Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 25/02/2020 01:16 (GMT+7)

Hà Nội đang trong thời kỳ ô nhiễm không khí cao nhất trong năm

Trong 2 tháng đầu năm 2020, ô nhiễm không khí tại nhiều đô thị tăng cao. Đáng chú ý, tại Thủ đô Hà Nội chất lượng không khí có những diễn biến đáng lo ngại.

Tổng cục Môi trường vừa công bố chỉ số chất lượng không khí ở một số đô thị ở miền Bắc và miền Nam. Theo đó, trong 2 tháng đầu năm 2020, chất lượng không khí tiếp tục có những diễn biến xấu.

Trong 2 tháng đầu năm 2020, các chỉ số chất lượng không khí của Hà Nội liên tục ở mức xấu.

Ô nhiễm không khí tăng cao tại một số đô thị

Cụ thể, tại một số đô thị khu vực miền Bắc (Việt Trì, Hà Nội, Hạ Long), giá trị trung bình 24 giờ thông số PM2.5 cao hơn các khu vực khác, trong đó Hà Nội có giá trị cao nhất.

Tại Hà Nội, giá trị quan trắc trung bình 24 giờ thông số PM2.5 tại các trạm quan trắc cho thấy, tháng 1/2020 có 9 ngày vượt giới hạn cho phép tại Quy chuẩn Việt Nam (QCVN); tháng 2/2020 (từ ngày 1/2/2020 đến 20/2/2020) có 11 ngày vượt giới hạn cho phép tại QCVN.

Trong khi đó, trong 2 tháng đầu năm 2020, thành phố Hạ Long có 4 ngày vượt quá giới hạn cho phép tại QCVN.

Tại các thành phố ở khu vực miền Trung (Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa), giá trị quan trắc trung bình 24 giờ thông số PM2.5 về cơ bản đạt QCVN cho phép. Còn tại TP.HCM, kết quả quan trắc ghi nhận 2 ngày gồm 6/1 và 16/1 có giá trị trung bình 24 giờ thông số PM2.5 vượt giới hạn cho phép tại QCVN.

Diễn biến giá trị TB 24 giờ thông số PM2.5 từ 1/1/2020 đến 20/1/2020.

Đánh giá chất lượng không khí theo chỉ số AQI cho thấy, từ ngày 1/1/2020 đến ngày 20/2/2020 tại một số đô thị khu vực miền Bắc, số ngày có chất lượng không khí ở mức trung bình và mức kém chiếm tỉ lệ khá cao.

Tại Hà Nội, chỉ có 7 ngày chất lượng không khí ở mức tốt (AQI<50), 6 ngày chất lượng không khí ở mức xấu (AQI>150), những ngày còn lại chất lượng không khí nằm ở mức từ trung bình đến kém. Tại các đô thị khu vực miền Trung, chất lượng không khí phổ biến ở mức tốt và trung bình. Tại thành phố Hồ Chí Minh, số ngày có chất lượng không khí ở mức tốt chiếm 30%, ở mức trung bình chiếm 64% và ở mức kém chiếm 6%.

Diễn biến chỉ số AQI ngày từ 1/1/2020 đến 20/1/2020 tại một số thành phố.

Chỉ số bụi mịn ở Hà Nội vượt 3 lần mức cho phép

Tại Hà Nội, trong 2 tháng đầu năm 2020, kết quả quan trắc cho thấy, có một số khoảng thời gian giá trị trung bình 24h thông số PM2.5 tăng rất cao (vượt từ 2 - 3 lần giới hạn cho phép tại QCVN), như các ngày 1/1, 13/1, 14/1, 2/2 và 20/2.

Trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến 29/1/2020 (đây là thời gian diễn ra tết âm lịch, lượng phương tiện tham gia giao thông rất ít, các hoạt động sản xuất, dịch vụ… cũng hạn chế), giá trị trung bình 24h thông số PM2.5 thấp hơn giới hạn QCVN cho phép nhiều lần, chất lượng không khí cơ bản ở mức tốt, chất lượng không khí có sự cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian gần đây (từ ngày 14/2/2020 đến 21/2/2020), kết quả quan trắc cho thấy, giá trị thông số PM2.5 có xu hướng liên tục tăng, đặc biệt trong ngày 20/2 và 21/2 giá trị PM2.5 rất cao. Giá trị trung bình 24h thông số PM2.5 ngày 20/2 vượt quá gần 3 lần giới hạn cho phép tại QCVN.

Kết quả tính toán chỉ số AQI ngày tại các trạm tại Hà Nội từ 1/1/2020 đến 18/2/2020 cho thấy, có khoảng 50% số ngày có chất lượng không khí ở mức kém đến rất xấu (AQI>100), riêng ngày 13/1 là ngày chất lượng không khí kém nhất trong khoảng thời gian nêu trên (mức rất xấu ở đa số các trạm).

Kết quả tính toán AQI giờ trong thời gian từ ngày 18/2/2020 đến 21/2/2020 cho thấy, chất lượng không khí đang có xu hướng bị suy giảm, trong ngày 20/02 và 21/02, chỉ số AQI giờ ở mức rất xấu (AQI >200) ở nhiều trạm.

Đặc biệt tại trạm Mỹ Đình, chất lượng không khí đã ở mức nguy hại vào 2h sáng ngày 21/2. Chỉ khi thời tiết có sự thay đổi (có mưa hoặc tốc độ gió tăng, giảm tình trạng sương mù…) thì chất lượng không khí mới có thể cải thiện.

Theo Tổng cục Môi trường, hiện Thủ đô Hà Nội cũng như một số đô thị khác ở khu vực miền Bắc nước ta vẫn đang trong thời gian ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí cao nhất trong năm (từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau). Chất lượng không khí những ngày gần đây có xu hướng bị suy giảm, đồng nghĩa với mức độ ô nhiễm ngày càng tăng, người dân cần theo dõi thường xuyên các bản tin về chất lượng không khí, sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường, khi ở nhà thì nên hạn chế mở cửa.

Bụi PM2,5 được đánh giá là tác nhân ô nhiễm không khí có ảnh hưởng tiêu cực nhất tới sức khoẻ con người. Vì có kích thước rất nhỏ nên bụi PM2,5 rất nguy hiểm, có khả năng lắng đọng, thẩm thấu và đi sâu vào tận các phế nang trong phổi và vào máu, làm tổn thương nhiều cơ quan như mũi, họng, phổi... dẫn đến các bệnh nguy hiểm đến tính mạng như tim mạch, đột quỵ não, thậm chí có thể dẫn đến ung thư.

Theo một nghiên cứu của GS Christopher J L Murray và các cộng sự đăng trên tạp chí khoa học Lancet năm 2016, ô nhiễm không khí (trong đó có ô nhiễm bụi PM2,5) là nguyên nhân của 7 triệu ca tử vong hàng năm trên thế giới.

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân của 19% ca tử vong do bệnh tim mạch, 24% ca tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ, 21% ca tử vong do đột quỵ và 23% ca tử vong do ung thư. Những nguyên nhân chính gây tử vong do ô nhiễm không khí là đột quỵ, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư và các bệnh nhiễm trùng hô hấp.

https://kinhtemoitruong.vn/ha-noi-dang-trong-thoi-ky-o-nhiem-khong-khi-cao-nhat-trong-nam-14205.html

Cùng chuyên mục

Dự báo thời tiết hôm nay (19/11): Đêm nay Bắc bộ chuyển rét
Dự báo thời tiết hôm nay (19/11): Bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến một số nơi ở khu Đông Bắc Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía đông bắc bộ và bắc trung bộ, một số nơi ở phía tây bắc bộ và trung trung bộ.

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...