Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Chủ nhật, 19/07/2020 12:16 (GMT+7)

Hà Nội: Bắt hàng loạt đối tượng trong đường dây mua bán thận

Ngày 19/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đã thông tin về kết quả điều tra bước đầu, làm rõ 3 vụ mua bán bộ phận cơ thể người xảy ra trên địa bàn.

Trước đó, vào giữa tháng 6/2020, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) phát hiện một đường dây mua bán bộ phận cơ thể người, cụ thể là mua bán thận diễn ra trên địa bàn.

Từ trái sang: các đối tượng Hùng, Lĩnh và Thắng (ảnh cơ quan Công an cung cấp).

Quá trình trinh sát, thu thập tài liệu, Công an quận Hà Đông đã bắt giữ Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1983, trú tại Đông Triều, Quảng Ninh), là đối tượng cầm đầu đường dây và làm rõ 3 vụ mua bán thận được Hùng thực hiện.

Sau khi khởi tố Hùng, Công an quận Hà Đông đã tiếp tục điều tra mở rộng và tiến hành bắt giữ đối tượng Nguyễn Mạnh Thắng (SN 1987; ở tổ dân phố Quan Nha, xã Hòa Mạc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) cùng về tội “Mua bán bộ phận cơ thể người”.

Thắng từng bán đi một bên thận của mình, do đó anh ta biết nhiều người có nhu cầu ghép thận. Thắng vào mạng xã hội đăng tin tìm người “mua” và “bán” bộ phận cơ thể này với mục đích đứng giữa môi giới, kiếm lời.

Thắng tìm được chị N (SN 1990 trú tại Hà Nam) là bệnh nhân có nhu cầu ghép thận và anh T (SN 1974, trú tại Bắc Giang) là người bán thận nên đã trực tiếp liên hệ với hai người này để “môi giới”. Sau khi kiểm tra các chỉ số phù hợp, Thắng yêu cầu N chi trả số tiền 460 triệu đồng để mua thận của anh T và được chị này chấp thuận. Ca ghép thận thành công, Thắng thanh toán cho anh T 250 triệu, còn mình hưởng 150 triệu sau khi trừ mọi chi phí.

Một đối tượng khác bị Công an quận Hà Đông phát hiện, khởi tố là Lê Xuân Lĩnh (SN 1982, ở xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An).

Tài liệu điều tra cho thấy, vào tháng 8/2018, Lĩnh bán 1 quả thận vì điều kiện kinh tế khó khăn. Cũng từ đây Lĩnh nhận thấy nhu cầu mua bán thận rất cao nên nghĩ cách để kiếm tiền từ việc này.

Lĩnh lên mạng tìm người bán thận với giá thoả thuận từ 250 triệu đến 300 triệu cho 1 quả thận. Sau khi đó anh ta “ra giá” với bên “mua” là từ 430 triệu đến 500 triệu đồng. Thông qua mạng xã hội, Lĩnh tìm được anh Ngô Thanh T. (42 tuổi, quê quán Quảng Ninh) là người đang chạy thận có nhu cầu mua thận để ghép và chị Lê Thị Q. (39 tuổi, quê Đoan Hùng, Phú Thọ) là người cần bán thận. Lĩnh thỏa thuận trả với anh T. giá mua thận là 500 triệu đồng, thỏa thuận trả cho chị Q. 260 triệu đồng.

Ngày 18/3/2020, anh T. và chị Q. đã được ghép thận thành công tại Bệnh viện. Trừ chi phí, Lĩnh được hưởng lợi khoảng 100 triệu đồng.

Vụ án đang được CQĐT Công an quận Hà Đông tiếp tục điều tra, mở rộng.

Điều 154. Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người
1. Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì mục đích thương mại;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Đối với 06 người trở lên;
d) Gây chết người;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Cùng chuyên mục

Cẩn trọng với ứng dụng VNeID giả mạo
Thời gian qua, tại tỉnh Bình Dương và nhiều địa phương xuất hiện các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách giả danh cán bộ của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội công an tỉnh và các đơn vị Công an xã, phường, thị trấn trên địa bàn hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo.

Tin mới

Cẩn trọng với ứng dụng VNeID giả mạo
Thời gian qua, tại tỉnh Bình Dương và nhiều địa phương xuất hiện các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách giả danh cán bộ của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội công an tỉnh và các đơn vị Công an xã, phường, thị trấn trên địa bàn hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo.