Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ năm, 06/07/2023 17:07 (GMT+7)

Hà Nội thông qua quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú khu vực nội thành

Sáng ngày 06/7, tại Kỳ họp thứ mười hai, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố.

Hà Nội thông qua quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú khu vực nội thành
Ảnh minh họa.

Nghị quyết này quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để được giải quyết đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ áp dụng trên địa bàn thành phố đến hết năm 2030. Quy định diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố Hà Nội như sau: Đối với khu vực ngoại thành là 8m2/sàn/người; đối với khu vực nội thành là 15m2/sàn/người.

HĐND thành phố giao UBND thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết theo chức năng, quyền hạn được pháp luật quy định; quá trình thực hiện có rà soát, đánh giá các tác động, báo cáo HĐND thành phố điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tế.

Trước đó, thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND thành phố nêu rõ, Hà Nội là đô thị đặc biệt với áp lực gia tăng dân số cơ học lớn, số người đăng ký cư trú tăng nhanh và biến động nhiều nhất tập trung ở nhóm đối tượng có chỗ ở hợp pháp là nhà ở do thuê, mượn, ở nhờ. Đặc biệt, dân số thuộc khu vực nội đô lịch sử duy trì mật độ cao và đã vượt quá quy định. Dự kiến dân số khu vực này đến năm 2030 phải giảm còn 0,8 triệu người, nhưng đến nay quy mô đã vượt ngưỡng 1,2 triệu người. Dân số của thành phố Hà Nội trong những năm qua tăng phần lớn là gia tăng cơ học từ người nhập cư.

Dân số đô thị tại 12 quận của Hà Nội đã tăng khoảng 20%. Mật độ dân số trung bình năm 2021 là 2.479,5 người/km2, dân cư phân bố không đều, tốc độ đô thị hóa phát triển tương đối nhanh, mật độ dân số tập trung tại các quận khá cao; trong đó, mật độ dân số trung bình của 12 quận là 12.069 người/km2 (cao nhất là quận Đống Đa 37.869 người/km2), cao gấp 4,5 lần so với mức dân số trung bình toàn thành phố. Mật độ dân số phát triển tại khu vực trung tâm đã đạt 9.570 người/km2, vượt gần gấp đôi so với dự báo của quy hoạch chung.

Từ việc quy mô dân số tăng nhanh, mật độ dân số phát triển nóng như vậy đã tạo ra những áp lực cho chính quyền các cấp thành phố trong công tác lãnh đạo, điều hành để đảm bảo các điều kiện về giáo dục, y tế, an sinh xã hội và các điều kiện sinh sống khác cho người dân cư trú trên địa bàn thành phố, nhất là tại các quận nội thành. Việc quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là một trong những tiêu chí tối thiểu để thành phố xác định trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo điều kiện sống cần thiết cho người dân, phù hợp với yêu cầu quản lý về cư trú và tình hình, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Dù vậy, Ban Pháp chế HĐND thành phố cũng cho rằng, việc ban hành quy định trên của thành phố chỉ là giải pháp trước mắt để từng bước giải nén, giảm tải áp lực về quy mô dân số cho các quận nội thành nói riêng và sẽ đạt kết quả khi thực hiện đồng thời, đồng bộ các các giải pháp khác. Trong thời gian tới, thành phố cũng cần phải xây dựng các cơ chế, chính sách, các giải pháp, sử dụng “các công cụ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các công cụ thị trường khác để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số…”; tăng cường công tác quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại các khu vực trung tâm gắn với việc tái thiết đô thị để đảm bảo các điều kiện về an sinh xã hội, giáo dục, y tế… cho người dân, tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù có hiệu quả trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành; ưu tiên sử dụng quỹ đất sau di dời để xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội.

Cùng chuyên mục

Nhiều chính sách mới về giáo dục, ngân hàng bắt đầu có hiệu lực
Từ hôm nay (ngày 20/11/2024), hàng loạt chính sách mới trong lĩnh vực giáo dục, ngân hàng sẽ chính thức có hiệu lực thi hành như: Quy định mới về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; thủ tục phê duyệt liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; siết chặt quản lý liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; quy định mới về mức lãi suất; quy định mới về các hình thức tiền gửi rút trước hạn;...
Quyền của người tham gia bảo hiểm xã hội theo Luật mới
Người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội được nhận các chế độ bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, thuận tiện; hưởng bảo hiểm y tế trong trường hợp đang hưởng lương hưu; nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng...
Các trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán
Phong tỏa tài khoản thanh toán không chỉ nhằm đảm bảo an toàn tài chính mà còn là công cụ để xử lý các vấn đề pháp lý hiệu quả. Nghị định 52/2024/NĐ-CP đã quy định rõ các trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán.

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...