiểu thực hư thì công ty này chỉ tiếp báo chí bằng lực lượng bảo vệ. Sau một cuộc điện thoại, anh bảo vệ nói rằng: “Các anh chị nhà báo muốn hỏi gì cứ để giấy lại đây, nay sếp bận đi họp không tiếp được”. Rồi thời gian tiếp sau đó, MTĐT nhận được câu trả lời mà khi thông báo cho bạn đọc, ai cũng có nhận xét rằng “chẳng đâu vào đâu cả”, văn bản đó chốt lại bằng một câu: “có điều gì báo chí thắc mắc, xin liên hệ với anh Tín, số điện thoại xxx”.
Tuy nhiên, người được đề nghị MTĐT liên hệ đó chỉ là anh công nhân bình thường vận hành máy và không đủ thẩm quyền trả lời báo chí nếu không được ủy quyền. Và đến những ngày giữa tháng 7, MTĐT vẫn là nơi bà con nơi đây thiết tha kêu cứu. Chưa biết Vikhapack dùng cách gì đối xử với người dân, nhưng với MTĐT, Ban lãnh đạo công ty này còn nợ một lời giải thích.
Mới đây thôi, chị C là hộ dân sống gần Vikhapack liên hệ với MTĐT nói rằng: “Em ơi, than cám indo là nguyên liệu gì chị không biết. Vikhapack tung tin ra với người dân như vậy, nhưng chị thấy khói bụi còn khủng khiếp hơn cả trước kia. Mùi hôi khét lẹt khiến người hít phải có liền cái cảm giác đau đầu choáng váng. Rồi bữa trước, lúc nhá nhem tối, chẳng biết cái gì ra trên ống khói của Vikhapack lại có màu vàng vàng như khói da cam. Người dân quanh đây hoang mang lắm rồi em ạ”.
Chung cảm xúc đó, chú T nhà ngay phía sau Vikhapack chia sẻ: “Tôi theo sát những chuyển biến của Vikhapack từ khi biết MTĐT vào cuộc để hỗ trợ tiếng nói người dân. Nhưng đến nay, mọi thứ vẫn như xưa thậm chí còn tồi tệ hơn. Ngay thềm nhà tôi (chú T chỉ cho PV), từng lớp bụi đen ngòm như xác đốt cao su còn bám đầy ở đó, quét không sạch, rửa không trôi. Bản thân tôi có nhà mà không dám ở”.
Người dân biết trông cậy vào đâu? Biết kêu ai bây giờ? Họ đặt niềm tin vào sức mạnh ngôn luận. Nhưng hình như cơ quan chức năng và bản thân Vikhapack quá “vô cảm” trước những thống khổ của người dân. Phải chăng người dân nơi đây lẫn MTĐT đã “chạm mặt ông lớn”?
Sự dửng dưng của Vikhapack phải chăng được "chống lưng"?
Phát triển kinh tế doanh nghiệp địa phương là góp phần an sinh xã hội và thúc đẩy sự đi lên của xã hội. Vikhapack hoạt động đã giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động. Điều đó rất đáng mừng.
Nhưng, chủ trương của Đảng và Chính phủ không chấp nhận sự đánh đổi giữa phát triển kinh tế và vấn nạn ô nhiễm môi trường. Về điều này chúng tôi nghĩ cán bộ cơ sở ai cũng nắm được.
Vikhapack tồn tại trong lòng khu dân cư, bao nhiêu năm “hành” dân “sống trong lo lắng và sợ hãi”. Vikhapack từng bị phạt 2 lần nhưng tại sao vẫn ngang nhiên tồn tại và xả thải? Điều lạ, khi được MTĐT hỏi đến thì cả Vikhapack và chính quyền cơ sở đều trưng ra cái giấy giám định của một công ty TNHH như “lá bùa hộ mệnh” trước phản ứng thực tiễn gay gắt của người dân.
Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi, ai dám khẳng định Vikhapack đạt chuẩn như giám định ở mọi thời điểm? Bởi vì, kết quả mẫu giám định trái ngược với những gì người dân phải hứng chịu bấy lâu nay.
Hiện tại, người dân nơi đây vẫn chưa nhận được lời thăm hỏi nào của chính quyền cơ sở cũng như đại diện Vikhapack. Khói bụi vẫn xả đều, trước sự bất lực của người dân.