Indonesia: Cảnh báo xảy ra lũ quét và dung nham lạnh khi núi lửa Ibu phun trào
Ngày 2/6, núi lửa Ibu trên đảo Halmahera thuộc tỉnh Bắc Maluku ở miền Đông Indonesia đã phun trào trở lại, cột tro bụi dày đặc bốc lên cao tới 7km.
Theo ông Muhammad Wafid, người đứng đầu Cơ quan Địa chất Indonesia, ngọn núi lửa nằm trên một hòn đảo ở phía Đông tỉnh Bắc Maluku này đã phun trào trong hơn 6 phút. Một cột tro có thể được nhìn thấy bốc cao lên bầu trời. Nó phun ra vật chất bao gồm tro núi lửa và cát.
Vào thời điểm phun trào, gió thổi về hướng Tây, khiến vật chất núi lửa bị gió cuốn theo xuống địa điểm trên một cánh đồng ở thôn Gam Ici.
Người phát ngôn của Cơ quan Quản lý thiên tai quốc gia Indonesia Abdul Muhari cho biết, một đội chức năng của cơ quan này đang hướng tới tiếp cận khu vực bị ảnh hưởng.
Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không nên tiến hành các hoạt động ngoài trời, ở trong nhà và và cảnh giác trước những nguy cơ tiềm ẩn từ dòng dung nham bao gồm tro và cát đổ xuống sườn núi.
Indonesia - quần đảo với 270 triệu dân - có 120 ngọn núi lửa đang hoạt động. Tại đây, hoạt động núi lửa phun trào thường xuyên diễn ra vì quốc gia này nằm dọc theo "Vành đai lửa" Thái Bình Dương - chuỗi các đường đứt gãy địa chấn hình móng ngựa quanh Thái Bình Dương.
Ibu là một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Indonesia.
Núi lửa Ibu đã liên tục phun trào kể từ đầu tháng 5. Hôm 16/5 vừa qua, Trung tâm Giảm nhẹ nguy cơ núi lửa và địa chất của Indonesia đã nâng mức độ cảnh báo nguy hiểm đối với núi lửa Ibu từ cấp 3 lên cấp 4 (mức cao nhất), sau khi hoạt động địa chất tại đây gia tăng đáng kể trong thời gian qua.
Hôm 30/5, núi lửa Marapi ở miền Tây Indonesia đã phun trào, gây ra cột tro bụi cao 2 km trên bầu trời. Hồi tháng 4, núi lửa Ruang ở tỉnh Bắc Sulawesi của quốc gia Đông Nam Á này cũng đã phun trào nhiều lần, khiến hàng nghìn cư dân các đảo lân cận phải sơ tán.