Hứng chuỗi đòn dồn dập, Trung Quốc 'thở phào' khi Cố vấn Nhà Trắng hé lộ dự định của ông Trump
Trợ lý của Tổng thống Donald Trump nói Bắc Kinh đang tuân thủ phần lớn thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, bao gồm việc thu mua nông sản của Mỹ.
Theo Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow, Tổng thống Mỹ Donald Trumpkhông có kế hoạch áp đặt thuế quan bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức vào tháng sau.
"Về các cuộc đàm phán thương mại thì chúng tôi vẫn duy trì tiếp xúc," Kudlow nói trong sự kiện của tờ Washington Post.
"Chúng tôi không có kế hoạch áp đặt thêm thuế quan mới nào."
Trump phát động cuộc tấn công quyết liệt về thương mại nhằm vào Bắc Kinh từ năm 2018, với hàng loạt thuế quan "ăn miếng trả miếng" mà song phương áp lên hàng trăm tỉ USD hàng hóa của đối phương. Nhiều thuế quan vẫn đang được áp dụng bất chấp thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã được ký kết tháng 1/2020.
Ông Kudlow xác nhận Trung Quốc đang thực hiện thỏa thuận đầu tiên, bao gồm các điều khoản cụ thể về thu mua nông sản của Mỹ - như sản phẩm đậu tương.
"Số liệu thống kê cho thấy Trung Quốc đang tuân thủ đại bộ phận nội dung của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1," ông nói, bổ sung rằng "họ có thể bị chậm trễ bởi tình hình đại dịch [Covid-19]".
Ông cho biết thêm, "Dường như có một số động thái tích cực [từ phía Trung Quốc] trong thiết lập các cơ quan pháp lý và tư pháp mới, nhằm ngăn chặn tình trạng đánh cắp sở hữu trí tuệ, vốn là phần then chốt trong những quan ngại của chúng ta".
Thông điệp của ông Kudlow là một trong những tín hiệu tích cực mà Bắc Kinh nhận được vào những tuần cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, khi chính quyền Trump thời gian qua đã dồn dập "ra đòn" nhằm vào nước này.
Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tuần trước áp đặt thêm cấm vận đối với các quan chức Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh ngừng vi phạm quyền tự do ngôn luận. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 4/12 nói lệnh trừng phạt bao gồm hạn chế thị thực đối với các quan chức thuộc Ban công tác Mặt trận thống nhất của Trung Quốc.
Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ công bố trừng phạt Tổng công ty Xuất nhập khẩu Điện tử quốc gia Trung Quốc với cáo buộc bán phần mềm, đào tạo và công nghệ giám sát cho Venezuela.
Washington cũng áp hạn chế thị thực đối với các đảng viên Trung Quốc và thân nhân, giới hạn thời gian lưu trú sau khi nhập cảnh tại Mỹ chỉ còn 1 tháng.
Vào hôm 3/12, chính quyền ông Trump chính thức đưa đưa Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) cùng 3 doanh nghiệp khác của nước này vào danh sách đen, với cáo buộc có liên hệ với Quân giải phóng nhân dân (PLA).
Tổng thống đắc cử Joe Biden hồi tuần trước cho biết sau khi nhậm chức, ông sẽ không dỡ bỏ ngay những thuế quan mà Trump áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc, mà trước hết tập trung đầu tư vào tầng lớp công nhân và lĩnh vực sản xuất của Mỹ.
Chính quyền của ông Biden được kỳ vọng sẽ điều chỉnh quan hệ ngoại giao với các đối tác thương mại và đồng minh quan trọng như Liên minh châu Âu (EU) - thế lực có thể mang lại sự ủng hộ vững chắc cho Mỹ để gây sức ép buộc Trung Quốc thay đổi hành vi.