Hà Nam: Cty TNHH Việt Đức mất an toàn lao động và ô nhiễm môi trường
Ngày 26/5/2020, tại cơ sở tái chế phế liệu sắt thành phôi thép của Công ty TNHH Việt Đức, trụ sở tại thôn Ba Hàng (Tiêu Động, Bình Lục, Hà Nam), xảy ra một vụ tai nạn lao động khiến một người tử vong.
Mất an toàn lao động khiến một người tử vong
Ngày 26/5/2020, tại cơ sở tái chế phế liệu sắt thành phôi thép của Công ty TNHH Việt Đức, trụ sở tại thôn Ba Hàng (Tiêu Động, Bình Lục, Hà Nam), xảy ra một vụ tai nạn lao động khiến một người tử vong.
Nạn nhân là ông Ngô Văn Phấn, sinh năm 1958, trú tại thôn Tiêu Viên, xã Tiêu Động, công nhân Công ty TNHH Việt Đức.
Theo những người có mặt tại hiện trường khi xảy ra vụ tai nạn, ông Phấn cùng 1 người nữa đang thi công lợp lại mái tôn do ảnh hưởng của giông lốc thì bị trượt chân ngã xuống đất và tử vong tại chỗ. Hiện các cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Qua tìm hiểu được biết năm 2003 tỉnh Hà Nam đã cấp Giấy phép kinh doanh cho nhà máy tái chế phế liệu của công ty TNHH Việt Đức, hoạt động chủ yếu là sản xuất tái chế phế liệu sắt… nấu lại thành phôi thép.
“Cửa đóng then cài” vì công ty xả khói
Trong quá trình sản xuất, Công ty đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân ở khu vực lân cận. Người dân khu vực xóm Ba Hàng xã Tiêu Động cho biết, không chỉ có vụ việc mất an toàn lao động trên, Công ty TNHH Việt Đức còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sinh sống quanh khu nhà xưởng này.
Trao đổi với PV, ông N.V.H ( xóm Ba Hàng, xã Tiêu Động) cho biết: “Cứ khoảng 21 giờ, các nhà lại “cửa đóng then cài” để tránh khói bụi bay vào nhà. Người dân đã quá quen với cuộc sống như vậy, thôn đã nhiều lần kiến nghị chính quyền xã, huyện qua các lần tiếp xúc cử tri và trực tiếp ý kiến với Chủ tịch UBND huyện Bình Lục nhưng không có chuyển biến”.
Ngoài ra, tiếng nổ của các loại vật liệu nổ lẫn trong phế liệu cũng gây nứt nhiều nhà dân. Không những thôn Tiên Quán thường xuyên có kiến nghị, mà người dân thôn Viên Tu, Đồng Rồi cũng đồng loạt phản đối nhưng không được chính quyền giải quyết dứt điểm.
Nhiều hộ dân bức xúc chia sẻ: “Ban ngày, người dân chúng tôi phải chịu tiếng ồn đinh tai, nhức óc từ việc vận chuyển phế liệu sắt, thép. Vào buổi tối và đêm còn khổ hơn nhiều, khi mà lò nấu phế liệu ở đây hoạt động, bởi đây là thời điểm các cháu nhỏ và người già đều ở nhà”.
Không dừng lại ở đó, hoạt động sản xuất tái chế phế liệu sắt của doanh nghiệp này còn ảnh hưởng đến nhiều học sinh trường THPT Nguyễn Khuyến (xã Tiêu Động, huyện Bình Lục).
Trao đổi với PV, ông Bùi Hữu Liêm- Chủ tịch UBND xã Tiêu Động cho biết: “Hiện công ty TNHH Việt Đức đã giảm công suất, bằng chứng là tiền điện doanh nghiệp đóng đã giảm nhiều hơn so với trước.
Để hạn chế khói bụi, Công ty Việt Đức đã cam kết với chính quyền là giảm tần suất, thời gian hoạt động xuống 50%. Trước đây, việc nấu phế liệu thực hiện từ 20 giờ đến 5 giờ sáng, nay, từ 23 giờ đến 3 giờ sáng”.
Vì sao một xưởng sản xuất không đảm bảo quy định của pháp luật, hủy hoại môi trường, đầu độc người dân hàng chục năm qua nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại? Phải chăng chính quyền địa phương đang “ưu ái” quá mức cho xưởng tái chế này, bất chấp sức khỏe, tính mạng của hàng nghìn người dân?
Rất mong cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm vấn đề trên, mang lại niềm tin cho nhân dân.