Lấn chiếm vỉa hè nhiều năm công an phường đang ở đâu?
Nhiều bạn đọc cho rằng để “giải cứu” vỉa hè cần xử phạt thật nặng việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường và quy trách nhiệm cho Trưởng công an hay Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn...
Các phường, quận ở thành phố Hà Nội thời gian qua đã rất quyết liệt lập lại trật tự lề đường, vỉa hè bằng nhiều cách làm, sáng kiến khác nhau nhưng xem ra hiệu quả vẫn còn hạn chế. Sau nhiều đợt ra quân dọn dẹp tình trạng chiếm dụng trở lại như cũ.
Bạn đọc vanthanh thẳng thắn: "Còn tình trạng bảo kê cho vỉa hè, thì không có giải pháp nào là hiệu quả cho việc "giải cứu" vỉa hè".
Dư luận đồng tình với ý kiến này, bạn đọc thuongnguyen@ chia sẻ: “Xin mời công an Phường Láng Hạ, quận Đống Đa đến đầu ngõ 17/2 phố Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ mà xem có đôi vợ chồng bán báo chiếm dụng toàn bộ vỉa hè đầu hồi nhà B26 Nam Thành Công để làm nơi bán báo, trà đá, nước mía, đồ ăn vặt, đến tối không dọn đồ về mà quây toàn bộ dụng cụ bán hàng bằng bạt, lấn chiếm 1 góc vỉa hè gây mất vệ sinh môi trường và an toàn cháy nổ".
Lấn chiếm vỉa hè tại đầu hồi nhà B26, Nam Thành Công trong suốt nhiều năm. |
Đến tối không dọn đồ về mà quây toàn bộ dụng cụ bán hàng bằng bạt, lấn chiếm 1 góc vỉa hè gây mất vệ sinh môi trường và an toàn cháy nổ. Ảnh chụp tại đầu hồi nhà B26 Huỳnh Thúc Kháng. |
Vậy làm sao để "giải cứu" vỉa hè, bạn đọc xuanquyen đề xuất: ”Lập đường dây nóng riêng cho tình trạng lấn chiếm vỉa hè, công bố cho người dân ở địa phương biết. Dân báo tin là có người xuống xử lý nghiêm minh ngay lập tức (giống như cảnh sát ở nước ngoài), làm được như vậy thì tình trạng lấn chiếm vỉa hè sẽ được giải quyết. Lập cơ chế nếu như phường bao che, người dân sẽ phản ánh lên cấp quận, hay cấp thành phố; cấp nào mà xử lý chậm theo kiểu nể nang là biết ngay vỉa hè đó đã được bao che”.
Bạn đọc hiennguyen thì cho rằng: “Phải làm quyết liệt và đồng bộ chuyện lấn chiếm vỉa hè, đừng lấy lý do người dân nghèo buôn bán kiếm sống hay bất cứ lý do gì để chiếm dụng vỉa hè, lòng đường. Ai còn dám đi bộ khi không còn lối để đi, các bảng hiệu chiếm lấn và che tầm nhìn của tài xế cũng là 1 trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông".
Bạn đọc "lythanh" đưa ra giải pháp: “Để vỉa hè thông thoáng thì phải không có người lấn chiếm. Người lấn chiếm vỉa hè bao gồm người mua và người bán. Xử lý người bán lấn chiếm là chính quyền địa phương, còn người mua thì cần tuyên truyền vận động các đối tượng học sinh, sinh viên, cán bộ viên chức nhà nước, cán bộ hưu trí và người dân. Thực tế cho thấy, rất nhiều cán bộ công chức, học sinh, sinh viên đã lấn chiếm vỉa hè bằng hình thức ăn uống, hay nhậu nhẹt trên vỉa hè”.
Trong một góc nhìn khác bạn đọc kimthi nêu ý kiến: “Lãnh đạo phường phải là người chịu trách nhiệm trước tiên về tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng”.
Bạn đọc Long đề nghị: "Địa phương nào để lề đường, vỉa hè bị lấn chiếm và tái đi tái lại nhiều lần thì kỷ luật, cách chức Chủ tịch và Trưởng công an phường nơi đó; làm mạnh tay như vậy tình trạng lấn chiếm lề đường, vỉa hè sẽ khó tồn tại".