Hà Nội sương mù dày đặc, ô nhiễm không khí chạm ngưỡng báo động
Sáng 13/2, Hà Nội tiếp tục xuất hiện trong top danh sách “10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới” được Hệ thống đo chất lượng không khí của Airvisual quan trắc.
Sáng nay (13/2), Thủ đô Hà Nội bao trùm một màn sương mù dày đặc, ảnh hưởng đến tầm nhìn của các chủ phương tiện tham gia giao thông. Ghi nhận từ Cổng thông tin quan trắc môi trường Thủ đô Hà Nội vào lúc 8h sáng 6/2 cho thấy chỉ số AQI ở phần lớn các điểm đo đã tăng lên ở ngưỡng "kém" và "xấu".
Một số điểm đo có chỉ số AQI cao như: Hàng Đậu với chỉ số AQI 153; Thành Công 153; Phạm Văn Đồng 149; Minh Khai (Bắc Từ Liêm) 147; Chi cục bảo vệ môi trường 123…
Hệ thống quan trắc không khí của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên vào lúc 8 giờ sáng nay cũng cho thấy chỉ số AQI lên đến 123, ở ngưỡng “màu cam” theo cách tính chỉ số AQI của Mỹ và là ngưỡng “kém” theo cách tính chỉ số AQI của Việt Nam. Chỉ số bụi mịn PM 2.5 đo được là 131 1µg/m³.
Hệ thống Airvisual vào lúc 9 giờ sáng nay cũng đã hiện thị ngưỡng màu phổ biến là “đỏ”- ngưỡng “xấu” theo cách tính chỉ số AQI của Việt Nam ở hầu hết các điểm đo. Thậm chí, điểm đo Tây Hồ còn có chỉ số AQI lên tới 220 - ở ngưỡng “tím”, ngưỡng nguy hiểm cho sức khoẻ con người.
Ghi nhận trên Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air trong sáng nay cũng hiển thị hai ngưỡng màu phổ biến là “cam” và “đỏ” - chất lượng không khí ở mức “xấu” xuất hiện tại hầu hết các điểm đo. Chỉ số AQI cao nhất mà ứng dụng PAM Air ghi nhận được lên tới 199 tại khu vực Trần Quang Khải (Hoàn Kiếm).
Theo các chuyên gia môi trường, những ngày qua toàn miền Bắc bị bao phủ bởi lớp sương mù dày đặc, độ ẩm cao, tầm nhìn hạn chế. Màn sương mù đặc quánh, bụi mịn không thể phân tán khiến tình trạng ô nhiễm không khí chạm ngưỡng kém và xấu.
Để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, người dân cần hạn chế đốt rác, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong. Rác cần được thu gom và xử lý theo quy định, người dân không tự ý đốt rác thải tại nơi mình sinh sống. Các khu vực dân ngoại thành không đốt rơm rạ. Người dân nên tham gia các phương tiện công cộng như xe bus, xe điện, hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân; và nên sử dụng các nhiên liệu sạch trong giao thông...
Ngoài ra, để có thể chủ động bảo vệ sức khỏe của mình, người dân nên thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình chất lượng không khí tại các trang công bố chất lượng không khí của cơ quan nhà nước, để biết được mức độ ảnh hưởng và có các biện pháp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Link gốc: https://kinhtemoitruong.vn/ha-noi-suong-mu-day-dac-o-nhiem-khong-khi-cham-nguong-bao-dong-13893.html