Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 25/02/2020 01:01 (GMT+7)

Dịch Covid-19: Học sinh từ mầm non đến THCS có thể nghỉ thêm 2 tuần

Văn phòng Chính phủ đề nghị xem xét cho học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có thể nghỉ thêm một, hai tuần tùy theo diễn biến của dịch Covid-19.

Chiều 24/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 báo cáo tình hình chống dịch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Liên quan đến vấn đề học sinh trở lại đi học vào đầu tháng 3, báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết, đã ban hành văn bản điều chỉnh khung năm học 2019-2020 và đưa ra ba mức. Các địa phương căn cứ vào tình hình của địa phương mình, từ 2/3/2020 học sinh toàn quốc sẽ quay trở lại đi học, kết thúc năm học vào 30/6/2020. Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia sẽ từ 23-26/7, lùi một tháng so với các mốc bình thường.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho biết, trong thời gian diễn ra dịch bệnh, Bộ đã phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế hướng dẫn các trường học trên cả nước vệ sinh trường học, các địa phương đã làm tốt việc này và sẵn sàng cho học sinh trở lại trường.

Ông Phùng Xuân Nhạ đề nghị, đối với học sinh, sinh viên là đối tượng lớn có thể chủ động phòng chống dịch, có thể cho đi học trở lại từ ngày 2/3 tới. Còn đối với học sinh mầm non, tiểu học, có thể cho lùi lại 1-2 tuần, tùy theo tình hình dịch bệnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thường trực Chính phủ không phản đối khung chương trình học của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng yêu cầu xem xét tình hình dịch bệnh vào phiên họp sau để có quyết định cuối cùng việc học sinh đi học trở lại.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, việc cho học sinh, sinh viên đi học trở lại cần căn cứ vào các lý do, bao gồm Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, trong 11 ngày qua không có ca nhiễm mới và 15/16 trường hợp nhiễm bệnh đã khỏi. Theo quy định, tỉnh Thanh Hóa đã công bố hết dịch và tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị công bố hết dịch.

Thứ hai, việc tiếp tục cho học sinh nghỉ học sẽ làm phát sinh những ảnh hưởng đến gia đình, nhà trường, xã hội. Ngoài ra, học sinh từ cấp II trở lên có thể không chịu sự kiểm soát và ra ngoài có thể tiếp xúc với nguồn dịch bệnh.

Theo kinh nghiệm nước ngoài, các nước có dịch vẫn cho học sinh đi học như Nhật Bản, Malaysia, Singapore.

Việc tiếp tục cho học sinh cả nước nghỉ học sẽ gây nghi ngờ về tuyên bố của Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của nước ta, nhất là đối với dịch vụ du lịch. Việc cho học sinh, sinh viên đi học trở lại cần căn cứ theo lứa tuổi và bậc học. Cụ thể, đối với học sinh từ bậc trung học phổ thông trở lên có thể đi học từ ngày 2/3 vì độ tuổi này có sức đề kháng tốt và ý thức tự bảo vệ bản thân tốt hơn. Như thế cũng bảo đảm thời gian thi chuyển cấp, tuyển sinh đại học và đi du học nước ngoài.

Đối với học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở do chưa có ý thức tự bảo vệ bản thân, sĩ số lớp học đông, có thể chưa phải đi học ngay mà nghỉ thêm một, hai tuần tùy theo diễn biến của dịch.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, nếu để học sinh đi học trở lại, Hà Nội đã có chỉ đạo các trường, lớp phải đo thân nhiệt cho các cháu trước khi đến lớp và khi ra về. Đồng thời rửa tay, sát khuẩn trước khi đến lớp và ra về.

Bên cạnh đó, các trường lớp cũng tăng cường vệ sinh, khử khuẩn… Các trường cũng không tổ chức chào cờ đầu tuần ở sân mà tổ chức ở trong lớp; bố trí giờ giải lao giữa các lớp lệch nhau. Không bắt buộc đeo khẩu trang khi đến lớp học.

https://kinhtemoitruong.vn/dich-covid-19-hoc-sinh-tu-mam-non-den-thcs-co-the-nghi-them-2-tuan-14204.html

Cùng chuyên mục

Đề xuất mua điện tái tạo không qua EVN
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong góp ý với dự thảo Nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp, đã nêu quan điểm cho mọi doanh nghiệp, người dân có nhu cầu đều có thể mua điện tái tạo trực tiếp thay vì qua EVN.
Chiến thắng Điện Biên Phủ: Chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam
Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), ông Piotr Tsvetov, Phó Giáo sư Khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao LB Nga, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội hữu nghị Nga-Việt đã có dịp trao đổi về ý nghĩa của chiến thắng vĩ đại này.

Tin mới

Mưa dông diện rộng ở miền Bắc kéo dài đến khi nào?
Sáng 8/5, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến phía đông Bắc bộ và đồng bằng Bắc bộ. Ở thời điểm này, không khí lạnh là rất nhẹ, gió không phải là bắc - đông bắc như trong mùa đông mà chếch sang phía đông (gió đông - đông bắc), mang theo hơi nước từ biển vào khiến độ ẩm gia tăng ở Bắc bộ.
Những đơn vị tiếp nhận xử lý thông tin về vi phạm giao thông
Thời gian qua, một số trường hợp người dân cung cấp thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm trên mạng xã hội đã được CSGT ghi nhận, xác minh, xử lý. Vậy, lực lượng Công an có đầu mối tiếp nhận các loại thông tin này để người dân cung cấp trực tiếp không? Hướng dẫn cụ thể thế nào?