Đề xuất thu thập số thuê bao di động vào dữ liệu quốc gia về dân cư
Trong dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Bộ Công an đã đề xuất thu thập số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử… vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ảnh minh hoạ.
Bộ Công an chủ trì xây dựng Luật Căn cước (sửa đổi). Dự kiến Luật này sẽ được Quốc hội sẽ xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Theo quy định tại Điều 9 dự thảo Luật, Bộ Công an đề xuất tăng lên 26 trường thông tin được thu thập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Một số nhóm thông tin mới được quy định gồm: Số định danh cá nhân, họ tên khác, nơi sinh, số chứng minh nhân dân 9 số, số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử…
Bên cạnh đó, các thông tin được chia thành hai nhóm. Cụ thể:
Nhóm thứ nhất là thông tin của công dân bắt buộc phải thu thập gồm: Họ tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh… Các thông tin này dùng để tạo lập số định danh cá nhân, giúp phân biệt người này với người khác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ công tác quản lý dân cư.
Nhóm thứ hai là các thông tin còn lại gồm: Nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại… là những thông tin cần thiết phải có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý Nhà nước của các bộ, ngành, địa phương; đáp ứng các mục tiêu chuyển đổi số của Đề án số 06. Công dân có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan Nhà nước khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và được bảo đảm quyền lợi của công dân khi sử dụng các tiện ích, giá trị do cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mang lại.
Lý giải về sự cần thiết của việc thu thập, cập nhật các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an cho biết, đối với nhóm thông tin về hộ tịch và thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại… cần có để phục vụ việc xác định về thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính, thông tin địa vị pháp lý, quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân…
Đối với thông tin về nhóm máu để phục vụ công tác cấp cứu, xây dựng nguồn máu dự phòng trong khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, xây dựng kế hoạch phát triển, dự phòng y tế…
Đối với thông tin về số điện thoại di động, địa chỉ thư điện tử để bảo đảm sự liên lạc giữa cơ quan nhà nước với người dân (giải quyết thủ tục hành chính, tuyên truyền chính sách, cung cấp tin tức phòng chống tội phạm, xử lý tình huống đột xuất, phức tạp về quốc phòng, an ninh…); để thực hiện xác thực khi tạo lập, sử dụng căn cước điện tử hoặc thực hiện giao dịch với cơ quan nhà nước…