Hậu Giang: Chủ động đối phó với mọi tình huống thiên tai, dịch hoạ
Hơn một nửa khách đã dừng các chuyến du lịch, nhiều lễ hội bị hủy bỏ, mua bán các mặt hàng thiết yếu trong siêu thị, chợ búa tăng...; trong khi đó, trên các cánh đồng, hạn mặn tiếp tục diễn biến phức tạp. Đó là những khó khăn, thách thức mới mà chính quyền tỉnh Hậu Giang đang đối mặt. Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương luôn chủ động trong mọi tình huống...
Xung quanh những vấn đề này, PV đã có buổi gặp gỡ ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang để nghe ông chia sẻ về các biện pháp chủ động ứng phó với dịch bệnh Covid-19 và hạn mặn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Phóng viên: Tình hình hạn mặn vẫn đang rất khắc nghiệt, nhất là Hậu Giang đang nằm trong tâm điểm. Ông có thể cho biết rõ hơn về diễn biến hình hình, thưa ông?
Ông Lê Tiến Châu: Hiện nay, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nồng độ mặn đo được cao nhất là 18,6‰ (ngày 11/02/2020) tại xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ. Chúng tôi thường xuyên theo dõi tình hình khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh để kịp thời thông báo đến người dân có hướng ứng phó với tình hình xâm nhập mặn. Cụ thể đã tiến hành đóng 12 cống hở vận hành đóng mở theo độ mặn theo dõi ngoài sông trên tuyến đê bao Long Mỹ - Vị Thanh (thành phố Vị Thanh); đóng 20 cống ngầm tại xã Hỏa Tiến và xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh;
Trên tuyến đê bao Long Mỹ - Vị Thanh (huyện Long Mỹ) có 23 cống hở (tỉnh 15 cống, huyện 08 cống) và 13 cống tròn. Hiện nay, cho vận hành đóng mở 22 cống hở còn lại 01 cống kênh Đầm đang thi công nhưng vẫn đảm bảo ngăn mặn và đã đóng 08 cống tròn (Lương Nghĩa 04, Lương Tâm 04), còn lại 05 cống tròn (Xà Phiên 01,Thuận Hòa 04) khi độ mặn từ 1,5‰ sẽ tiếp tục đóng. Huyện Long Mỹ đã triển khai xuống 74 đập thời vụ ngăn mặn tập trung tại các xã có nguy cơ xâm nhập mặn cao (xã: Lương Nghĩa, Lương Tâm, Vĩnh Viễn A). Bên cạnh đó, tiến hành đóng 21 đập ngăn mặn cải tiến để ngăn mặn trữ ngọt.
Phóng viên:Những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khá phức tạp, số ca nhiễm bệnh gia tăng khắp các tỉnh thành. Xin hỏi, tỉnh Hậu Giang đã ứng phó chuyện này như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Tiến Châu: Hậu Giang đã chủ động chuẩn bị mọi thứ, sẵn sàng đối mặt với các tình huống xấu. Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly, giường bệnh; sẵn sàng tổ chức tốt việc cách ly, điều trị bệnh nhân. Chuẩn bị khu cách ly tập trung tại Trường quân sự địa phương tỉnh, Trường Trung cấp Luật Vị Thanh, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh; Trung tâm Y tế huyện Vị Thủy và Khu điều trị ca bệnh tại Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh.
Tính đến ngày 28/02/2020, toàn tỉnh đã cách ly tập trung 51 trường hợp; cách ly tại nhà 226 trường hợp. Các cơ sở y tế thực hiện nghiêm túc việc phân luồng, cách ly, bố trí cán bộ trực 24/24; xử lý ngay các trường hợp bệnh tại các cơ sở y tế của địa phương. Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tiếp tục rà soát, nắm thông tin từng hộ gia đình (có yếu tố nước ngoài), thực hiện tuyên truyền vận động người dân phối hợp cung cấp thông tin, lịch trình của người thân ở nước ngoài khi trở về địa phương (như: nơi ở tại nước ngoài, ngày, giờ về Việt Nam,…) để quản lý, thực hiện công tác giám sát y tế và được hướng dẫn thực hiện cách ly theo quy định. Trung tâm Y tế Dự phòng thực hiện công tác phun hóa chất, xử lý môi trường tại các điểm trường, chợ, công ty, xí nghiệp,…
Phóng viên:Trước nguy cơ thiên tai, dịch họa đang song hành, tình hình kinh tế, chính trị xã hội của địa phương có bị ảnh hưởng? Với vai trò lãnh đạo của tỉnh, ông đánh giá như thế nào về việc phát triển kinh tế địa phương trong thời gian tới?
Ông Lê Tiến Châu: Chắc chắn là có, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp cộng với xâm mặn trên diện rộng đã gây những ảnh hưởng bất lợi đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân trong tỉnh. Một số chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ giảm (diện tích trồng mía giảm 38,31% so cùng kỳ; số lượng đàn heo giảm 43,48% so cùng kỳ, giá trị sản xuất công nghiệp giảm 5,65%; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 10,8% so với tháng trước và giảm 1,8% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp giảm 22,74% so với tháng trước).
Các hoạt động giáo dục, văn hóa, thể dục - thể thao tạm hoãn hoặc lùi thời gian thực hiện. Đặc biệt, những tháng đầu năm, ngành du lịch bị ảnh hưởng lớn. Trong tháng 2/2020, toàn tỉnh đón 20.976 lượt khách (trong đó: 1.259 lượt khách quốc tế, 19.717 lượt khách nội địa), giảm 61,97% so với cùng kỳ; tổng thu đạt 9,04 tỷ đồng, giảm 53,53% so với cùng kỳ.
Trong những tháng tới, ngoài việc phòng chống dịch Covid-19 và trấn an tâm lý người dân trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh này, tỉnh chú ý theo dõi chăm sóc và thu hoạch tốt vụ lúa Đông Xuân đã xuống giống, chăm sóc rau màu, cây ăn trái,...; tăng cường dự tính, dự báo về thời tiết và kỹ thuật đón đồng, hướng dẫn nông dân phòng ngừa các loại sâu bệnh để phòng trị kịp thời, hiệu quả. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đặc biệt là dịch bệnh tả lợn Châu Phi, dịch cúm gia cầm; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật và kiểm tra vệ sinh thú y; thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông nghiệp.
Triển khai kế hoạch phòng, chống hạn và xâm nhập mặn năm 2020, thực hiện hiệu quả các giải pháp công trình và phi công trình, theo dõi tình hình khí tượng, thủy văn trên địa bàn tỉnh để thông báo kịp thời; rà soát việc thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, mặn cho lúa và các loại cây trồng vật nuôi và thủy sản; triển khai thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Phóng viên:Xin trân trọng cảm ơn ông!