Gần 140 viên chức, người lao động của Trường Đại học Quảng Bình bị nợ lương
Trước việc 139 viên chức, người lao động của Trường Đại học Quảng Bình bị "nợ lương" nhiều tháng trong năm 2023, ngày 10/1, Thường trực Tỉnh uỷ Quảng Bình đã có cuộc họp và chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, khẩn trương tìm giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khan, trước mắt là việc bảo đảm tài chính để chỉ trả lương, bảo hiểm xã hội cho cán bộ, giảng viên, người lao động phù hợp với các quy định của pháp luật…
Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Đức Vượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Bình đã báo cáo những khó khăn của nhà trường trong việc chi trả tiền lương và các chế độ liên quan đến viên chức và người lao động (NLĐ) của trường trong thời gian qua.
Trường đại học Quảng Bình là cơ sở đào tạo trình độ đại học duy nhất ở địa phương. Trường hiện có 236 viên chức và người lao động, trong đó có 154 giảng viên và 82 viên chức làm công tác hành chính, nhân viên phục vụ. Trong tổng số 236 viên chức và người lao động, có 99 viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, 137 viên chức và lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách của đơn vị.
Hiện nay, Trường đại học Quảng Bình hiện có 238 viên chức, NLĐ, trong đó có 99 người hưởng lương từ ngân sách, 139 viên chức, NLĐ hưởng lương từ nguồn của đơn vị. Với nguồn thu chính của trường là từ học phí, trong khi tổng số sinh viên trong diện nộp học phí chưa đến 400 sinh viên nên trường đã không đủ khả năng chi trả, dẫn đến việc nợ lương từ 2 đến 7,5 tháng đối với 139 viên chức, NLĐ của nhà trường.
Ông Vượng cũng cho hay, nhà trường đã tiến hành xây dựng đề án vị trí việc làm, tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức bộ máy, nỗ lực trong công tác tuyển sinh…, tuy nhiên đến thời điểm này, trường không còn khả năng để trả lương. Trước mắt, nhà trường chỉ có thể đủ nguồn đóng bảo hiểm xã hội, còn tiền lương của gần 140 viên chức, NLĐ tiếp tục nợ, do đó trường mong muốn tỉnh và các ban, ngành liên quan quan tâm và có giải pháp hỗ trợ.
Trả lời báo chí, ông Vượng cho biết, trước đây nhà trường có khoảng gần 10.000 sinh viên theo học nhưng hiện nay nhà trường chỉ còn hơn 1.000 sinh viên, trong đó hơn một nửa là sinh viên sư phạm theo học. Trong khi nguồn thu chính lại đến từ sinh viên các ngành ngoài sư phạm, khiến nguồn thu sụt giảm nghiêm trọng nên việc cân đối chi trả lương không thực hiện được.
Trước những khó khăn này, nhà trường sẽ căn cứ theo hướng dẫn về vị trí việc làm của Bộ GD&ĐT để sắp xếp cơ cấu lại vị trí việc làm, những người không nằm trong quy hoạch các vị trí việc làm thì sẽ không được giữ lại. Trong khi chờ hướng dẫn về vị trí việc làm, trường đã chủ trương đưa ra những giải pháp trước mắt, như tạo điều kiện cho giảng viên chuyển việc… Ông Vượng nói.
Trước tình hình này, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình đã yêu cầu các đơn vị liên quan sớm nghiên cứu, khẩn trương tìm giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn hiện nay của Trường đại học Quảng Bình, nhất là về công tác bảo đảm tài chính để chỉ trả lương, bảo hiểm xã hội cho cán bộ, giảng viên, NLĐ phù hợp với các quy định của pháp luật nhằm ổn định tình hình, giúp cán bộ, giảng viên, NLĐ yên tâm công tác; có giải pháp hỗ trợ Trường đại học Quảng Bình thực hiện bảo đảm kế hoạch chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm.