Đoan Hùng - Phú Thọ: Đua nhau “xẻ đồi”, bán đất trái phép
Tình trạng lợi dụng san gạt cốt nền, bán đất trái phép tại xã Bằng Luân, huyện Đoan Hùng diễn ra rầm rộ thời gian qua, khiến các quả đồi bị đào bới nham nhở, các tuyến đường xuống cấp, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, gây bức xúc rất lớn trong nhân
Theo phản ánh của người dân, trên địa bàn xã Bằng Luân, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, tình trạng người dân xin hạ cốt nền để phát triển sản xuất đang diễn ra ồ ạt với quy mô lớn. Có trường hợp xin nạo vét, hạ cốt nền, có trường hợp doanh nghiệp mua theo hợp đồng sang tay. Hậu quả của việc khai thác trái phép tràn lan trên là môi trường sống của người dân bị ô nhiễm nghiêm trọng, tài nguyên khoáng sản đang từng ngày, từng giờ bị chảy máu.
Theo tìm hiểu của PV, hoạt động san gạt cốt nền trên địa bàn xã Bằng Luân hết sức phức tạp. Hoạt động này nổi cộm nhất là ở khu 10 và khu 15.
Trên đường vào khu 10, theo quan sát của PV, chỉ một đoạn đường dài mấy trăm mét nhưng có tới 4-5 hộ có quả đồi đang bị khai thác. Các đống đất màu trắng giống như cao lanh được chất thành núi cao ngất chờ vận chuyển ra ngoài tiêu thụ. Quá trình khai thác khiến nhiều tuyến đường bị băm nát, xuất hiện ổ trâu ổ gà, bụi bẩn lầy lội.
Hoạt động khai thác ở đây đều dưới hình thức thoả thuận giữa người dân và các chủ khai thác. Theo một người dân ở xã Bằng Luân, các khoáng sản là cao lanh và kể cả đất san lấp ở đây cũng đều được các đầu lậu thoả thuận với dân. Chỉ cần thanh toán số tiền như đã thoả thuận, còn việc múc tài nguyên ra ngoài và vận chuyển đi đâu là việc của các ông chủ khai thác.
Ông H.A.T – một người dân ở khu 10, xã Bằng Luân cho biết, cuộc sống của dân chúng tôi đang bình yên, bỗng một ngày có một nhóm người lạ tới xin hỏi mua đất để hạ cốt nền cho người dân. Do chúng tôi không hiểu biết, có người còn cho họ múc đất chở đi để lấy mặt bằng mà không thu tiền. Thậm chí, có hộ còn hỗ trợ tiền xăng dầu để người ta múc đất hộ. Khoảng nửa năm nay, hoạt động khai thác diễn ra rầm rộ, ngày đêm chúng tôi phải khổ sở hứng chịu những âm thanh đinh tai nhức óc từ việc khai thác, đường xá ngày nắng thì bụi mù, ngày mưa thì lầy lội, núi đồi tan hoang nham nhở.
Cũng cùng ở khu 10 cách nhà ông T không xa, nhà bà H cũng được một người lạ mặt đến xin mua quả đồi đằng sau. So với giá của các hộ quanh đó thì đất nhà bà được người ta trả giá cao hơn nhiều. Mãi sau con bà đi làm dưới Hà Nội về thấy đất họ múc lên có màu trắng và màu vàng nhạt, tìm hiểu mới biết đó không phải đất san lấp thông thường, mà trông giống y như cao lanh.
Liên quan đến việc các quả đồi của nhiều hộ dân trong xã đang được san gạt cốt nền rầm rộ, trong đơ nổi cộm nhất là tại khu 10 và khu 15, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Vũ Tiến Công - Chủ tịch UBND xã Bằng Luân. Vị này cho biết: Tại khu 10 các hộ dân tự ý san gạt cốt nền trái phép, việc đào bới ở khu vực đó chúng tôi đã đình chỉ, và tiếp tục làm báo cáo với UBND huyện để có biện pháp xử lý.
Tại khu 15 (nay là khu 4) của xã, chúng tôi đã cấp phép san gạt cốt nền cho hộ ông Lê Văn Chiến, tuy nhiên họ đang thực hiện quá rộng. Hiện đoàn thanh tra của Sở Tài nguyên Môi trường đang về kiểm tra, và sẽ làm việc với đơn vị này. Chúng tôi nghe thông tin họ sẽ xây dựng xưởng chế biến trên khu đất này.
Cũng theo ông Công, hiện cả 2 khu (khu 10 và 15) đều có tình trạng san gạt trái phép. Xã cũng đã xử lý vi phạm hành chính đối với các hộ tự ý san gạt đất nền. Chúng tôi và cả đoàn thanh tra Sở đang làm việc ở đây, chúng tôi sẽ đình chỉ hoạt động và nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo lên huyện.
Khi PV đề nghị tiếp cận hồ sơ thông tin các vị trí cho phép san gạt đất nền và các biên bản xử lý vi phạm hành chính, thì vị Chủ tịch xã cho biết, địa chính hiện nay đang bận làm việc với đoàn thanh tra Sở TNMT.
PV thắc mắc, theo phản ánh, hiện nay trong xã, đặc biệt là khu 10 có nhiều vị trí đất có màu trắng giống như cao lanh. Ông Công cho biết, theo quy hoạch, khu vực đó có trữ lượng nhỏ loại đất đó.
Tình trạng san gạt cốt nền trái phép tại xã Bằng Luân đã kéo dài tới nửa năm, và theo ghi nhận của PV, hoạt động này vẫn đang tiếp diễn. Vậy nhưng, vị Chủ tịch xã lại khẳng định đã đình chỉ hoạt động san gạt là không đúng với thực tế. Đáng nói, vị trí các điểm khai thác cách UBND xã không xa. Điều đó khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng đã có sự tiếp tay của chính quyền địa phương, để tình trạng san gạt cốt nền trái phép diễn ra một cách ngang nhiên, rầm rộ như hiện nay mà không có bất kỳ một biện pháp nào ngăn chặn, xử lý? Đặc biệt, việc chính quyền xã có dấu hiệu buông lỏng quản lý sẽ khiến thất thu nguồn ngân sách rất lớn cho Nhà nước, số tiền này trở thành nguồn thu bất chính của các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép./.