FECON có năm đầu tiên báo lỗ, loạt công ty con bị điểm tên vì nợ bảo hiểm xã hội
Năm 2023, FECON đưa về 2.879 tỉ đồng doanh thu, đồng thời ghi nhận mức lỗ sau thuế 43 tỉ đồng. Được biết, năm 2023 cũng là năm đầu tiên doanh nghiệp này ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ kể từ khi niêm yết.
Chi phí lãi vay ăn mòn lợi nhuận FECON
Công ty Cổ phần FECON (HOSE: FCN) đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2024, ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.049 tỉ đồng, tăng 25% so với cùng kì năm ngoái. Thế nhưng, FECON lại bất ngờ báo lỗ sau thuế gần 45 tỉ đồng, trong khu quý IV.2023, doanh nghiệp này lãi sau thuế hơn 49 tỉ đồng.
Giải trình cho biến động về kết quả kinh doanh trong kì, ông Nguyễn Văn Thanh - Tổng giám đốc FECON – thông tin, một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận công ty sụt giảm trong quý vừa qua đến từ việc chi phí lãi vay công ty tăng do ảnh hưởng của đợt tăng lãi suất từ cuối năm 2022 và dư nợ vay tăng so với cùng kì.
Luỹ kế cả năm 2023, FECON đưa về 2.879 tỉ đồng doanh thu, đồng thời ghi nhận mức lỗ sau thuế 43 tỉ đồng. Năm trước đó (2022), FECON lãi sau thuế gần 40 tỉ đồng. Được biết, năm 2023 cũng là năm đầu tiên doanh nghiệp này ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ kể từ khi niêm yết.
Kết thúc năm 2023, tổng tài sản FECON đạt 8.773 tỉ đồng, tăng khoảng 1.200 tỉ đồng so với hồi đầu năm. Biến động này một phần đến từ việc tiền và tiền gửi doanh nghiệp tăng cao trong năm vừa qua, đi kèm với đó công ty đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết.
Cụ thể, tại ngày 31.12.2023, tiền mặt tại FECON là hơn 38 tỉ đồng, tiền gửi ngân hàng xấp xỉ 504 tỉ đồng, các khoản tương đương tiền 166 tỉ đồng, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn 19 tỉ đồng. Như vậy, tổng tiền và tiền gửi của công ty có khoảng 727 tỉ đồng, tăng mạnh so với con số 203 tỉ đồng hồi đầu năm.
Trong khi đó, FECON cũng dành hơn 329 tỉ đồng để đầu tư vào công ty liên danh, liên kết, trong khi hồi đầu năm chỉ mới 157 tỉ đồng. Tuy nhiên, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV.2023 của FECON không thuyết minh cụ thể các đơn vị được công ty này đầu tư thêm vào trong năm qua.
Loạt công ty con bị điểm tên
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả FECON còn khoảng 5.413 tỉ đồng, tăng hơn 1.300 tỉ đồng sau 12 tháng. Trong đó, nợ vay công ty có xu hướng phình to khi tăng từ 2.708 tỉ đồng hồi đầu năm lên 2.953 tỉ đồng tại thời điểm kết thúc năm.
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh FECON cho biết, trong năm 2023, doanh nghiệp đã phải chi 261 tỉ đồng để trả chi phí lãi vay, tăng thêm 49 tỉ đồng so với năm 2022. Chi phí lãi vay phình to cũng là nguyên nhân ăn mòn lợi nhuận FECON, khiến công ty chuyển sang lỗ ròng hơn 32 tỉ đồng, từ lãi gần 40 tỉ đồng của năm trước.
Bên cạnh câu chuyện nợ vay tăng nhanh, một thông tin đáng chú ý khác của FECON trong năm mới 2024 là loạt công ty liên quan bị Bảo hiểm xã hội Hà Nội điểm tên trong danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ – BNN từ 1 tháng trở lên trên địa bàn TP Hà Nội tháng 1.2024 (số liệu tính đến hết 31.01.2024 theo C12-TS lấy ngày 5/2/2024).
Theo danh sách này, Công ty Cổ phần Xây dựng Hạ tầng FECON (Mã số thuế 0104197826, có địa chỉ tại toà nhà CEO, Lô HH2-1, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) đang chậm đóng 6 tháng, số tiền hơn 845 triệu đồng.
Công ty Cổ phần Cọc và Xây dựng FECON (Mã số thuế 0108841985, địa chỉ Tầng 17 Tháp CEO, Lô HH2-1, KĐT Mễ Trì Hạ, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) chậm đóng 376 triệu đồng.
Công ty Cổ phần Công trình Ngầm FECON RAITO (mã số thuế 0106733254, địa chỉ, Tầng 19, tháp CEO, Lô HH2-1, ĐT Mễ Trì Hạ, Phạm Hùng, Phường Mễ Trì, Quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) chậm đóng 367 triệu đồng.
Công ty Cổ phần Đầu tư FECON (Mã số thuế 0106393689, địa chỉ Tầng 2 tháp CEO Lô HH2-1KĐT Mễ Trì Hạ, đường Phạm Hùng, Phường Mễ Trì, Quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) chậm đóng gần 137 triệu đồng. Ngoài ra, trong danh sách này còn có tên của Công ty Cổ phần Thi công cọc FECON số 1.
Theo báo cáo tài chính quý IV.2024 của FECON, các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội vừa nêu trên đều là công ty con của FECON.