Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 04/11/2020 08:30 (GMT+7)

Làm sai lệch hồ sơ vụ án sẽ bị xử lý như thế nào?

Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án là những người có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện tình trạng một số cá nhân lợi dụng nhiệm vụ được giao có hành vi thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc.

Vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam hai cán bộ Công an huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình là Hoàng Hồng Hạnh (SN 1978, Đội trưởng Đội Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp) và Nguyễn Bằng Giang (SN 1981, Phó trưởng Công an xã Song An) về tội “Làm sai lệch hồ sơ vụ án”.

Thêm vào đó, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng cũng vừa xử phúc thẩm Nguyễn Việt Cường (SN1976, cựu Trung tá, Điều tra viên Công an TP. Tuy Hòa, Phú Yên). Nguyễn Việt Cường đã tự viết thêm nội dung vào biên bản ghi lời khai về tội mua bán trái phép chất ma túy dẫn đến làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Ảnh minh họa Nguồn: Internet.

“Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc” là một trong những tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức hoặc cơ quan nhà nước được quy định tại Điều 375 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Hành vi này làm xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan tiến hành tố tụng; xâm phạm đến lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.

Điều 375. Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc
1. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, những người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự nào mà thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm
a) Có tổ chức;
b) Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch;
c) Gây thiệt hại từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm;
b) Làm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện tự sát;
c) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Đối tượng của tội “Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc” là hồ sơ vụ án, vụ việc. Hồ sơ vụ án, vụ việc là tập hợp những tài liệu, vật chứng được thu thập trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm tính khách quan, toàn diện, đầy đủ để phục vụ cho việc giải quyết vụ án, vụ việc đúng pháp luật.

Chủ thể thực hiện tội này là người có chức vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp hoặc là người tham gia vào hoạt động tư pháp có liên quan đến hồ sơ vụ án, vụ việc bao gồm: Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án hoặc là những người có điều kiện tiếp xúc hồ sơ vụ án, vụ việc, có thể làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc như cán bộ điều tra ở Cơ quan điều tra; thẩm tra viên, chuyên viên pháp lý của Tòa án; Kiểm tra viên, chuyên viên pháp lý của Viện kiểm sát; được phân công nhiệm vụ tham gia giải quyết vụ án.

Và còn có thể là những người tham gia tố tụng có điều kiện tiếp xúc hồ sơ vụ án, vụ việc, có thể làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc như người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự.

Hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc làm cho nội dung của hồ sơ sau khai làm sai lệch không còn phù hợp với nội dung hồ sơ ban đầu được thể hiện qua các việc:

– Có hành vi thêm (đưa thêm) các tài liệu vào hồ sơ vụ án, đưa thêm các vật chứng vào để xem xét cùng với các vật chứng khác (nếu có) trong vụ án.

– Có hành vi bớt (rút bớt ra) các tài liệu trong hồ sơ vụ án, lấy bớt vật chứng đã được thu thập hợp pháp trong vụ án.

– Có hành vi sửa đổi tài liệu, vật chứng như việc sửa chữa (như tẩy xóa rồi viết hoặc đánh máy lại…) nội dung của tài liệu hoặc làm thay đổi hình dáng, kích thước, trọng lượng, tính chất, màu sắc, đặc điểm… của vật chứng so với ban đầu thu thập chúng.

– Có hành vi đánh tráo tài liệu, vật chứng như hành vi làm mất vĩnh viễn hay mất một phần giá trị chứng minh của tài liệu, vật chứng của vụ án.

– Có hành vi hủy, làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng như hành vi làm mất vĩnh viễn hay mất một phần giá trị chứng minh của tài liệu, vật chứng của vụ án.

– Các thủ đoạn khác được hiểu là ngoài các hành vi nêu trên thì các hành vi khác được thực hiện bằng những cách thức, phương pháp khác nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, vì vậy chỉ cần người phạm tội thực hiện một trong các thủ đoạn như: thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy, làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ án thì coi như tội phạm đã hoàn thành, bất kể kết quả giải quyết vụ án như thế nào đều không có ý nghĩa đến việc định tội đối với người phạm tội.

“Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc” được thực hiện do lỗi cố ý, người phạm tội nhận thức rõ hành vi thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy, làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ án của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của mình và do đó mong muốn hậu quả xảy ra.

Khung hình phạt cơ bản đối với người phạm tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc là bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp nêu tại khoản 2 Điều 375 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp tại khoản 3 Điều 375 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

“Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc” là một trong những tội thuộc tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, chủ thể phạm tội là người tiến hành tố tụng, có quyền nhân danh nhà nước chính vì vậy việc phát hiện và điều tra thường gặp nhiều khó khăn bởi những chủ thể này nắm rõ pháp luật tố tụng nên biết cách che giấu hành vi của mình.

Ngoài ra, đây là hành vi phạm tội với lỗi cố ý nên việc do nghiệp vụ còn non yếu hay vì lý do khách quan gây thất lạc, sai lệch hồ sơ giấy tờ thì không phải cấu thành nên tội này.

Cùng chuyên mục

Chưa rút BHXH mà qua đời thì có bị mất tiền đã đóng?
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, người lao động đang đóng BHXH, hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH chết thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất, bao gồm 02 khoản: Mai táng phí và trợ cấp tuất (trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hàng tháng).

Tin mới