Động đất có khả năng gây ra sóng thần hay không?
Nhiều người thắc mắc liệu rằng động đất có khả năng gây ra sóng thần hay không.
Theo Viện Vật lý địa cầu, 13h20 hôm nay (giờ Việt Nam) đã xảy ra động đất mạnh ở Myanmar gây rung lắc tới Hà Nội, TP.HCM.
Chia sẻ trên Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện vật lý địa cầu, cho biết động đất có cường độ 7,3 độ richter, ở độ sâu 10 km.
Trong khi đó trang web của Cục Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) hiển thị trận động đất này mạnh tới 7,7 độ richter. Còn Trung tâm Nghiên cứu khoa học địa chất Đức (GFZ) cho biết động đất có độ lớn 6,9 độ richter tại Myanmar và 7,3 độ richter ở thủ đô Bangkok của Thái Lan.
Vụ động đất đã khiến nhiều người dân ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam xôn xao, bàn luận rôm rả trên các diễn đàn mạng xã hội.
Bên cạnh những diễn biến về vụ việc động đất ở Myanmar trưa 28/3, nhiều người cũng đặt ra những thắc mắc liên quan đến sóng thần - thảm hoạ thường đi đôi với động đất. Và một trong số những câu hỏi được đặt ra chính là "Liệu rằng động đất có khả năng gây ra sóng thần hay không?".

Theo các nhà khoa học, động đất dưới đáy biển là nguyên nhân chính gây ra sóng thần. Khi một trận động đất xảy ra dưới lòng đại dương, sự dịch chuyển đột ngột của các mảng kiến tạo có thể đẩy một khối lượng nước khổng lồ lên cao. Hiện tượng này tạo ra những đợt sóng lớn lan truyền với tốc độ có thể lên đến 800 km/giờ, di chuyển hàng ngàn km và gây ra thiệt hại nghiêm trọng khi đổ bộ vào đất liền.
Theo Viện Vật lý Địa cầu, các trận động đất có cường độ từ 6,5 độ Richter trở lên, nếu xảy ra dưới đáy biển hoặc ngoài khơi, có thể gây ra sóng thần. Thông thường, những trận động đất có cường độ dưới 7,5 độ Richter ít có khả năng tạo ra sóng thần, nhưng vẫn có một số trường hợp ngoại lệ được ghi nhận trong lịch sử.
Trận động đất tại Myanmar ngày 28/3 xảy ra trên đất liền, do đó không có nguy cơ gây ra sóng thần.
Như vậy, không phải tất cả các trận động đất đều tạo ra sóng thần. Điều quan trọng là phải xem xét vị trí, cường độ và cơ chế dịch chuyển của mảng kiến tạo để xác định nguy cơ sóng thần sau mỗi trận động đất.