Đề xuất 2 phương pháp định giá chung đối với hàng hóa do Nhà nước định giá
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư ban hành phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Trong đó, dự thảo đề xuất phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá quy định tại Thông tư này bao gồm 02 phương pháp định giá là phương pháp chi phí và phương pháp so sánh.
Ảnh minh họa.
Nguyên tắc và căn cứ định giá của Nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 22 Luật giá số 16/2023/QH15 ngày 19/6/2023.
Căn cứ đặc tính và giá trị của hàng hoá, dịch vụ, điều kiện về sản xuất kinh doanh, cung ứng, thị trường, lưu thông của hàng hóa, dịch vụ cần định giá, cơ quan, tổ chức, đơn vị lập phương án giá, cơ quan được giao thẩm định phương án giá lựa chọn áp dụng 01 phương pháp định giá là phương pháp so sánh hoặc phương pháp chi phí để lập, thẩm định phương án giá.
Phương pháp chi phí
Dự thảo đề xuất giá hàng hóa, dịch vụ được xác định như sau:
Giá hàng hóa, dịch vụ = Giá thành toàn bộ + Lợi nhuận hoặc tích luỹ dự kiến (nếu có) + Thuế, phí, lệ phí khác (nếu có) + Thuế giá trị gia tăng (nếu có).
Giá thành toàn bộ được xác định như sau:
Giá thành toàn bộ = Giá vốn + Chi phí bán hàng (nếu có) + Chi phí quản lý (nếu có) + Chi phí tài chính (nếu có) + Chi phí phân bổ cho sản phẩm phụ (nếu có).
Phương pháp so sánh
Dự thảo đề xuất việc thu thập thông tin về giá như sau: Đơn vị lập phương án giá, cơ quan thẩm định phương án giá chịu trách nhiệm toàn diện về tính trung thực của thông tin thu thập được về giá hàng hóa, dịch vụ.
Việc thu thập thông tin về giá của hàng hóa, dịch vụ tương tự gần nhất trong phạm vi 02 năm tính đến thời điểm định giá theo nguyên tắc ưu tiên thu thập trên địa bàn có tính tương đồng về điều kiện kinh tế - xã hội quy mô sản xuất kinh doanh hoặc từ gần đến xa so với địa bàn của hàng hoá, dịch vụ cần định giá căn cứ ít nhất một trong các nguồn thông tin sau: Giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hoặc công bố hoặc cung cấp; Giá thực tế giao dịch thành công của các tổ chức, cá nhân ghi trên hóa đơn bán hàng theo quy định hoặc giá ghi trên hợp đồng mua bán; Giá trúng đấu thầu hoặc đấu giá; Giá kê khai hoặc giá thông báo hoặc giá niêm yết theo quy định...
Về đề xuất mức giá, dự thảo nêu rõ, trường hợp hàng hoá, dịch vụ so sánh là hàng hoá, dịch vụ giống hệt đồng thời giống hệt về điều kiện mua bán như số lượng, địa điểm, hình thức thanh toán, điều kiện thị trường và các điều kiện khác, cơ quan, tổ chức, đơn vị lập phương án giá, cơ quan thẩm định phương án giá căn cứ vào tài liệu thực tế thu thập được tại thời điểm định giá để xác định mức giá, trong đó:
Mức giá tối đa được xác định không cao hơn mức giá cao nhất thu thập được tại thời điểm định giá. Trường hợp ban hành giá cụ thể, cơ quan có thẩm quyền định giá cụ thể căn cứ vào thông tin thu thập được theo hướng dẫn, mặt bằng giá thị trường tại thời điểm định giá, dự toán được giao (nếu có) (đối với trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng ngân sách nhà nước) để xác định giá cụ thể không cao hơn giá tối đa.
Mức giá tối thiểu được xác định không thấp hơn mức giá thấp nhất thu thập được tại thời điểm định giá. Trường hợp ban hành giá cụ thể, cơ quan có thẩm quyền định giá cụ thể căn cứ vào thông tin thu thập được theo hướng dẫn mặt bằng giá thị trường tại thời điểm định giá để xác định giá cụ thể không thấp hơn giá tối thiểu.