Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 20/08/2021 10:43 (GMT+7)

Đức Quân (mã FTM): Lỗ hơn 290 tỷ nửa đầu năm 2021, Kiểm toán Nhà nước đặt dấu chấm hỏi

Tính đến cuối quý II, các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn có giá trị tổng cộng gần 968 tỷ đồng, chiếm đến 61% tổng tài sản.

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (mã CK: FTM) vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021 với kết quả kinh doanh không mấy khả quan.

Đức Quân (mã FTM): Lỗ hơn 290 tỷ nửa đầu năm 2021, Kiểm toán Nhà nước đặt dấu chấm hỏi

Sau nửa đầu năm, FTM tiếp tục lỗ ròng hơn 94 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu không đủ bù đắp chi phí lãi vay và chi phí vận hành, cộng thêm hơn 44 tỷ đồng chi phí khấu hao tài sản cố định và khấu hao lương vượt định mức. Theo đó, công ty tăng lỗ lũy kế từ hơn 196 tỷ đồng lên hơn 290 tỷ đồng.

Cuối quý II, các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn có giá trị tổng cộng gần 968 tỷ đồng, chiếm đến 61% tổng tài sản. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn xấp xỉ mức đầu năm (khoảng 798 tỷ) và các khoản phải thu dài hạn là 169 tỷ đồng, tăng 58%. Bên cạnh đó, FTM có hơn 874 tỷ đồng nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn, chiếm gần 64% tổng nợ phải trả.

Tại báo cáo soát xét của FTM, kiểm toán đưa ra kết luận ngoại trừ đối với khoản lỗ hơn 94 tỷ đồng, các khoản vay ngân hàng quá hạn thanh toán số tiền gần 464 tỷ đồng và lãi vay ngân hàng quá hạn thanh toán chưa được gia hạn nợ số tiền gần 233 tỷ đồng.

Với kết quả này, kiểm toán cho rằng, khả năng hoạt động liên tục của Công ty phụ thuộc vào việc gia hạn các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp, đồng thời còn phụ thuộc vào việc cơ cấu lại các khoản đầu tư của Công ty.

Các điều kiện này cho thấy yếu tố không chắc chắn trọng yếu, khiến kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Trước ý kiến của kiểm toán, FTM đã giải trình về khoản lỗ phát sinh, nợ vay và lãi vay quá hạn ngân hàng. Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên công ty phải dừng sản xuất hoàn toàn nhà máy 2 và nhà máy 5.

Từ quý II/2021, công ty đã huy động nguồn lực để khôi phục được 50% sản lượng nhà máy 2 và bước đầu 30% sản lượng nhà máy 5 tuy nhiên dịch Covid-19 khiến việc phục hồi toàn bộ năng lực sản xuất không thực hiện được. Thêm vào đó, biện pháp giãn cách chống dịch được triển khai khiến việc gia tăng doanh thu của Công ty gặp nhiều khó khăn.

Khoản lỗ phát sinh chủ yếu là các chi phí cố định khấu hao, các chi phí trả trước phân bổ nhiều kỳ, lãi vay dài hạn do không khai thác được hết năng lực sản xuất của nhà máy để tiết giảm chi phí vận hành.

Liên quan đến khoản công nợ phải thu khó đòi, FTM lý giải, tình hình chung của thị trường và dịch bệnh Covid-19 khiến các đối tác của Công ty cũng đang gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn kinh doanh vừa qua dẫn tới chưa thanh toán được các công nợ này, Công ty sẽ tích cực liên tục đối chiếu công nợ và làm việc trực tiếp với ban lãnh đạo của đối tác.

Được thành lập năm 2002 tại Thái Bình, doanh nghiệp có ngành nghề sản xuất và kinh doanh chính là các loại sợi cotton, bao gồm sợi chải thô CD, sợi chải kỹ CM và sợi OE, với nguồn bông cotton nguyên liệu từ các nước sản xuất bông chính như Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Tây Phi, Úc... 90% sản phẩm sợi của Công ty được xuất khẩu cho thị trường quốc tế như Trung Quốc, Hong Kong, Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu…

Cùng chuyên mục

Xây dựng Hòa Bình lý giải nguyên nhân lỗ thêm 333 tỷ đồng sau kiểm toán
Sự chênh lệch giữa lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp sau khi được kiểm toán và số liệu báo cáo tài chính do Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tự lập giảm 333 tỷ đồng đã được giải trình chi tiết tới Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước, theo thông cáo phát đi từ đơn vị này ngày 1/4/2024.
Cát Tường Group: Nợ thuế tăng mạnh, hàng tồn kho phình to
Tính đến thời điểm cuối năm 2022, nợ phải trả Cát Tường Group đạt 1.933 tỉ đồng, tăng thêm 679% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý khi Cát tường Group đã phát sinh khoảng 1.436 tỉ đồng nợ vay tài chính, trong khi hồi đầu năm không ghi nhận.

Tin mới