Hành vi thông đồng để dìm giá đất bị xử lý như thế nào?
Trong trường hợp hành vi cản trở hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất bằng hình thức trả giá cao đến mức bất thường, rồi bỏ cọc khiến cho hoạt động đấu giá không thể tổ chức được hoặc tổ chức không thành công gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất có thể từ 02 năm đến 07 năm tù.
Trong thời gian qua, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra nhiều bất thường, hiện tượng trả giá cao rồi bỏ cọc diễn ra ở nhiều địa phương gây bức xúc trong dư luận xã hội. Việc này còn khiến nhiều cuộc đấu giá không thực hiện được.
Việc đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua còn khiến cho giá đất ở các khu vực có hoạt động đấu giá đất đều tăng cao, người trúng giá đất trả giá cao hơn mức khởi điểm rất nhiều khiến cho những người dân sống trong khu vực đó, những người lao động không có cơ hội tiếp cận về quyền sử dụng đất trong những dự án có tổ chức đấu giá. Điều đáng chú ý là những người tham gia đấu giá trả giá cao nhưng ngay sau đó đã rao bán để thu lợi số tiền lớn.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện theo thủ tục đấu giá tài sản, đòi hỏi công khai, minh bạch, đảm bảo công bằng. Do đó, nếu có hành vi tác động, can thiệp vào thủ tục đấu giá tài sản, khiến cho việc đấu giá tài sản không thể thực hiện được hoặc thông đồng với nhau để dìm giá hoặc tăng giá trái pháp luật để trục lợi thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Pháp luật quy định rõ, khi đấu giá quyền sử dụng đất là hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện theo Luật Đấu giá tài sản.
Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đấu giá tài sản được quy định tại Điều 9 Luật Đấu giá tài sản 2016. Theo đó, tại khoản 5 luật nghiêm cấm người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thực hiện các hành vi sau đây:
- Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá;
- Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;
- Cản trở hoạt động đấu giá tài sản; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá;
- Đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá khác nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;
- Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật có liên quan.
Như vậy, hành vi tham gia đấu giá, trả giá cao rồi bỏ cọc khiến cho cuộc đấu giá không thành công, phải tổ chức đấu giá lại là hành vi vi phạm điều cấm của pháp luật và là hành vi gây rối trật tự công cộng. Người thực hiện hành vi cản trở đấu giá quyền sử dụng đất có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người cản trở hoạt động đấu giá tài sản được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 23 Nghị định 82/2020/NĐ-CP. Cụ thể, đối với hành vi vi phạm quy định của người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá và người khác có liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản, phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá;
- Cản trở hoạt động đấu giá; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá.
Trong trường hợp hành vi cản trở hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất bằng hình thức trả giá cao đến mức bất thường, rồi bỏ cọc khiến cho hoạt động đấu giá không thể tổ chức được hoặc tổ chức không thành công gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất có thể từ 02 năm đến 07 năm tù.
Nếu là thông đồng với nhau để dìm giá, phá hoại cuộc đấu giá nhầm trục lợi thì hành vi này cũng có thể bị xử lý hình sự về tội "Vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản" theo Điều 218 Bộ luật Hình sự.
Điều 218 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản" như sau:
"1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá;
b) Lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản;
c) Thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
c) Gây thiệt hại cho người khác 300.000.000 đồng trở lên;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".
Luật sư Cường kiến nghị, trong thời gian tới cần tăng cường kiểm soát hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, sao cho giá đất phản ánh đúng với giá thị trường, để người có nhu cầu thực sự có cơ hội tiếp cận để đưa đất vào sử dụng nhằm phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và loại bỏ được các trường hợp đầu cơ, lợi dụng hoạt động đấu giá đất để thu lợi bất chính.