Đề nghị giảm thuế GTGT cho tất cả các mặt hàng
Đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc xem xét cho phép tiếp tục kéo dài việc thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho tất cả các mặt hàng đến hết năm 2024.
Ảnh minh họa.
Ngày 25/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) đánh giá, quá trình thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 (Nghị quyết 43) cho thấy sự phối hợp giữa Chính phủ và Quốc hội là đặc biệt quan trọng. Đại biểu lấy ví dụ, việc giảm thuế xăng dầu, chính sách giảm thuế GTGT 2% đáng lý ra có thể được điều chỉnh để giảm cho tất cả các mặt hàng từ 10% xuống 8%, nhưng lại cứng nhắc phụ thuộc vào Quốc hội và phụ thuộc vào Nghị quyết 43. Đối với chính sách giảm nộp thuế đến cuối năm 2024, nhiều ý kiến đề nghị giảm thêm vài tháng sang năm 2025 vì đây là thời điểm quan trọng đối với doanh nghiệp.
Cũng theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, bài học rút ra sau khi thực hiện Nghị quyết 43 là tập trung vào tính khả thi và chọn thời điểm. Chính sách kinh tế vĩ mô có đặc điểm quan trọng là phải chọn đúng thời điểm, một chính sách đúng vào tháng 1 nhưng chưa chắc đã đúng vào tháng 3 khi diễn biến lạm phát, tăng trưởng đã khác. Do đó, nếu trong tương lai chúng ta lại có các chương trình gói hỗ trợ kinh tế vĩ mô phải cân nhắc rất kỹ về yếu tố thời điểm để đưa chính sách vào cuộc sống.
Đại biểu nhận định, nếu gặp tình huống cần chính sách hỗ trợ, việc đầu tiên cần nghĩ đến là giảm thuế, thậm chí có thể cân nhắc việc giảm thuế mức lớn hơn và cần tập trung vào một số ngành rất cụ thể. Ví dụ vào thời điểm mới bắt đầu hết giãn cách, khôi phục các đường bay nên tính đến việc giảm GTGT hàng không về 0 hoặc giảm các loại phí và thuế khác, điều này có thể giúp cho ngành hàng không và các ngành khác phục hồi phát triển kinh tế nhanh hơn…
Bên cạnh đó, phát biểu thảo luận, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hoá) cơ bản thống nhất với báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát. Đại biểu nêu rõ, đây là chương trình lớn nhất từ trước đến nay, khẳng định việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết 43 là đúng đắn, kịp thời với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển. Đại biểu nhận thấy quá trình tổ chức thực hiện bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như một số địa phương chưa áp dụng cơ chế đặc thù trong đầu tư hạ tầng y tế; việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ vốn chậm; tiến độ giải ngân một số dự án không bảo đảm bảo.
Đến hết năm 2023 còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa phục hồi, nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể. Một số chính sách hỗ trợ người dân, người lao động triển khai còn chậm, còn lúng túng. Theo đại biểu, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên chủ yếu là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt. Các văn bản hướng dẫn phân bổ vốn, trình tự thủ tục giải ngân còn phức tạp. Việc áp dụng cơ chế đặc thù có việc còn vướng mắc và không ít cán bộ có tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm.
Trên cơ sở đó, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Đánh giá cao hiệu quả của chính sách giảm thuế GTGT 2%, đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc xem xét cho phép tiếp tục kéo dài thêm thực hiện chính sách trong thời gian phù hợp. Đồng thời, xem xét tiếp tục mở rộng áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù không chỉ áp dụng cho các công trình quan trọng quốc gia, đường cao tốc mà cả các công trình quan trọng khác của quốc gia, của tỉnh...