Hà Nội đồng ý chủ trương tổ chức làn đường dành riêng cho xe đạp ven sông Tô Lịch
UBND thành phố Hà Nội vừa thống nhất về chủ trương thí điểm tổ chức làn đường dành cho xe đạp trên tuyến đường ven sông Tô Lịch, đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy.
UBND thành phố Hà Nội vừa đồng ý giao Sở GTVT Hà Nội chủ trì triển khai làn đường dành cho xe đạp đầu tiên trên địa bàn thành phố. Tuyến đường ven sông Tô Lịch đoạn Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy được chọn để triển khai và dự kiến hoàn thành trước dịp Tết Giáp Thìn.
Cụ thể, trong văn bản chỉ đạo về nội dung trên lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội thống nhất về chủ trương với báo cáo, kiến nghị của Sở GTVT về phương án thí điểm tổ chức làn đường dành cho xe đạp tuyến ven sông Tô Lịch, đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy.
UBND thành phố giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố, Sở Xây dựng, UBND quận Đống Đa và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện, đảm bảo khoa học, hiệu quả, phù hợp thực tế.
Trong thời gian tổ chức thí điểm, Sở GTVT chủ động tiến hành đánh giá, phân tích kỹ tồn tại, bất cập của phương án và điều chỉnh cho phù hợp (nếu cần), đảm bảo giao thông ổn định, thuận tiện, hạn chế ùn tắc giao thông.
Thông tin về quá trình phối hợp với Sở GTVT Hà Nội thực hiện phương án thí điểm tổ chức làn đường dành cho xe đạp tuyến ven sông Tô Lịch đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy, Cty CP Tập đoàn Trí Nam (nhà đầu tư) cho biết, dự kiến 1/2 (tức ngày 22/12 tháng Chạp năm Quý Mão) chính thức hoàn thành đường ưu tiên và có thể kịp đưa làn đường dành riêng cho xe đạp vào hoạt động trước dịp Tết Giáp Thìn.
Trước đó, UBND TP Hà Nội nhận được 2 văn bản ngày 17/1/2024 của Sở Giao thông vận tải về việc báo cáo phương án thí điểm tổ chức làn đường dành cho xe đạp (tuyến ven sông Tô Lịch đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy).
Về việc này, UBND Thành phố có ý kiến thống nhất về chủ trương với báo cáo, kiến nghị của Sở Giao thông vận tải. Đồng thời giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố, Sở Xây dựng, UBND quận Đống Đa và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện, đảm bảo khoa học, hiệu quả, phù hợp thực tế.
Trong thời gian tổ chức thí điểm, Sở Giao thông vận tải chủ động tiến hành đánh giá, phân tích kỹ tồn tại, bất cập của phương án và điều chỉnh cho phù hợp (nếu cần), đảm bảo giao thông ổn định, thuận tiện, hạn chế ùn tắc giao thông.