Khi cảm xúc che mờ lý trí
Vô hình trung, người lớn đã tạo ra một quan niệm cho trẻ em rằng trộm cắp không phải là hành vi xấu xa gì, hoàn toàn có thể tha thứ vì tuổi nhỏ bồng bột, do hoàn cảnh khó khăn.
Vụ vợ chồng chủ cửa hàng thời trang ở Thanh Hóa hành hạ và tống tiền 2 cô bé mắc lỗi ăn cắp chiếc váy giá trị 160.000 đồng đã gây một cơn bão phẫn nộ trên mạng xã hội. Rất nhiều người đứng về phía các em gái đó để lên án hành động vô lương, quá quắt của vợ chồng chủ cửa hàng và tỏ thái độ hả hê khi Công an kịp thời vào cuộc, khám xét và tịch thu hàng hóa, khởi tố vụ án với các tội danh “Làm nhục người khác”, “Cưỡng đoạt tài sản”, bắt tạm giam người chồng 3 tháng.
Sự phẫn nộ của dư luận là chính đáng bởi cách hành xử của vợ chồng chủ cửa hàng vừa vi phạm pháp luật, vừa trái đạo lý, lương tâm đối với trẻ vị thành niên (2 cô bé gái này đều sinh năm 2004, chứ không phải mới 15 tuổi như nhiều tài khoản mạng xã hội đã đăng). Lý trí của cặp vợ chồng này đã bị sự tức giận lấn át, thể hiện bằng hành vi thiếu nhân tính và đã phải trả bằng một cái giá quá đắt trước pháp luật và chịu một bản án dư luận hết sức nặng nề.
Về phía cộng đồng – những người đã kịch liệt phê phán hành vi này không tiếc lời cũng biểu hiện của cảm xúc che mờ lý trí. Quá bức xúc trước cảnh cô bé đáng tuổi con cháu mình bị hành hạ, làm nhục đã dấy lên sự thương xót, tình người mà phẫn nộ với hành vi đó. Đặc biệt, khi các em này đã biết lỗi, xin lỗi và đền bù. Khi cảm xúc nhất thời thay thế lý trí, hành vi ăn cắp bị quên đi, nhường chỗ cho sự thương xót và có cảm giác rằng người ta đã coi hành vi ăn cắp đó là đáng được thông cảm, bỏ qua.
Vô hình trung, người lớn đã tạo ra một quan niệm cho trẻ em rằng trộm cắp không phải là hành vi xấu xa gì, hoàn toàn có thể tha thứ vì tuổi nhỏ bồng bột, do hoàn cảnh khó khăn. Thực sự, đây là thái độ có thể gây nên những hệ lụy ngoài mong muốn, nếu không nói rằng có hại cho trẻ em.
7 năm trước, có vụ một em học sinh ăn trộm sách trong cửa hàng và bị bắt, đeo bảng “trộm cắp” trước ngực đứng trước cửa hàng đã bị dư luận lên án gay gắt. Một nhà văn trẻ thú nhận mình từng trộm cắp trong cửa hàng sách nhưng được tha thứ và từ đó không bao giờ lấy trộm nữa, chịu khó rèn luyện, học tập và trở thành người tử tế. Động thái ấy nhằm “cứu vớt” danh dự của em bé trót dại và động viên em vượt qua cú sốc tâm lý mặc cảm để phấn đấu thành người và kêu gọi sự vị tha trong cộng đồng. Đó là hành vi nhân văn, đáng coi trọng và mang tính giáo dục cao. Tuy nhiên, đánh cắp một cuốn sách khác với việc ăn trộm một cái váy rất nhiều.
Dư luận cũng đã hoang mang trước vụ chủ nhà đánh kẻ trộm gây thương tích phải ngồi tù mà tên trộm thì vô can. Đã có nhiều tranh cãi về pháp lý và đạo lý ở câu chuyện này, người ta e ngại rằng sau vụ án này không ai dám chống lại kẻ trộm nữa.
Nói chung, qua các sự cố kể trên, mọi người dù trong cuộc hay đứng ngoài phê phán đều không nên để cảm xúc lấn át lý trí mà có những hành vi trái pháp luật, phản đạo lý hoặc vô hình trung lại bảo vệ cái xấu, cái xã hội cần loại trừ.