Đề xuất bỏ vân tay trên căn cước công dân để tăng tính bảo mật
Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) bỏ vân tay trên bề mặt thẻ căn cước (được lưu trữ trong bộ phận lưu trữ) để bảo đảm tính bảo mật trong quá trình sử dụng thẻ.
Tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách diễn ra vào sáng ngày 28/8, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới đã báo cáo tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Về thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước, có ý kiến băn khoăn về cơ sở để thực hiện và tính bảo mật đối với thông tin quy định tại 2 điều này; đề nghị nêu rõ sự cần thiết và đánh giá kỹ về những thông tin được bổ sung cập nhật theo chính sách mới và làm rõ việc cập nhật sẽ được triển khai như thế nào; làm rõ về chi phí, trách nhiệm đối với việc cung cấp thông tin về nhóm máu, giọng nói, ADN.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho biết, qua đánh giá và nghiên cứu kỹ lưỡng, tại Điều 10 dự thảo Luật Chính phủ trình chỉ quy định cập nhật các thông tin trong thực tế quản lý đã rõ, được sử dụng thường xuyên để phục vụ công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết thủ tục hành chính, trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử, kết nối, chia sẻ, chứng thực dữ liệu công dân…
Trong các trường thông tin quy định tại Điều này có 4 trường thông tin để tạo lập số định danh cá nhân, phục vụ công tác quản lý dân cư. Các trường thông tin còn lại nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước, bảo đảm quyền lợi của công dân, thuộc 4 nhóm thông tin sau:
- Các thông tin về hộ tịch và cư trú nhằm xác định thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính, xác định địa vị pháp lý của người dân;
- Thông tin về nhóm máu nhằm phục vụ công tác cấp cứu, xây dựng nguồn máu dự phòng trong khám, chữa bệnh;
- Các thông tin về số điện thoại, địa chỉ thư điện tử để phục vụ liên lạc giữa cơ quan nhà nước với người dân và thực hiện xác thực khi tạo lập, sử dụng căn cước điện tử hoặc thực hiện giao dịch với cơ quan nhà nước;
- Nhóm thông tin khác theo quy định của Chính phủ để dự phòng, bảo đảm thích ứng với công tác chuyển đổi số trong từng thời kỳ, bảo đảm tính khả thi khi triển khai thực hiện.
Về thông tin trên thẻ căn cước, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho biết, một số ý kiến đề nghị rà soát, đánh giá thêm về việc thay đổi thông tin thể hiện trên thẻ căn cước; chỉ nên thể hiện những thông tin mang tính chất ổn định, giúp nhận diện lai lịch của một con người; cân nhắc một số thông tin như "nơi cư trú", "nơi thường trú", "nơi sinh", "nơi đăng ký khai sinh", "giới tính", "ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng" bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành; cân nhắc thông tin về cơ quan cấp thẻ căn cước, hình dạng, kích thước, màu sắc, ngôn ngữ… của thẻ căn cước bảo đảm phù hợp; đề nghị không nên sử dụng QR code, chỉ nên dùng chip điện tử trên thẻ căn cước.
Đặc biệt, Dự thảo Luật bỏ vân tay trên bề mặt thẻ (được lưu trữ trong bộ phận lưu trữ) để bảo đảm tính bảo mật trong quá trình sử dụng thẻ; bỏ thông tin "quê quán", sửa đổi "số thẻ căn cước công dân" thành "số định danh cá nhân", "căn cước công dân" thành "thẻ căn cước", "nơi thường trú" thành "nơi cư trú", bổ sung "nơi đăng ký khai sinh"... để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân…